Động thái này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua những thách thức mà còn bắt kịp với xu hướng tiêu dùng đang thay đổi do đại dịch COVID-19 và một số sự kiện nổi bật trong năm 2020 bao gồm chiến tranh thương mại, chính trị giữa các quốc gia trên toàn cầu. Đáng chú ý, các lãnh đạo doanh nghiệp đều nhận thấy và công nhận tác động của số hóa đến khả năng phục hồi trong dài hạn của chuỗi cung ứng.
Báo cáo trên được TM Insight – công ty tư vấn chuyên về tối ưu hoá chuỗi cung ứng, cố vấn và quản lý bất động sản thương mại và công nghiệp tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vừa mới thực hiện. Đây là một nghiên cứu phân tích quan điểm của các chuyên gia đầu ngành và hơn 250 lãnh đạo trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), logistics, thương mại điện tử, bán lẻ và sản xuất tại Singapore, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng các doanh nghiệp Việt Nam, dù chưa áp dụng bất kỳ hình thức số hoá nào trước đại dịch COVID-19, hiện đang cân nhắc một số hình thức số hóa chuỗi cung ứng. Những lý do chính của động thái này là nhằm đẩy mạnh năng suất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao và cắt giảm nhân lực khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Ông James Christopher - Chủ tịch TM Insight khu vực châu Á cho biết các kết quả khảo sát khẳng định tầm quan trọng ngày càng tăng của một chuỗi cung ứng linh hoạt, được trang bị kỹ thuật số nhằm vượt qua giai đoạn khủng hoảng chưa từng có.
“Chuỗi cung ứng tại khu vực Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng đối với dòng dịch chuyển hàng hóa trên toàn cầu, và ngành này đang trải qua những thay đổi địa chấn trong năm nay chủ yếu do đại dịch COVID-19. Nếu như thương mại điện tử đã trên đà tăng trưởng từ trước đại dịch, sự thay đổi nhu cầu và xu hướng của người tiêu dùng cùng với áp lực gia tăng về chăm sóc sức khỏe và các biện pháp giãn cách an toàn tiếp tục thúc đẩy chuỗi cung ứng tới những giới hạn mới”.
“Do đó, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiện đang xem xét các lựa chọn khác nhau để bảo vệ chuỗi cung ứng của họ trước những rủi ro tiềm ẩn trong dài hạn,” ông James cho biết thêm.
Dựa trên các thông tin của nghiên cứu này, ông James nhận định các doanh nghiệp đã nhận ra việc số hóa không chỉ mang đến một cái nhìn toàn diện hơn về những gì đang xảy ra trong chuỗi cung ứng, mà còn giúp họ dự đoán chính xác hơn những thách thức và các giai đoạn thay đổi, cũng như góp phần vượt qua những cú sốc trong tương lai.
Trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo dự đoán sẽ có sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng, triển khai các mô hình bán hàng đa kênh - Omnichannel, đầu tư vào kho phục vụ e-commerce (dark store) cũng như tăng cường sử dụng tự động hóa, phân tích dữ liệu và hệ thống viễn thông.
“Đặc biệt, các nhà lãnh đạo trong ngành cung ứng đã quan sát thấy rằng các doanh nghiệp đầu tư sớm vào mô hình bán hàng đa kênh đã thoát khỏi tác động của đại dịch tương đối bình yên. Những doanh nghiệp này có thể đón đầu cơ hội khi nhu cầu tăng cao, tăng doanh số bán hàng và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Thông qua báo cáo nghiên cứu này, chúng tôi nhận thấy mô hình bán hàng đa kênh ngày càng trở nên phổ biến và dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.
“Thấu hiểu nhu cầu này, đội ngũ TM Insight châu Á rất mong được hợp tác với các doanh nghiệp trên toàn khu vực để tối ưu hóa chuỗi cung ứng khi thế giới đang bước vào một trạng thái bình thường mới,” ông James cho biết thêm.