Nhìn lại quá trình thực hiện cơ chế một cửa quốc gia những năm qua cho thấy việc triển khai vẫn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất, chưa thực sự thực hiện tư tưởng Chính phủ kiến tạo mà Thủ tướng đề ra.
Lại câu chuyện 1 hộp sữa hai bộ cùng quản
Cơ chế một cửa quốc gia tại Việt Nam được triển khai từ 11/2014. Đến nay đã có 11/14 Bộ, ngành tham gia với 1.093.373 hồ sơ được xử lý của 20.301 doanh nghiệp. Với số lượng hồ sơ được xử lý như vậy vẫn còn rất khiêm tốn so với mục tiêu đề ra. Số lượng thủ tục triển khai mới đạt 47/284 thủ tục hành chính so với yêu cầu tại Quyết định số 2185/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn (trong năm 2017, số lô hàng bị kiểm tra chuyên ngành so với tổng số lô hàng xuất nhập khẩu chiếm khoảng 19,4 %).
Theo thống kê từ Cục Hải quan các tỉnh, thành phố cho thấy một số quy định về kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo, xung đột, bất cập, chưa được bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ kịp thời dẫn đến một mặt hàng bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật, phải thực hiện nhiều thủ tục, kiểm tra chuyên ngành của nhiều bộ, làm tăng chi phí, phiền hà cho doanh nghiệp.
Ví dụ như mặt hàng sữa chua, pho mat vừa phải kiểm dịch động vật theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế .
Đối với mặt hàng xe gắn máy phân khối từ 175 cm3 trở lên cũng vậy, vừa phải kiểm tra chất lượng theo quy định của Bộ Giao thông vân tải, vừa phải kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu và phải có giấy phép nhập khẩu tự động theo quy định của Bộ Công Thương…. Không chỉ có nhiều bộ với nhiều giấy phép “con” quản lý một mặt hàng mà còn có những mặt hàng còn phải chịu nhiều hình thức quản lý của cùng một Bộ quản lý chuyên ngành như mặt hàng kén tằm vừa phải kiểm dịch động vật vừa phải kiểm dịch thực vật theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tương tự như vậy, thịt và các sản phẩm từ thịt vừa phải kiểm dịch động vật, kiểm tra chất lượng, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…Cũng theo thống kê của cơ quan Hải quan hiện có tới 36 nhóm hàng phải thực hiện 2 hoặc 3 thủ tục kiểm tra chuyên ngành như vậy.
Ma trận thông quan
Mặc dù Việt Nam và các nước ASEAN đã ký thực hiện cơ chế 1 cửa tuy nhiên phương pháp quản lý, kiểm tra hàng hóa khi thông quan của cả Việt Nam và các nước vẫn chưa theo chuẩn mực quốc tế dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa.
Đặc biệt, các nước trong khối vẫn không công nhận chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa của nhau, nhất là hàng hóa có nguồn gốc từ các nước phát triển dẫn đến cùng một lô hàng phải chịu nhiều sự kiểm tra trước khi được đưa vào lưu thông.
Cũng theo cơ quan hải quan, khi hàng hóa được nhập khẩu, hầu hết các cơ quan quản lý chuyên ngành của các Bộ, ngành vẫn chưa thực hiện áp dụng phương pháp quản lý rủi ro hàng hóa sau thông quan dẫn đến hầu hết hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đều thực hiện kiểm tra tại cửa khẩu trong quá trình thông quan. Đối với những lần nhập khẩu tiếp theo của cùng đơn hàng, cùng nhà sản xuất vẫn tiếp tục bị kiểm tra như vậy cho dù lô hàng trước đó đã được kiểm tra.
Điều bất cập của việc kiểm tra chuyên ngành nữa được thể hiện qua việc kiểm tra theo từng lô hàng dẫn đến nhiều trường hợp hàng hóa giống hệt, có cùng một nhà sản xuất, cùng xuất xứ, vận chuyển trên cùng một phương tiện vận chuyển nhưng khi được giao cho nhiều người nhập khẩu khác nhau hoặc một người nhập khẩu nhưng có nhiều vận đơn khác nhau thì việc kiểm tra vẫn thực hiện theo từng vận đơn, từng lô hàng, từng tờ khai hải quan.
Bình luận về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng thủ tục chuyên ngành giống như ma trận mà các doanh nghiệp phải luồn hết các cửa mới qua được.
Các tồn tại, hạn chế nêu trên dẫn đến tỷ lệ lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan theo chỉ đạo của Thủ tướng giảm chưa nhiều, dẫn đến gây khó khăn, phiền hà, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Cần sự cải cách mạnh mẽ từ Chính phủ
Để thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu hàng hóa, có lẽ cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc yêu cầu các bộ, ngành phải minh bạch danh mục các mặt hàng kiểm tra trước thông quan, tránh tình trạng mập mờ, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó cần hạn chế tối đa việc một mặt hàng phải tuân thủ cùng một lúc nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành do nhiều Bộ hoặc nhiều cơ quan trong cùng một Bộ quy định; thay đổi phương pháp quản lý bằng việc quản lý rủi ro sau thông quan, giảm số lượng mặt hàng phải tuân thủ thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành trước thông quan để thời gian thông quan hàng hóa sẽ ít bị phụ thuộc vào thời gian kiểm tra chuyên ngành đồng thời cần đẩy mạnh công nhận lẫn nhau theo thỏa thuận quốc tế.
Theo Dân Trí