Khu đô thị 'kiểu mẫu' biến đất công cộng thành cao tầng

Mật độ xây dựng điều chỉnh tăng gấp đôi, chiều cao các tòa nhà tăng 2-4 lần, phần diện tích công cộng cũng được biến thành nhà cao tầng.
Khu đô thị 'kiểu mẫu' biến đất công cộng thành cao tầng

Cư dân Khu đô thị Ngoại giao đoàn (Xuân Đỉnh, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa tổ chức căng băng rôn với những dòng chữ “Phản đối Hancorp thay đổi quy hoạch”, “Phản đối Hancorp biến đất công cộng thành chung cư” để phản đối việc chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch.

Trước đó, Hà Nội quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu ngoại giao đoàn với việc thay đổi công năng, tăng mật độ xây dựng. Cụ thể, một số lô đất trước đây được phê duyệt có chức năng công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng chỉ trên 20,5% thì nay tăng lên gấp đôi. Bên cạnh việc tăng mật độ xây dựng, một số ô đất có chức năng đất công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng 20,5%, tầng cao trung bình là 5 tầng thì nay được chuyển đổi sang mục đích sử dụng là đất dịch vụ thương mại văn phòng, nâng mật độ xây dựng lên 35% với tầng cao công trình gấp 3 lần, chưa kể tầng hầm. Những lô có chiều cao trung bình 7 tầng cũng được điều chỉnh lên 27 tầng, cộng thêm 3 tầng hầm…

Đặc biệt, một số lô có chức năng xây dựng trạm biến thế điện, không được xây dựng tầng cao nhưng nay điều chỉnh thành đất công cộng với mật độ 40%, tầng cao trung bình 12 tầng cộng 2 tầng hầm.

Là một trong những cư dân đầu tiên về ở khu đô thị từ tháng 6/2015, bà Cù Phương Dung (NO3-T8) cho biết dự án có mật độ xây dựng thấp, khuôn viên đẹp và rộng rãi, nên giá mua căn hộ tới 28-30 triệu đồng mỗi m2, chưa kể nhiều hộ khác mất thêm 2-3 triệu để chọn căn có tầm nhìn đẹp. Tuy nhiên, quy hoạch bị điều chỉnh theo hướng tăng mật độ, nhiều khu vực là khuôn viên giờ thành công trình cao tầng. Đó là chưa kể những tòa điều chỉnh chiều cao sẽ che khuất, tầm nhìn là nhà cao tầng chứ đâu phải khuôn viên.

“Chúng tôi mua nhà, mua cả tiện ích, hạ tầng mà giờ đây chủ đầu tư biến những chỗ đó thành nhà cao tầng để bán thu tiền. Như thế có phải người mua nhà đã bị chủ đầu tư lừa hay không?”, bà Dung nói.

Anh Bình, cư dân mua nhà tại đây cũng cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch không lấy ý kiến của cư dân. “Trong khi đó, hợp đồng mua bán chúng tôi đã ký kết là theo mức giá của quy hoạch cũ. Chủ đầu tư thay đổi quy hoạch mới như vậy thì có phải là phá vỡ hợp đồng hay không? Nếu phá vỡ hợp đồng thì chúng tôi có quyền đòi lại số tiền đã nộp và từ chối nhận bàn giao nhà”, anh Bình nói.

Với việc tăng mật độ, tăng chiều cao, thậm chí dùng cả diện tích công cộng để xây nhà cao tầng thì khách hàng mua nhà tại đây cho rằng, điều chỉnh quy hoạch có thể dẫn đến nguy cơ “băm nát” khu đô thị từng được coi là nơi đáng sống ở thủ đô.

Không chỉ lo lắng trước việc điều chỉnh quy hoạch, cư dân còn bức xúc vì đã nhận bàn giao nhà nhưng hạ tầng giao thông khu vực này còn chưa hoàn thiện như quảng cáo. Hiện, cả khu đô thị gần 3.000 cư dân đã về sinh sống nhưng chỉ có một con đường duy nhất dẫn ra đường Phạm Văn Đồng để đi vào thành phố.

Lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) - chủ đầu tư dự án Khu đô thị Ngoại giao đoàn cho biết, ngày 6/10 đã có giấy mời gửi các chủ đầu tư cấp 2 tại dự án tham dự buổi đối thoại về các vấn đề như kết nối hạ tầng giao thông, điều chỉnh quy hoạch… vào 12/10 tới đây.

Về kiến nghị của cư dân, đại diện Hancorp cho biết mới nhận được đơn kiến nghị của một cư dân. Còn kiến nghị của ban đại diện, ông cho biết chưa nhận được. Tuy nhiên, ông cho hay trên cơ sở giấy mời đã gửi, Hancorp sẽ công khai đối thoại về các vấn đề trên trong tuần này.

Theo Nguyên Hà/ VnExpress

>> Người mua nhà ở xã hội mỏi mòn chờ... ưu đãi vốn

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…