Khó khăn bủa vây, lợi nhuận Quốc Cường Gia Lai teo tóp còn 320 tỷ đồng

Năm 2018, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (Mã chứng khoán: QCG) đặt kế hoạch kế hoạch doanh thu 1.800 tỷ (tăng tới 139,5%) nhưng lợi nhuận trước thuế là 320 tỷ đồng, giảm đến gần 40% so với năm 2017.
Khó khăn bủa vây, lợi nhuận Quốc Cường Gia Lai teo tóp còn 320 tỷ đồng

Sáng nay 29/6, Quốc Cường Gia Lai tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2018, thu hút rất nhiều cổ đông, nhà đầu tư tới dự.  Trao đổi với Thương Gia, các nhà đầu tư cho biết rất quan tâm đến kế hoạch kinh doanh của QCG sau những lùm xùm của thương vụ mua phải hơn 32ha đất công của Công ty Tân Thuận tại huyện Nhà Bè (TP.HCM) và buộc phải hủy hợp đồng theo yêu cầu của Thành ủy TP.HCM.

Đồng thời, một số dự án chung cư khác của doanh nghiệp này tại quận 7, Nhà Bè cũng đang "vấp" phải vấn đề pháp lý, triển khai rất chậm chạp. Trong đó, dự án lớn nhất của Quốc Cường Gia Lai đang vấp phải vấn đề đền bù giải tỏa nên cũng gần như giậm chân tại chỗ, chôn vốn ngàn tỷ, khiến dòng tiền của QCG gặp nhiều khó khăn.

“Một số dự án đã bàn giao không đúng kế hoạch như dự án Marina và một số dự án do chuyển đổi công năng loại hình, thủ tục pháp lý quá chậm nên kế hoạch kinh doanh bị ảnh hưởng”, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT lý giải nguyên nhân khiến QCG không hoàn thành cả chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận.

Theo đó, công ty chỉ hoàn thành 51,6% kế hoạch tương ứng 1.290 tỷ đồng và 70% kế hoạch lợi nhuận trước thuế tương ứng 508,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, so với năm 2016, lợi nhuận trước thuế của QCG tăng tới 791,3%. “Để đạt được lợi nhuận năm 2017, QCG đã rất nỗ lực và quyết định thoái vốn tại Công ty CP BĐS Hiệp Phú & Công ty TNHH Sparkle Value Home, đồng thời kiểm soát tốt dòng tiền, giảm chi phí lãi vay, góp phần làm tăng lợi nhuận từ hoạt động tài chính”, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT công ty nhấn mạnh.

Doanh thu tài chính năm 2017 của QCG đã tăng 321,5 tỷ đồng, tương đương 298,2% và chi phí tài chính giảm 82,8 tỷ đồng, tương ứng giảm 76,7%.

Năm 2018, QCG đặt chỉ tiêu doanh thu thuần về bán hàng và dịch vụ tăng tới 139,5% tương ứng là 1.800 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế là 320 tỷ đồng, giảm gần 40% so với năm 2017.

"HĐQT trình đại hội cổ đông năm 2018 không chia cổ tức để dành nguồn lực tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề đền bù, giải tỏa tại các dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án còn dang dở nhằm đưa sản phẩm kịp xu hướng của thị trường”, bà Loan cho hay.

Năm 2018, QCG sẽ tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động cũng như đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài các quỹ đất hiện có, công ty đang tiếp tục mở rộng thị trường, tạo quỹ đất tại Vũng Tàu, Q.9, Q.7, Q.2… ở những vị trí đắc địa, quỹ đất sạch.

Một số dự án mà QCG sẽ đẩy mạnh triển khai gồm:

- Triển khai hoàn thiện và bàn giao chung cư De Capella tại đường Lương Định Của (Q.2, TP.HCM), giao nhà vào quý 3/2018.

- Xây dựng nhà phố, biệt thự dự án Marina Đà Nẵng, mở bán giai đoạn 2 vào quý 3/2018

- Triển khai đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện Ayun Trung, hoàn thành phát điện vào quý 3/2018.

- Tổ chức triển khai thu mủ trên toàn bộ diện tích khoảng 2.000ha cao su

- Xây dựng dự án Giai Việt Thương Mại (Q.8, TP.HCM), dự kiến hoàn thành quý 4/2019.

- Đầu tư xây dựng dự án Lavida (Q.7, TP.HCM), mở bán giai đoạn 2 vào quý 1/2019, dự kiến giao nhà đợt 1 vào quý 1/2019, tiếp tục triển khai 2 block còn lại.

QCG cũng tiến hành trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tổng số cổ phiếu dự kiến phát hành là 27,5 triệu cổ phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá hơn 275 tỷ đồng. Thời gian phát hành vào khoảng quý 3/2018.

Khóc ròng vì dự án Phước Kiển

Trả lời cổ đông về tình hình triển khai dự án Phước Kiển, bà Loan chia sẻ: Đây là dự án khiến bà “ăn không ngon, ngủ không yên”, cứ nhắc đến dự án là muốn khóc bởi hơn chục năm nay vẫn chưa đền bù, giải tỏa xong khiến QCG bị sa lầy, chốn vốn cả ngàn tỷ vào dự án.

"Sau dự án Phước Kiển, tôi sợ không dám làm thêm một dự án lớn nào nữa”, bà Loan nói và cho biết: Dự án Phước Kiển đã giải tỏa được 93%, còn 7% với 88 hộ dân rất chây ì, đưa ra những yêu sách, đòi giá đền bù trên trời, khiến DN không thể nào chấp thuận được.

So với giá phê duyệt, doanh nghiệp đã tăng giá đền bù lên gấp 3, 4 lần nhưng người dân vẫn không chịu, đòi đều bù theo giá thị trường. Nhưng theo bà Loan, để có được một mét đất thành phẩm, doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều hạ tầng giao thông, tiện ích, đóng tiền sử dụng đất...

“Người dân đòi hỏi như vậy là hết sức vô lý. Thêm nữa, hầu hết đất của các hộ dân tại dự án đều là lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Vừa rồi, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc xây dựng không phép, sai phép sẽ bị tháo dỡ, chúng tôi rất mừng nhưng đến nay thì vẫn chưa triển khai được gì. Các hộ dân lấn chiếm, xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp vẫn chây ì, chính quyền cũng không có giải pháp gì để xử lý, còn DN thì sốt ruột, làm cả trăm tờ trình lên xã, lên huyện, thành phố nhưng vẫn giậm chân tại chỗ”, bà Loan chia sẻ với cổ đông.

“Với 7% diện tích, nếu đền bù theo yêu sách của người dân, số tiền lên đến gần 2.000 tỷ thì lấy tiền ở đâu, bán buôn làm sao cho hiệu quả là vấn đề hết sức đau đầu, rất bế tắc”.

Tuy vậy, theo bà Loan, dự án Phước Kiển đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất khi đối tác đã chuyển hơn 2.800 tỷ đồng để Quốc Cường Gia Lai trả nợ và hiện không phải trả lãi vay nữa.

“Nếu không có số tiền này thì khả năng Quốc Cường Gia Lai mất luôn cả dự án sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian vì gánh nặng lãi vay”, bà Loan nói.

“Ban lãnh đạo chúng tôi sẽ làm hết sức mình để đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm đưa sản phẩm ra thị trường”, bà Loan khẳng định.

Tân Thuận đã hoàn lại tiền cho Quốc Cường Gia Lai

Nói về thương vụ mua 32ha từ Công ty Tân Thuận, bà Loan cho biết: Công ty chấp thuận theo chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM. Hiện Công ty Tân Thuận đã hoàn lại số tiền mà Quốc Cường Gia Lai đã chuyển và hai bên đang thương lượng để hoàn tất việc thanh lý hợp đồng.

“Trong cái rủi, có cái may. Số tiền Công ty Tân Thuận hoàn lại, QCG sẽ dùng để tập trung vào dự án Phước Kiển và biết đâu đấy, khi dự án Phước Kiển được triển khai, thu về dòng tiền cho QCG, chúng tôi sẽ có nguồn lực lớn hơn để mua lại dự án tốt hơn”, bà Loan chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...