Mới đây, UBND huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội đã yêu cầu dừng tổ chức đấu giá đối với 197 thửa đất tại các khu vực Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, thuộc thôn Văn Quán, xã Đỗ Động.
Cụ thể, để đảm bảo công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, UBND huyện Thanh Oai đã đề nghị Công ty Đấu giá Hợp danh Đấu giá Việt Nam và Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc Gia dừng tổ chức các cuộc đấu giá liên quan đến các thửa đất trên.
Các khách hàng đã mua hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá sẽ được hoàn trả lại tiền mua hồ sơ vào ngày 2/10/2024 (trong giờ hành chính), tại nhà điều hành sân vận động huyện Thanh Oai và cung cấp số tài khoản chính chủ của người đăng ký tham gia đấu giá để nhận lại khoản tiền đặt trước đã nộp (nếu có).
Sau khi kiểm tra, rà soát hồ sơ cùng các điều kiện pháp lý đảm bảo theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Thanh Oai sẽ tiếp tục thông báo tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Vào đầu tháng 9, UBND huyện Thanh Oai đã ban hành văn bản về việc tạm dừng tổ chức các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 114 thửa đất tại khu vực Đầm, thôn Mục Xá, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai.
Các khách hàng đã đăng ký tham gia đấu giá sẽ được hoàn trả lại tiền hồ sơ trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày có thông báo này. UBND huyện Thanh Oai cho biết, sẽ thông báo tổ chức lại cuộc đấu giá sau khi rà soát pháp lý, điều kiện, đảm bảo theo đúng quy định pháp luật.
Trước đó, phiên đấu giá đất ngày 10/8 tại huyện Thanh Oai đã gây sốt khi mức giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Lô góc có giá trúng cao nhất lên tới 100,5 triệu đồng/m2, trong khi hầu hết các lô đất khác cũng đạt mức giá 80-90 triệu đồng/m2. Lô trúng thấp nhất là 51,6 triệu đồng/m2.
Theo quy định, người trúng đấu giá đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo hai đợt trong 30 ngày. Đợt thanh toán cuối cùng của phiên đấu giá này là vào ngày 14/9. Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai cho biết, số tiền dự kiến thu về từ phiên đấu giá này là hơn 400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến hết sáng 16/9, chỉ có 13 lô đất hoàn thành nghĩa vụ tài chính, tổng số tiền chỉ gần 60 tỷ đồng. Đáng chú ý, các lô này đều có giá trúng từ 51,6 triệu đến hơn 55 triệu đồng/m2; toàn bộ các lô có giá trúng từ 80 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/m2 đều bị bỏ cọc.
Liên quan đến đấu giá đất, ngày 3/10 tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý 3/2024, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, qua rà soát tại 2 huyện vừa có giá trúng đấu giá đất cao là Thanh Oai và Hoài Đức, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, xác định có 3 tồn tại trong quá trình đấu giá đất.
Thứ nhất, về bảng giá đất, việc xây dựng, cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất trước khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực được căn cứ theo khung giá đất của Chính phủ quy định, dẫn đến có sự chênh lệch giữa giá đất do UBND TP quy định và giá đất giao dịch, chuyển nhượng trên thị trường.
Theo quy định của Luật Đất đai 2024, việc điều chỉnh bảng giá đất được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 của Chính phủ.
Sở Tài nguyên và Môi trường hiện đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung triển khai xây dựng điều chỉnh bảng giá đất theo quy định. Do đó, chưa thể cập nhật ngay bảng giá đất sát với giá đất thực tế trên thị trường.
Thứ hai, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện tình trạng người tham giá đấu giá không có nhu cầu để ở, đấu giá nhằm mục đích kinh doanh “đầu cơ”; tình trạng trả giá cao hơn giá thị trường để trúng đấu giá, sau đó không nộp tiền trúng đấu giá (bỏ cọc), nhằm mục đích “làm giá”, “thổi giá” gây nhiễu loạn giá thị trường vẫn chưa được kiểm soát triệt để.
Thứ ba, xuất hiện tình trạng người tham gia đấu giá những ô nhỏ, lẻ không có nhu cầu để ở, đấu giá nhằm mục đích kinh doanh “đầu cơ” dẫn đến phức tạp trong quản lý.