Kiến nghị giảm lãi suất, giãn nợ cho DN vận tải TP. Hồ Chí Minh

Mới đây, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh có văn bản gửi UBND thành phố hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Kiến nghị giảm lãi suất, giãn nợ cho DN vận tải TP. Hồ Chí Minh

Theo đó, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đề xuất UBND thành phố đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ đối với các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã đầu tư phương tiện nhằm hỗ trợ cho các đơn vị ổn định hoạt động.

Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe bus đã đầu tư phương tiện và được UBND thành phố phê duyệt danh mục dự án đầu tư theo Đề án đầu tư xe bus giai đoạn 2014 - 2020 được ngân sách hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong năm 2021.

Đồng thời, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem xét gia hạn việc thực hiện bắt buộc lắp đặt camera theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 được kéo dài đến 31/12/2023 (thay vì lộ trình bắt buộc trước 1/7/2021).

Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm hoặc có giải pháp kéo giãn thời gian đóng phí bảo trì đường bộ.

Ngoài ra, Sở GTVT đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Cục Thuế thành phố xem xét giảm thuế hoặc kéo giãn thời gian đóng thuế cho các đơn vị kinh doanh vận tải; yêu cầu Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn chỉ đạo các đơn vị quản lý bến xe khách liên tỉnh của thành phố tiếp tục xem xét, nghiên cứu phương án giảm hoặc miễn thu phí đậu, đón khách và giảm giá dịch vụ xe ra vào tại bến xe…

Theo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe bus. Hiện Sở đã tạm ngừng 39 tuyến xe bus do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ngoài ra, thực hiện ý kiến chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các cấp, hoạt động vận tải hành khách theo hình thức hợp đồng, du lịch, trung chuyển, xe bus và theo tuyến cố định phải đảm bảo vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 20 người trên phương tiện khiến nguồn doanh thu của các đơn vị vận tải giảm sút hoặc không có.

Trong khi đó, các khoản chi phí lớn phải trả gần như là cố định vì đến hạn là bắt buộc phải thanh toán ảnh hưởng lớn đến đời sống và hoạt động ổn định của các đơn vị vận tải.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP/Thu Sa

Nghị quyết 68 là “cuộc cách mạng” về tư duy và thể chế

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho rằng nên mạnh dạn trao lại những quyền chính đáng cho doanh nghiệp, bảo đảm các quyền cơ bản như quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, quyền được tiếp cận một cách công bằng với các nguồn lực của đất nước...

Nghị quyết số 68-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP

Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia

Nghị quyết nêu rõ nguyên tắc sử dụng các công cụ thị trường để điều tiết nền kinh tế; giảm thiểu sự can thiệp và xoá bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm". Người dân, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm.