Khi thời trang trở thành thông điệp văn hóa

Sắc màu "retro" (hoài cổ) trong những bức poster và trailer quảng cáo phim "Cô Ba Sài Gòn" mấy tháng qua đã khiến giới phụ nữ mộ điệu cả nam và bắc đều sôi lên vì tò mò.
Khi thời trang trở thành thông điệp văn hóa

Hình ảnh các ngôi sao showbiz Việt như Chiều Xuân, Ngô Thanh Vân, Tăng Thanh Hà… xuất hiện trong buổi ra mắt phim với tà áo dài lại càng khiến "Cô Ba Sài Gòn" trở thành hiện tượng phim - thời trang, mùa thu năm nay.

Và nét đặc biệt nữa, đây có thể sẽ là bộ phim có tác động tới thị trường thời trang một cách thực tế và nhanh chóng nhất (nếu đánh giá bằng sự tăng trưởng của thị trường liên quan sau khi phim công chiếu).

Chuyện phim khá đơn giản: Như Ý là cô con gái cưng duy nhất của tiệm may áo dài Thanh Nữ nổi tiếng nhất Sài Gòn, có tài may và thiết kế mẫu. Tuy nhiên, cô không thích theo nghề áo dài vì cảm thấy nó "chẳng có gì mới". Sau vài chuyện va chạm với mẹ, một phụ nữ truyền thống nghiêm khắc, Như Ý đột nhiên xuyên không đến năm 2017 và đối mặt với phiên bản 48 năm sau của chính mình - là An Khánh, đang chuẩn bị tự tử. Tiệm may Thanh Nữ đã đóng cửa, còn căn nhà sắp bị xiết.

Trước nguy cơ truyền thống 9 đời tan thành mây khói, trước hình ảnh suy sụp của mình trong tương lai, Như Ý đã nỗ lực để cứu vớt sản nghiệp gia đình và qua đó, cô học được cách trân trọng tà áo dài - tinh hoa văn hóa dân tộc.

Có rất nhiều điều để nói về bộ phim này, tuy nhiên, ở đây tôi chỉ muốn đề cập tới khía cạnh kết hợp văn hóa - nghệ thuật - truyền thống - và thương mại hóa sự kết hợp đó theo một cách mang lại lợi ích cho tất cả.

Phim ảnh như đường dẫn văn hóa vào thực tại

Với người Việt Nam 15 năm trước, Hàn Quốc là một khái niệm hoàn toàn xa lạ. Cho tới khi bộ phim Hàn đầu tiên trình chiếu trên truyền hình và mở đầu làn sóng phong cách Hàn quốc không chỉ ở Việt Nam mà toàn châu Á. Từ môi son nâu trầm tới tóc bồng bềnh xoăn dài, nhuộm nâu vàng, tới cách trang điểm "nude" đã lấn át hoàn toàn những biểu tượng thời trang Âu Mỹ trong lòng giới trẻ Việt.

Tiếp theo làn sóng phim, là tới làn sóng đồ mỹ phẩm, quần áo Made in Korea… đổ bộ vào thị trường. Rồi làn sóng du lịch Hàn Quốc, phẫu thuật thẩm mỹ… để giống như các sao Hàn. Những bộ phim về nấu ăn chẳng hạn, đã khiến hàng trăm nhà hàng Hàn quốc xuất hiện khắp nơi và kim chi trở nên thân thuộc với người thành phố có khi còn hơn dưa cà muối.

Hàng tỷ đô la lợi nhuận đổ về xứ sở kim chi, đều bắt đầu từ những bộ phim tâm lý trông thì dài lê thê nhưng lại rất đánh vào lòng người.

Trở lại với "Cô Ba Sài Gòn". Một trong những điểm cộng đáng giá của phim chính là ở trang phục. Phải nói rằng đây là một bộ phim hàng đầu Việt Nam từ trước tới giờ về khâu phục trang. Bộ phim trải dài từ thời kỳ Sài Gòn trước 75, cho tới thời hiện đại, nhưng hầu như không hề mắc lỗi trang phục "sai thời đại".

Như Ý của thập niên 60 thể hiện rõ sự sành điệu trong những bộ đầm mang hơi hướng tân cổ điển mix giữa phong cách chic của Paris và chút phá phách điệu nghệ của trào lưu Boho, cũng như cho thấy mình là tín đồ thời trang khi đắm đuối cùng những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới thời bấy giờ. Phim được quay rất đẹp, rất kỹ, khuôn hình long lanh rất đúng chất dòng phim chic-flick.

Nếu tính về thời trang hiện đại, thì bộ phim đã đưa ra rất nhiều kiến thức khiến người am hiểu thời trang phải gật gù tán thưởng. Mà cũng phải thôi, khi nhìn dàn diễn viên khủng của phim, chưa kể sự góp mặt của vài nhà thiết kế có danh như Thủy Nguyễn cộng với nhà báo thời trang số một Việt Nam Trác Thúy Miêu.

Nếu tính về thời trang hiện đại, thì bộ phim đã đưa ra rất nhiều kiến thức khiến người am hiểu thời trang phải gật gù tán thưởng. Mà cũng phải thôi, khi nhìn dàn diễn viên khủng của phim, chưa kể sự góp mặt của vài nhà thiết kế có danh như Thủy Nguyễn cộng với nhà báo thời trang số một Việt Nam Trác Thúy Miêu.

Thế nhưng, tất cả những trang phục màu mè, rực rỡ, phô trương ấy, đã trở nên mờ nhạt trước hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam truyền thống. Chiếc áo tưởng chừng như đơn giản nhạt nhòa, cũ kỹ, không tính cách, lại tỏa ra vẻ đẹp đặc biệt trong bộ phim.

50 năm, những kiểu mẫu tây phương sành điệu một thời đã biến mất, đã lỗi thời, chẳng ai còn nhớ tới nữa. Thế nhưng, rất nhiều người phụ nữ Việt Nam, trong đó có tôi, sau khi xem phim, chợt cảm thấy thôi thúc khát khao được chạy về mở tủ, lôi ra chiếc áo dài đã bị lãng quên từ lâu, khoác lên mình, để lại tha thướt bước ra trên phố, trong ánh mắt nhìn ngưỡng mộ của bao người.

Tại sao chiếc áo dài lại có vẻ đẹp "vĩnh cửu" như vậy?

Hầu hết những người nước ngoài tôi quen đều tỏ ra ngưỡng mộ chiếc áo dài Việt Nam. Áo dài từ lâu đã là trang phục thể hiện vẻ đẹp nữ tính, mềm mại, duyên dáng và kín đáo của phụ nữ ta. Nó giống như món ăn truyền thống, dù có đổi thay vẫn không bao giờ bị lãng quên, không bao giờ phai nhạt.

Áo dài trong "Cô Ba Sài Gòn" được tái hiện trung thành với thời đại. Nhìn có vẻ không khác biệt, nhưng chiếc áo của thời thập niên 60 có sự khác biệt đáng kể với áo dài hiện đại, từ chít eo, từ cổ tới tà, từ cách tết khuy thùa khuyết, từ sắc màu của vải lụa tới chất liệu… Bộ phim đã mô tả tỉ mỉ quá trình thực hiện một chiếc áo dài truyền thống công phu, kỹ lưỡng, tinh tế như thế nào.

Đoạn kết của bộ phim là cuộc trình diễn thời trang áo dài theo phong cách hiện đại, vẫn là đường nét ấy, độ cong ấy, thế nhưng màu sắc và chất liệu cũng như bố cục cắt gấp đã có nhiều khác biệt, mang đậm hơi thở của Sài Gòn những ngày của Facebook, selfie, Iphone và những quán café lấp lánh ánh sáng. Nhưng dù là hiện đại hay truyền thống, tinh thần và phong cách của chiếc áo dài vẫn là duy nhất, không hề khác biệt.

Trong giai đoạn chiếu ra mắt ở Hàn Quốc, bộ phim "Cô Ba Sài Gòn" đã thu hút được rất nhiều sự chú ý của khán giả. Có thể nói, mục tiêu của Ngô Thanh Vân khi làm phim là "truyền bá thông điệp về bảo vệ văn hóa truyền thống" tới với khán giả, đã đạt được hiệu quả như ý. Đặc biệt là khi thông điệp ấy đi kèm với câu chuyện đầy cảm động về một tình cảm mẹ con sắt son, gắn bó, mà cái chết cũng không thể chia lìa.

Từ nghệ thuật tới thương mại

Với gần 70 tỷ thu về, bộ phim chưa phải là một đột phá thành công về thương mại, thế nhưng, cũng giống như phim Hàn, những bộ phim có tính truyền bá vẻ đẹp văn hóa sẽ mang lại lợi ích cho rất nhiều nhà kinh doanh khác.

Một điều hiển nhiên là mùa xuân năm nay, sẽ có rất nhiều phụ nữ sẽ sắm cho mình một chiếc áo dài cho mùa lễ hội - như vậy là các nhà may áo dài sẽ có thêm cơ hội làm ăn. Những người phụ nữ mặc áo dài sẽ kéo theo sự phát triển của các dịch vụ khác đi kèm nữa. Thế giới thương mại là như vậy, tất cả đều là phản ứng dây chuyền, từ một niềm say mê mà bắt đầu một thị trường mới rộng mở.

Mong là sẽ còn có nhiều nhà làm phim Việt tiếp tục biết khai thác vẻ đẹp Việt Nam, từ văn hóa tới văn vật, tới phong cảnh, để mang hình ảnh con người và vẻ đẹp của đất nước tiếp thị tới nhiều nước khác.

Có thể bạn quan tâm

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Black Friday là gì và tại sao người tiêu dùng lại “mê” ngày lễ mua sắm này đến vậy?

Black Friday là gì và tại sao người tiêu dùng lại “mê” ngày lễ mua sắm này đến vậy?

Black Friday, thường diễn ra vào ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn tại Mỹ, là khởi đầu cho mùa mua sắm cuối năm ở nhiều quốc gia. Ngày này được biết đến với những đợt giảm giá lớn và ưu đãi hấp dẫn tại các cửa hàng và trang thương mại điện tử, thu hút hàng triệu người mua sắm trên toàn cầu…