Kim cương từ phòng thí nghiệm: Tương lai của ngành công nghiệp xa xỉ?

Billy Porter - ngôi sao series truyền hình “Pose” - là một người đàn ông biết cách thu hút mọi ánh nhìn. “Thủ phạm” khiến anh trở nên nổi bật chính là kim cương – Loại trang sức lấp lánh được tạo ra bởi bàn tay con người.
Kim cương từ phòng thí nghiệm: Tương lai của ngành công nghiệp xa xỉ?

Tại Met Gala 2019, Billyhóa trang thành thần Pharaoh Ra được sáu người đàn ông lực lưỡng khiêng lên thảm đỏ. Vào lễ trao giải Grammy 2020, anh lại gây ấn tượng với chiếc mũ rộng vành rủ pha lê có thể tự động “mở màn, đóng màn”. Sau đó, tại Lễ trao giải Oscar cùng năm, Billy diện một chiếc vòng cổ gồm 500 viên kim cương từ nhà kim hoàn Anh Lark & Berry khi biểu diễn hòa tấu với Janelle Monae.

Kim cương "không được đào lên từ đất"

Những viên kim cương mà Billy đã từng trưng diện - hoàn mỹ như bất kỳ viên kim cương nào khác có mặt tại sự kiện - là loại không được“đào lên từ lòng đất” mà chúng được “nuôi trồng trong phòng thí nghiệm”.

Anh cũng không phải là người nổi tiếng duy nhất đeo kim cương nhân tạo. Meghan Markle cũng được thấy đeo một đôi hoa tai từ thương hiệu Kimai có trụ sở tại London, hay Lady Gaga chọn thiết kế của Anabela Chan tới buổi công chiếu “A Star is Born” tại Vương quốc Anh vào năm 2018 - cũng là thương hiệu trang sức được diễn viên Zoë Kravitz ưu ái khi tham gia Met Gala 2019.

Đá quý nuôi trồng trong phòng thí nghiệm không phải là một phát kiến mới. Chúng xuất hiện từ những năm 1940, nhưng cho đến tận 16/12/1954, bước đột phá lớn nhất mới được biết khi General Electric (GE) sản xuất thành công viên kim cương tổng hợp đầu tiên. Tuy nhiên, mục đích sản xuất những viên đá này khi đó không phải là trang sức, nên sự hoàn mỹ và màu sắc không được cho là ưu tiên hàng đầu.

Chỉ đến những năm 1970, các phòng thí nghiệm kim cương mới bắt đầu quan tâm đến việc tạo ra những viên đá giống với tự nhiên nhất để phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng. Và cuối cùng, vào năm 1980, các quy trình trong phòng thí nghiệm đã có đủ sự tinh tế để tạo ra những sản phẩm có thể cạnh tranh với đá khai thác từ tự nhiên dựa trên 4 yếu tố quan trọng: đường cắt, độ trong, màu sắc và carat.

Kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm không phải là hàng giả, chúng thật về mặt hóa học và cấu trúc, không như zirconia - dù trông tương tự như kim cương nhưng có các tính chất hóa học và vật lý khác nhau. Chất lượng vượt trội của loại kim cương mới được nuôi trồng trong phòng thí nghiệm đồng nghĩa với việc các nhà kim hoàn hiện có nhiều quyền lựa chọn hơn bao giờ hết.

Emma Watson và vòng cổ kim cương được phát triển trong phòng thí nghiệm của Vrai & Oro.
Emma Watson và vòng cổ kim cương được phát triển trong phòng thí nghiệm của Vrai & Oro.

Tạo ra sự minh bạch và giá trị đạo đức

Mặc dù không có sự khác biệt quá rõ ràng giữa chất lượng của hai loại, nhưng yếu tố được người ta cân nhắc nhiều nhất giờ đây là “tính đạo đức” trong quá trình “khai thác” kim cương.

Gần bảy năm trước, nhà kim hoàn nổi tiếng Anabela Chan đã đến thăm một mỏ khai thác ở Sri Lanka trong tuần trăng mật. “Đó là một trải nghiệm thay đổi cuộc đời đối với tôi. Tôi cảm thấy thực sự sốc trước điều kiện làm việc, những rủi ro và sự bất bình đẳng trong việc khai thác một thứ sản vật quý giá như vậy”. Anabela Chan kể lại. Từ những gì mà người lao động phải chịu đựng, cô bỗng thấy “Kim cương mất đi niềm vui cũng như sự lãng mạn của trước đây, là một nhà thiết kế, trải nghiệm đó thật sự khắc sâu trong lòng”. Với cô, viên kim cương được khai thác tự nhiên liên quan đến vấn đề đạo đức. Từ đó, Anabela Chan quyết tâm tìm kiếm các vật liệu thay thế để tạo ra những thiết kế ấn tượng được lấy cảm hứng từ thế giới tự nhiên, và nghiên cứu đã đưa cô đến với các loại đá quý mô phỏng tổng hợp.

Một số thương hiệu khác, như Lark & Berry hay Kimai - được sáng lập bởi 2 nữ thừa kế của 2 gia đình kinh doanh kim cương cũng đang dần khẳng định được tiếng nói, tầm ảnh hưởng của mình trong ngành công nghiệp xa hoa này. “Chúng tôi không thể tìm thấy bất kỳ sự minh bạch hay bất kỳ câu trả lời nào nào về điều kiện làm việc tại những mỏ khai thác kim cương,” nhà đồng sáng lập Kimai, Sidney Neuhaus giải thích qua email. “Khi tìm hiểu sâu hơn và nói chuyện với nhiều nhà kinh doanh kim cương, chúng tôi được nghe kể về những viên kim cương làm trong phòng thí nghiệm và coi đó là cơ hội để mang lại sự minh bạch và đạo đức cho một ngành công nghiệp lâu đời.”

Tiffany & Co cũng đã công bố sáng kiến truy tìm nguồn gốc đá quý mới của riêng mình, cho phép khách hàng tìm hiểu chính xác quốc gia viên đá của mình được cắt, đánh bóng và đặt hàng. “Chúng tôi vốn đã tích hợp chuỗi cung ứng của mình theo chiều dọc hơn 20 năm trước để có thể cung cấp mức độ minh bạch như hiện nay”, phó chủ tịch cấp cao của Tiffany & Co chia sẻ.

Song hành lợi - hại

Bên cạnh những câu hỏi về cách hành xử đối với người lao động và cộng đồng, ngành công nghiệp khai thác cũng đã được kêu gọi phải xử lý lượng khí thải carbon, thúc đẩy cam kết từ các nhà xử lý kim cương thô được ủy quyền vào tháng 7/2020 để cùng nhau để giảm thiểu lượng khí thải carbon. 

Vấn đề môi trường cũng là một trong những yếu tố thường được đề cập đến đối với kim cương phát triển trong phòng thí nghiệm. Trong một báo cáo được công bố vào năm 2019 bởi Hội đồng kim cương tự nhiên (NDC), người ta khẳng định rằng vì các phòng thí nghiệm nuôi cấy kim cương thường đặt tại các quốc gia sử dụng than đá, khí tự nhiên, nên lượng khí thải để tạo ra 1 viên kim cương trong thí nghiệm cao hơn 3 lần so với một viên được khai thác. Theo “ước tính trung bình trong phạm vi công cộng», Hội đồng phỏng đoán, cứ mỗi carat kim cương thì có 160kg CO2 được thải ra và con số này đối với kim cương trong phòng thí nghiệm là gần 511kg mỗi carat.

Nhưng công ty kim cương Diamond Foundry có trụ sở ở California - là công ty sử dụng 100% năng lượng thủy điện - đã không đồng ý với điều này. Martin Roscheisen, Giám đốc điều hành của Diamond Foundry cho biết: “Một trong những vấn đề lớn nhất của báo cáo là việc “vơ đũa cả nắm” và sau đó đưa ra các tuyên bố chung về tác động môi trường một cách không chính xác và một chiều.”

“Diamond Foundry hiện sử dụng 100% thủy điện trong quy trình sản xuất. Chúng tôi là nhà sản xuất kim cương carbon trung tính đầu tiên và duy nhất được chứng nhận trên thế giới. Thông tin này không nằm trong cốt truyện mà DPA muốn kể, vì vậy trong báo cáo của họ, họ chỉ tập trung vào những phòng thí nghiệm vẫn sử dụng nhiều năng lượng và không tập trung vào việc giảm thiểu lượng khí thải carbon.”

So sánh giữa kim cương khai thác và kim cương trong phòng thí nghiệm.
So sánh giữa kim cương khai thác và kim cương trong phòng thí nghiệm.

Tiến sĩ Saleem Ali, giáo sư năng lượng và môi trường tại Đại học Delaware, đồng ý với quan điểm này. “Báo cáo của DPA đã không xem xét toàn bộ vòng đời của hoạt động khai thác kim cương. Ngoài ra, DPA cũng không cân nhắc đến việc sản xuất kim cương tổng hợp có thể di chuyển đến các khu vực năng lượng sạch hơn, điều vốn là không thể nào đối với kim cương khai thác.”

Theo Allison Rippin Armstrong - một nhà khoa học môi trường đã làm việc ở Botswana và vùng Lãnh thổ Tây Bắc ở Canada: “Tôi nghĩ điều quan trọng cần nhớ là cả hai loại kim cương đều là kết quả của một quá trình công nghiệp và cả hai đều để lại những “dấu chân” nhất định.” Đây là một ý kiến mà Tiến sĩ Saleem Ali đồng ý: «Điểm chính mà tôi muốn nói ở đây là cả hai lĩnh vực (khai thác và tổng hợp kim cương) đều có không gian và cơ hội trên thị trường. Kim cương được khai thác cung cấp nhiều việc làm hơn trong chuỗi cung ứng, trong khi kim cương tổng hợp gây ra ít tác động đến môi trường hơn. Hồng ngọc và ngọc lục bảo tổng hợp cũng cùng tồn tại song song trên thị trường trong nhiều thập kỷ qua và điều tương tự cũng là hoàn toàn có thể đối với kim cương. “

Khai thác kim cương từ lâu được biết đến là một môi trường lao động khủng khiếp, với vô số rủi ro và xung đột như tên gọi kim cương “máu”. Từ năm 1989 đến 2003, một loạt cuộc nội chiến ở tây và trung Phi xảy ra vì nguồn tài trợ từ việc buôn bán kim cương bất hợp pháp. Các mỏ khai thác không được kiểm soát, sử dụng công nhân - hay đôi khi là trẻ em, để đào đá từ mặt đất một cách thủ công mà không hề có bất kỳ dụng cụ bảo trợ. Chính thực trạng này đã dẫn đến việc ban hành Quy trình Kimberley, một chương trình chứng nhận thương mại đa phương được thành lập vào năm 2003 nhằm ngăn chặn kim cương bất hợp pháp xâm nhập vào thị trường đại chúng, đánh dấu sự khởi đầu của nỗ lực phục hồi ngành công nghiệp kim cương, tiếp tục cho đến ngày nay.

Có thể bạn quan tâm