Khách quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 19,2 lần cùng kỳ

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 3.683,7 nghìn lượt người…
Khách quốc tế
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Cụ thể, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 4/2023 ước đạt 984,1 nghìn lượt người, tăng 9,9% so với tháng trước và gấp 9,7 lần cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 3.683,7 nghìn lượt người, gấp 19,2 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 61,7% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Trong tổng số hơn 3.683,7 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam 4 tháng đầu năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt 3.266,8 nghìn lượt người, chiếm 88,7% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 19,2 lần cùng kỳ năm trước.

Còn bằng đường bộ đạt 372,9 nghìn lượt người, chiếm 10,1% và gấp 17 lần, bằng đường biển đạt 44 nghìn lượt người, chiếm 1,2% và gấp 688,2 lần.

Tuy nhiên, năm 2023, ngành du lịch vẫn gặp một số khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất đã làm cho giá vé máy bay tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh của doanh nghiệp lữ hành.

Vì vậy để để ngành du lịch đạt được mục tiêu phục vụ 102 triệu lượt khách du lịch nội địa, 8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng trong năm 2023 thì Việt Nam cần có những hướng đi cụ thể.

Theo Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, mở rộng thị thực điện tử cho tất cả các nước. Việt Nam nên xem xét tăng số nước được miễn thị thực, tăng thời hạn lưu trú cho các thị trường trọng điểm.

Trong thời gian tới, ngành Tư pháp cần thực thi các luật và quy định du lịch hiện hành liên trong ngành. Cùng với đó, Việt Nam phải thúc đẩy các chương trình văn hóa và ngôn ngữ để thu hẹp khoảng cách giữa du khách và người dân địa phương.

“Đồng thời, ngành du lịch cần giải quyết các vấn đề về chất lượng dịch vụ bằng cách tuyển dụng lao động có trình độ từ nước ngoài hoặc triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn cho nhân lực du lịch và khách sạn hiện có. Chính phủ Việt Nam nên xem xét lại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và xác định chiến lược du lịch dài hạn cho 10-20 năm tới dựa trên phát triển du lịch bền vững” vị tiến sĩ khẳng định.

Ông Nuno F. Ribeiro nhấn mạnh, Việt Nam nên đầu tư mạnh vào giao thông công cộng, nhất là các phương thức giao thông thân thiện với môi trường, tăng cường kết nối giữa các phương tiện vận tải.

Có thể bạn quan tâm