Lãi suất ngân hàng thương mại cao, người dân "chăm" vay vốn chính sách

Nếu so với toàn nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng của tín dụng chính sách đang vượt trội hơn hẳn....

Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam vừa họp phiên thường kỳ quý 2/2023. Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội chủ trì phiên họp.

Số liệu được công bố tại phiên họp cho biết, tính đến ngày 30/6/2023, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt 318.278 tỷ đồng, tăng 21.261 tỷ đồng (+7,2%) so với năm 2022, trong đó vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 34.527 tỷ đồng, tăng 3.925 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,8%.

Đáng chú ý, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 304.431 tỷ đồng, tăng 21.082 tỷ đồng (+7,4%) so với năm 2022 với hơn 6,6 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khách còn dư nợ.

Trong khi đó, tăng tưởng tín dụng toàn nền kinh tế trong nửa đầu 2023 mới chỉ đạt 3,13%, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc người dân ngày càng thích vay vốn chính sách là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, vốn chính sách có lãi suất thấp. Ngược lại, dù đã giảm nhưng lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn khá cao, vượt quá khả năng chi trả trong bối cảnh kinh tế đang có nhiều vấn đề.

Quay lại với số liệu tại buổi họp trên, đến hết tháng 6/2023, hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giải ngân trên 19.000 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với năm 2022, với 351.000 khách hàng được vay vốn.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Ngân hàng Chính sách đã giải ngân các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất 2% với số vốn là 139.000 tỷ đồng, cho trên 3,3 triệu lượt khách hàng. Tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng là 1.940 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 310.000 lao động, giúp hơn 4.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 25.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giải ngân hơn 3.000 hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính và thiết bị học trực tuyến cho HSSV; xây dựng hơn 871.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 571 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; hơn 7.000 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách...

Bên cạnh tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách, chất lượng nợ tiếp tục được duy trì ổn định. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,62%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,17%.

Nguyễn Thị Hồng họp về tín dụng chính sách
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội

Phát biểu kết luận phiên họp, bà Hồng đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cả trong và ngoài nước, tuy nhiên hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội đã nỗ lực, vượt qua khó khăn vừa đảm bảo được chất lượng tín dụng tốt, đồng thời triển khai kịp thời các chương trình cho vay phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ.

Trong thời gian tới, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, bà Hồng yêu cầu toàn hệ thống tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ban ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm tăng cường huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, đồng thời, xây dựng và hoàn thiện báo cáo giám sát chuyên đề về tình hình huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Tích cực, chủ động thực hiện công tác huy động các nguồn vốn, nhận vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân để đáp ứng nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao và đảm bảo khả năng thanh toán, đồng thời triển khai xây dựng kế hoạch tín dụng, tài chính năm 2024 toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội phối hợp với các bộ, ngành liên quan và chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP. Hội đồng quản trị cũng nhất trí với các đề xuất, kiến nghị của Ban điều hành về việc đề nghị các bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn để thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong năm 2024 - 2025.

Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về tín dụng chính sách xã hội và hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội; tập trung thực hiện chuyển đổi số, triển khai các dự án trọng tâm nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng toàn diện cho các đối tượng khách hàng của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Có thể bạn quan tâm