"Khởi nghiệp như một cách “Trả nợ rừng”

Chúng tôi xác định Vietherb – Thuốc Nam Việt là một doanh nghiệp xã hội với sứ mệnh riêng như một cách “trả nợ rừng”, ông Đỗ Hoàng, Giám đốc công ty Cổ phần Thuốc Nam Việt (VietHerb) chia sẻ.
"Khởi nghiệp như một cách “Trả nợ rừng”

Trong cái râm ran của bao mầm non đâm chồi nảy lộc dưới mưa xuân đất Bắc, khi xung quanh tấp nập mua sắm - trưng bày, giữa thời đại mà người ta say sưa nhắc đến các cuộc cách mạng công nghệ… thì chúng tôi ngồi đây, hít sâu làn hương thảo dược, chuyện trò về “tết trồng cây”, về chuyện giữ rừng, bảo vệ môi trường, bảo tồn các bài thuốc dân gian hay lan man sang chuyện các ông lang, bà mế…

“Chúng tôi đều sinh ra và lớn lên ở huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) - cái nôi của lâm nghiệp vùng Đông Bắc, nơi từng có một hệ sinh thái rừng đa dạng với nhiều cây thuốc quý. Đây cũng là vùng có các dân tộc Dao, Tày, Nùng… với vốn tri thức dân gian về cây bản địa và các bài thuốc “đặc trị” hiệu quả” – anh Đỗ Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần Thuốc Nam Việt (VietHerb) – chia sẻ.

Tận mắt chứng kiến cảnh “chảy máu” dược liệu, cùng nỗi xót xa khi nhìn thấy diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, những bài thuốc quý bị thất truyền, các ông lang – bà mế “về trời” mang theo bao bí mật về cây thuốc… anh cùng Nguyễn Công Huân - người bạn đồng niên, quyết định phải làm gì đó để trả nợ cho mảnh đất nơi mình sinh ra.

 Xin anh chia sẻ về những ý tưởng ban đầu dẫn đến việc VietHerb ra đời?

Tuổi thơ của chúng tôi gắn nhiều với rừng, với công việc của cha mẹ trong một trường đào tạo về lâm nghiệp… với biết bao ký ức đẹp đẽ. Nhưng khi khôn lớn, đi xa, mỗi lần trở về nhà là một lần xa xót khi thấy bao tài nguyên rừng quý giá lần lượt biến mất bởi biến đổi khí hậu, bởi nhu cầu vô độ và sự khai thác kiểu “tận diệt” của con người… Cả tôi và Huân đều có thời gian làm việc cho các tổ chức phi chính phủ về tài nguyên thiên nhiên, nên chúng tôi nhận ra những hậu quả khốc liệt – cả trước mắt lẫn lâu dài của việc tàn phá rừng. Không chỉ là dăm cái cây mất đi, một vài ông lang bà mế cao tuổi qua đời, mà theo đó vốn tri thức thuốc Nam quý báu của cha ông cũng cạn kiệt. 

"Khởi nghiệp như một cách “Trả nợ rừng” ảnh 3

"Người ta nói rằng chúng tôi là những gã “đánh nhau với cối xay gió”, khi ngoài kia xã hội phát triển với tốc độ cực nhanh. Ví như, khi đau ốm bệnh tật, người ta cần đến những loai tân dược giúp khỏi bệnh một cách nhanh chóng, mấy ai còn bỏ công ngồi sắc thuốc, hay dùng các mẹo chữa bệnh dân gian... Đó là chưa kể đến nỗi tuyệt vọng của rừng, suốt bao năm qua nguồn dược liệu bị khai thác kiệt quệ, và chảy máu qua bên kia biên giới... Nhưng, dù có phải là những chiến binh chiến đấu cùng Cối xay gió, thì chúng tôi vẫn không bao giờ muốn buông khiên giáp của mình"...

Vì thế, ngay từ khi thành lập, chúng tôi xác định Vietherb – Thuốc Nam Việt là một doanh nghiệp xã hội với sứ mệnh riêng như một cách “trả nợ rừng”. Khi đó, dù chưa bài bản, chúng tôi đã xác định VietHerb sẽ phải gắn với những nhiệm vụ cụ thể: Bảo tồn cây thuốc nam bản địa trong tự nhiên gắn liền với tri thức sử dụng;  Kết nối mạng lưới các thày thuốc và hỗ trợ họ có thêm thu nhập từ nghề; Kế thừa và ứng dụng những bài thuốc nam cổ truyền vào cuộc sống, gắn kết những người có mong muốn bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ bằng các sản phẩm từ cây cỏ tự nhiên.

Bước ra thương trường với một sứ mệnh mà không ít người cho là “lãng mạn” như vậy, đến nay các anh thấy VietHerb đã làm được bao nhiêu phần trong những sứ mệnh ấy? 

Qua gần 5 năm từ ngày thành lập đến nay, có thể nói VietHerb đã bước qua giai đoạn “khởi nghiệp” đầy ngô nghê để dần trở nên chuyên nghiệp hơn.

Công bằng mà nói, chúng tôi thấy vẫn chưa làm được gì nhiều. Đến nay, thương hiệu Vietherb được biết đến với các sản phẩm chính: Một là Nhóm sản phẩm chăm sóc da, tóc theo dạng “mỹ phẩm thiên nhiên”; Hai là Nhóm những sản phẩm được chiết xuất từ các bài thuốc của các thày thuốc và thứ ba là Nhóm các sản phẩm hương liệu, tinh dầu… Tất cả có khoảng hơn 20 sản phẩm với trên 30 đại lí tại 12 tỉnh thành: Hà Nội, Sài Gòn, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An, Đồng Nai.

Bên cạnh đó, VietHerb cũng bước đầu cùng các thày thuốc bản địa gây dựng các vườn thuốc nam, tìm cách di thực một số loại thảo dược quý để bảo tồn, quan trọng hơn là tư vấn, hướng dẫn các thày thuốc ghi chép kiến thức, phục dựng bài thuốc vốn là tài sản “gia truyền” và trước kia thường bị mất đi khi các cụ khuất núi. Đặc biệt, có một điều mà chúng tôi rất tâm đắc là hướng tới thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng sản phẩm của công chúng, hướng tới những sản phẩm thực sự sạch – thân thiện môi trường và hữu ích cho sức khỏe đồng thời kế thừa những nét đẹp truyền thống của cha ông xưa.

Được biết, một trong những sản phẩm của VietHerb rất “được lòng” người dùng mỗi dịp Tết đến Xuân về là bộ xông tắm tất niên và rửa mặt Tân niên. Anh có chia sẻ gì về sản phẩm này?

Đây là sản phẩm khá tâm đắc của VietHerb và đặc biệt “hot” mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Đây không chỉ là một sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm sạch thông thường, mà được gửi gắm những tâm huyết của chúng tôi khi thiết kế nó như một “món quà” chuyển tải những thông điệp về nét đẹp văn hóa, một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại.

Với người Việt, nhắc đến Tết xưa không thể không nhắc đến một thứ “nghi thức” bất thành văn là tắm gội chiều 30 Tết và rửa mặt mỗi sáng sớm của ba ngày Tết. Thứ nghi thức mang tính “tẩy trần, trừ tà” ấy thường gắn với những loại cây cỏ bình dị quanh nhà: mùi già, lá bưởi, đại bi, hương nhu… đôi khi còn có thêm lá quế, xuyên tâm liên hay một vài loại lá cây có mùi thơm tùy theo vùng miền. Đây đều là những loại cây có tinh dầu và mùi thơm, dược tính, được dùng như một thứ dung dịch tắm gội tự nhiên tốt cho cả cơ thể và tâm hồn.

Và hơn thế, hương thơm ấy còn gắn với “mùi Tết”, với sự đoàn viên gia đình, chăm sóc người già con trẻ, với quy tắc “dọn mình” cho thanh sạch để lễ Tổ tiên…

Bước sang năm mới 2017, VietHerb có những dự định gì?

Dự định thì có nhiều, vẫn là triển khai những giấc mơ đã được ấp ủ và dần hiện thực hóa trong suố thời gian qua. Nhưng trước mắt, chúng tôi muốn tạo ra những event nho nhỏ để thu hút sự chú ý của công chúng đối với việc bảo vệ môi trường sống: trồng cây, tạo lập thói quen dùng sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế hóa chất… 

Dự kiến, sau Rằm Tháng Giêng cho đến khoảng tháng 5 âm lịch, chúng tôi sẽ có Tết trồng cây và các hoạt động tương tự, qua đó góp “giữ rừng, gây rừng” từ những hành động nhỏ nhất.

Cảm ơn anh và chúc anh cùng các cộng sự năm mới thành công. 

Song Hà thực hiện

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024

Nam A Bank chung tay cùng TP.HCM phát triển bền vững

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) lần thứ 5 năm 2024 diễn ra từ ngày 24 - 27/9, Nam A Bank tiếp tục chung tay cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đóng góp các giải pháp, sáng kiến hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng...

Ông Đàm Nhân Đức, Kinh tế trưởng đại diện MB nhận giải thưởng Financial Large Cap có hoạt động IR được Nhà đầu tư yêu thích nhất

MB nhận ‘cú đúp’ giải thưởng tại IR Awards 2024

Nhờ triển khai hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và áp dụng các thông lệ tốt về công bố thông tin minh bạch, Ngân hàng TMCP Quân đội được vinh danh ở hạng hai mục giải thưởng danh giá tại IR Awards 2024...