Giai đoạn khó khăn nhất của doanh nghiệp dường như đã ở lại phía sau, nhưng những gánh nặng trên vai doanh nghiệp vẫn chưa vơi, nhất là khi môi trường kinh doanh, môi trường chính sách vẫn còn quá nhiều nếp gợn.
ĐƠN HÀNG ĐÃ VỀ, NHƯNG KHÓ KHĂN “CHƯA “ĐI”
Đơn hàng đã có, gồm cả đơn hàng mới và đơn hàng truyền thống, nhưng khó khăn vẫn chưa hết”, chỉ một câu nhận xét của bà Đỗ Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), nhưng bao hàm đủ cả tình hình doanh nghiệp trong ngành điện tử.
So với nhiều ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, doanh nghiệp điện tử có vẻ đỡ khó hơn. Năm ngoái, mặc dù sức tăng trưởng có suy giảm do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, chiến tranh, thiên tai và dịch bệnh, song tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam vẫn đạt 109,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, dẫn đầu trong tất cả các ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Bốn tháng đầu năm năm 2024 tiếp tục được ghi nhận là điểm sáng trong xuất khẩu với giá trị 39,6 tỷ USD, xuất siêu 5 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, chiếm trên 31% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tiếp tục dẫn đầu trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Đáng chú ý, ngành điện tử luôn đảm bảo thặng dư xuất khẩu (xuất siêu) với giá trị trên 12 tỷ USD năm 2023 và 5 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm nay, đóng góp đáng kể vào đảm bảo cân đối ngoại tệ và ghi nhận giá trị đóng góp nội địa trong xuất khẩu của ngành...
Thậm chí, World Trade Report còn ghi nhận ngành điện tử Việt Nam đứng thứ hai toàn cầu về xuất khẩu điện thoại không dây và đứng thứ năm toàn cầu về xuất khẩu máy tính...
Tuy nhiên, dường như các thành tựu của ngành không chia đều cho các doanh nghiệp điện tử.
“Nhiều doanh nghiệp điện tử của Việt Nam có đơn hàng gia công truyền thống bị giảm từ 50-80%, có doanh nghiệp phải đóng cửa bộ phận sản xuất họ đã có đơn hàng gia công trong 5-7 năm qua. Mặc dù các doanh nghiệp đều đang rất nỗ lực tìm đơn hàng mới nhưng thực tế, doanh nghiệp FDI trong chuỗi thường được ưu tiên đơn hàng hơn các doanh nghiệp Việt”, bà Hương cho biết.
Một phần nguyên nhân là yêu cầu từ các thị trường lớn của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, như Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, đang có những tiêu chí mới về tiêu chuẩn xanh, sạch, an toàn và kiểm soát minh bạch chuỗi cung ứng đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là các doanh nghiệp điện tử Việt Nam, chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, có năng lực, máy móc, công nghệ kém hơn các doanh nghiệp “họ” FDI.
Hệ quả là các doanh nghiệp điện tử Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng ở vị thế bấp bênh, đơn hàng không ổn định...
CHI PHÍ TĂNG CAO DO RỦI RO TIỀM ẨN
Tuy nhiên, khó khăn từ thị trường thế giới cũng như các quy định sản xuất bền vững của các quốc gia không phải là gánh nặng duy nhất trên vai các doanh nghiệp nội địa, bà Hương cho biết.
Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, gửi Chính phủ, VEIA đã tiếp tục nhắc đến vướng mắc khi Bộ Tài chính đề xuất phương án bãi bỏ điểm c, khoản 1, Điều 35, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Cụ thể là, không thực hiện thủ tục hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 35, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP (hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam).
“Nhiều doanh nghiệp đã bị đọng vốn cả năm trời. Lúc này, khoản 10% thuế VAT đó rất quý, đề nghị cơ quan thuế giải quyết triệt để, để doanh nghiệp được hoàn thuế đúng quy định, thống nhất trên toàn quốc. Hiện tại, đã có doanh nghiệp chuyển trụ sở tới địa phương thuận lợi trong hoàn thuế...”.
Quy định này có nghĩa doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng VAT, thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất xuất khẩu và phải đợi hoàn thuế. Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh đang rất khó, các doanh nghiệp cho rằng, một lượng vốn đọng trong quá trình hoàn thuế sẽ càng làm khó doanh nghiệp.
Kiến nghị này đã được các doanh nghiệp xuất khẩu đề cập từ năm ngoái, khi Bộ Tài chính đưa ra phương án trên. Tuy nhiên, đến nay, tình hình chưa có gì thay đổi.
Không chỉ các doanh nghiệp nội địa lo ngại. Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, việc bãi bỏ quy định xuất nhập khẩu sẽ làm tăng chi phí đầu vào của nhà sản xuất, dẫn đến giá thành hàng hóa sản xuất, gia công tại Việt Nam tăng.
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch EuroCham tại Việt Nam cho biết, lâu nay, việc mua hàng của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, người mua nước ngoài mua hàng của doanh nghiệp Việt Nam, vẫn kê khai là giao dịch xuất nhập khẩu, thực hiện theo quy định về thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ. Nhưng một số doanh nghiệp cho biết hoạt động này đang bị ngưng trệ, do thay đổi quy định.
“Có một số doanh nghiệp đã chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác để tận dụng lợi thế về thuế”, ông Minh nói.
Thực tế, những chậm trễ trong hoàn thuế VAT tiếp tục là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp vài năm trở lại đây.
Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), Hiệp hội Chè Việt Nam... đã nhắc đến những đồng vốn quý báu của doanh nghiệp đang bị tồn đọng do chậm hoàn thuế VAT.
Nguyên nhân có nhiều, nhưng phần lớn là do việc truy xuất nguồn gốc đến tận hộ nông dân trồng rừng trồng chè... kéo dài, nếu có khâu nào khó xác định, dễ gây rủi ro cho cán bộ thuế, sẽ bị chậm lại. Tình trạng này dẫn đến việc cùng trường hợp, nhưng có cơ quan thuế địa phương cho hoàn thuế, có nơi không.
CÂU HỎI TỪ BÀI TOÁN THU HÚT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Sự xuất hiện của các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu đến từ Trung Quốc, tại Việt Nam đang hiện các doanh nghiệp ngành nhôm lo lắng.
Ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam nhắc đến thông tin Công ty Nhôm Xingfa Quảng Đông đang nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư nhà máy nhôm tại Hải Dương, với công suất dự kiến 150.000 tấn/năm.
“Thông tin này gây hoang mang cho các doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư nhà máy sản xuất nhôm tại Việt Nam sẽ làm trầm trọng hơn việc dư thừa công suất ngành nhôm, đẩy các nhà sản xuất nhôm Việt đứng trước nguy cơ mất đi thị trường trong nước lần thứ hai”, ông Kế lo ngại.
Tổng công suất thiết kế toàn ngành nhôm hiện gần 1,2 triệu tấn, trong đó sản phẩm nhôm định hình là khoảng 800.000 tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng của các nhà máy thông thường chỉ đạt khoảng 60% công suất thiết kế, đặc biệt 2 năm gần đây (2023 -2024), sản lượng các nhà máy chỉ đạt 35-40% công suất.
Sự suy thoái của thị trường bất động sản thời gian qua cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu nhôm xây dựng vốn chiếm 80% tổng sản lượng các sản phẩm từ nhôm ở Việt Nam.
Nhưng đó không phải là nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp nhôm. Ông Kế lo ngại, việc các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Trung Quốc đang tìm kiếm các dự án sản xuất nhôm định hình phục vụ thị trường Việt Nam và xuất khẩu có thể để nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá của Việt Nam (vụ AD05) và thuế phòng vệ thương mại của nhiều nước phương Tây đang áp dụng đối với nhôm Trung Quốc (Mỹ, Canada, Anh, EU, Mehico...).
Đặc biệt, tình trạng này cũng có thể khiến các sản phẩm nhôm Việt thường xuyên bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại từ các thị trường lớn đang áp thuế nhôm Trung Quốc, hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, nhất là ở thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành nhôm.
Vào năm ngoái, Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam đã báo cáo vấn đề này tới Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng tỉnh Hải Dương, kiến nghị xem xét cẩn trọng dự án này.
Ông Kế cho biết, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có ý kiến chỉ đạo, giao các bộ và tỉnh Hải Dương: “nghiên cứu và chủ động có biện pháp xử lý phù hợp (kể cả kiến nghị sửa đổi các quy định quy phạm pháp luật liên quan nếu cần thiết), có hình thức thông báo phù hợp đến các cơ quan, địa phương liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề cần thiết, vượt thẩm quyền”.
“Chúng tôi kiến nghị cần xem xét cẩn trọng hơn đối với các dự án đăng ký đầu tư vốn FDI vào các dự án sản xuất nhôm tại Việt Nam, kể cả việc mua bán - chuyển nhượng hoặc góp vốn FDI vào các dự án hiện hữu của ngành nhôm. Hiệp hội đề xuất khi xem xét cấp phép cho các dự án này cần có ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ chuyên ngành công thương, xây dựng, có thể tham khảo thêm ý kiến của Hiệp hội ngành hàng”, ông Kế cho biết kiến nghị của Hiệp hội.
Trước mắt, Hiệp hội đề nghị Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu tâm đến dự án đầu tư nhà máy sản xuất nhôm của Công ty Xingfa Quảng Đông, vì Công ty này đang là đối tượng chính của vụ việc áp thuế chống bán phá giá một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc (vụ AD05)...