Theo bà Kiều Dung, nhu cầu mua nhà giá từ 400-500 triệu đồng rất lớn nhưng nguồn cung sản phẩm trên thị trường hiện quá hạn chế. Do đó, FLC đang xúc tiến nhanh nhất những thủ tục để triển khai đầu tư xây dựng nhà giá rẻ có diện tích nhỏ trung bình 25-50m2 với mức giá từ 400-500 triệu đồng. Theo kế hoạch, FLC sẽ có dự án tại TP. Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Bình Định, tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh…
FLC là doanh nghiệp thứ 2 sau Tập đoàn VinGroup công bố kế hoạch phát triển nhà ở giá rẻ tại đô thị với quy mô lớn. Trước đó, Vingroup cho biết sẽ phát triển các dự án đô thị Vincity với quy mô 200-300 nghìn căn hộ giá rẻ chỉ từ 700 triệu đồng/căn, thậm chí ở các địa phương có giá chỉ từ 400 triệu đồng/căn.
Đây cũng là một chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng đưa ra nhằm yêu cầu các tỉnh thành và khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản tham gia chung tay xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ nhằm phát triển ổn định bền vững theo Chiến lược Nhà ở Quốc gia đã được phê duyệt giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2020-2030.
Để tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư nhà ở giá rẻ, bà Hương Trần Kiều Dung cũng kiến nghị cần hoàn thiện nhanh chóng các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn và thủ tục cấp số đỏ cho các căn hộ diện tích nhỏ, đồng thời sớm có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với người mua nhà ở giá rẻ.
Ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam hoan nghênh chủ trương và đánh giá cao nỗ nực của doanh nghiệp thành viên như Tập đoàn FLC. Hiệp hội sẽ tổng hợp kiến nghị của các doanh nghiệp về vấn đề này đệ trình lên Bộ Xây dựng nghiên cứu trước khi đưa vào dự thảo sửa đổi văn bản pháp luật về nhà ở trước tháng 8/20017.
Trong 6 tháng cuối năm 2017, VNREA dự báo thị trường bất động sản sẽ tiếp tục sự ổn định của đầu năm và có phát triển phần mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, thị trường vẫn bị mất cân đối nguồn cung khi thị trường đang có sự tăng trưởng mạnh ở phân khúc bất động sản cao cấp nhưng lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ với giá bán hợp túi tiền, căn hộ cho thuê giá rẻ...
>> Chủ tịch Bình Định lên tiếng về ưu ái “đi tắt” của chủ đầu tư FLC