Lâm Đồng lập “tổ công tác đặc biệt” gỡ khó dự án khu dân cư tại Trại Mát, Đà Lạt

Sau khi gia hạn 6 lần, UBND tỉnh Lâm Đồng lại tiếp tục chỉ đạo lập “tổ công tác đặc biệt” để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án Khu dân cư số 6 Trại Mát, Phường 11, Thành phố Đà Lạt. Đây là dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Kiên Trung đã “treo” từ năm 2007 đến nay gây bức xúc cho người dân.
Lâm Đồng
Khu dân cư số 6 Trại Mát có quy mô hơn 75ha, đã "treo" gần 14 năm

Mới đây, sau khi nhận được kiến nghị của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Kiên Trung về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Dự án khu dân cư số 6 Trại Mát (Phường 11, Thành phố Đà Lạt), UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra văn bản chỉ đạo các sở ngành nghiên cứu, rà soát các khó khăn, vướng mắc để có hướng xử lý.

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu UBND Thành phố Đà Lạt chủ trì chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Kiên Trung, các sở, ngành và cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng của dự án.

Đồng thời, thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của dự án này. Chủ tịch UBND Thành phố Đà Lạt làm tổ trưởng. Tổ phó và các thành viên gồm đại diện phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố Đà Lạt, Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường và Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND Phường 11, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Đà Lạt, các tổ chức hội, đoàn thể và các tổ chức, cá nhân có liên quan…

UBND Thành phố Đà Lạt cũng được yêu cầu chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Kiên Trung rà soát, nắm bắt các yêu cầu, nguyện vọng của các hộ dân thuộc diện phải giải tỏa để thực hiện công tác hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tiễn và theo đúng các quy định của nhà nước.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Kiên Trung phải bố trí nhân sự thường trực tại hiện trường dự án để phối hợp với Tổ công tác đặc biệt giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của dự án khi có yêu cầu phối hợp giải quyết. Đồng thời, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện dự án theo từng giai đoạn tương ứng với mặt bằng được bàn giao.

Lâm Đồng
Dự án đã được UBND tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh, gia hạn tới 6 lần

Việc UBND tỉnh Lâm Đồng vào cuộc, chỉ đạo các UBND Thành phố Đà Lạt, sở ngành gỡ khó cho doanh nghiệp là tín hiệu đáng mừng, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, dự án Khu dân cư số 6 Trại Mát đã được phê duyệt chủ trương năm 2007 với quy mô lên đến 75,8ha nhưng đến nay, phần lớn diện tích vẫn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, gây lãng phí tài nguyên đất và ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân có đất nằm trong diện thu hồi để thực hiện dự án.

UBND tỉnh Lâm Đồng và các sở ngành đã chỉ rõ, nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ, kéo dài là do năng lực của chủ đầu tư hạn chế, thiếu quyết tâm triển khai dự án, thay đổi đơn giá đất bồi thường, hỗ trợ; phải điều chỉnh quy hoạch, tăng số đối tượng tái định cư, chưa thể thống nhất giá đền bù, hỗ trợ giữa các bên...

Dù vậy nhưng không hiểu sao, UBND tỉnh Lâm Đồng vẫn liên tục gia hạn, điều chỉnh dự án, tổng cộng lên đến 6 lần, trong đó gần đây nhất là ngày 21/5/2021. Điều này càng gây dư luận bức xúc cho người dân bởi họ không dám đầu tư nhà kính, sản xuất rau, hoa công nghệ cao, chỉ có thể trồng rau màu bình thường ngoài trời, đất đai cũng không thể sang nhượng, vay tiền để làm ăn, khó khăn đủ đường.

Lâm Đồng
Vì dự án "treo" nên người dân chỉ dám canh tác tạm, không dám đầu tư, đất đai không được chuyển nhượng, thế chấp

Tại văn bản chấp thuận chủ trương tiếp tục triển khai dự án, phía UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Đây là lần điều chỉnh cuối cùng đối với dự án này; trường hợp hết thời gian điều chỉnh tiến độ (24 tháng kể từ ngày ban hành văn bản) mà không triển khai dự án đúng tiến độ cam kết thì UBND tỉnh sẽ thu hồi dự án theo quy định”.

Đến nay, thời hạn 24 tháng theo văn bản chấp thuận chủ trương tiếp tục triển khai dự án đã hết, UBND tỉnh Lâm Đồng lại tiếp tục chỉ đạo sở ngành, UBND Thành phố Đà Lạt lập “tổ công tác đặc biệt” để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Điều này càng khiến người dân băn khoăn, không hiểu dự án có "lý do đặc biệt” gì để tỉnh Lâm Đồng phải ưu ái chủ đầu tư Kiên Trung đến vậy, trong khi người dân vẫn phải “sống mòn” trên chính mảnh đất của mình.

Có thể bạn quan tâm