Làm sao tận dụng các FTA để phát triển ngành thủy sản trong bối cảnh đại dịch?

Có thể khẳng định các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang có tác động tích cực đối với sản xuất, xuất khẩu nói chung và thủy sản của Việt Nam nói riêng, góp phần đáng kể giúp kinh tế Việt Nam khắc phục tác động tiêu cực cuộc khủng hoảng Covid – 19.
Làm sao tận dụng các FTA để phát triển ngành thủy sản trong bối cảnh đại dịch?

Cơ hội trong bối cảnh đại dịch

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Thương gia, giảng viên Nguyễn Thị Minh Tâm, khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính, cho rằng trước tình hình dịch Covid 19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều nước xuất khẩu (XK) thuỷ sản lớn như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan... sẽ là cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam ở khía cạnh thị trường, khi sản phẩm thủy sản của nước ta được XK sang khoảng 160 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, có những thị trường quan trọng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Nga...

Theo bà Tâm, dịch Covid -19 làm giảm nhu cầu nhập khẩu thủy sản trên các thị trường, các nước nhập khẩu chính thủy sản Việt Nam như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản giảm nhẹ nhập khẩu từ Việt Nam (giảm 3-6%), nhưng thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ vẫn tăng đáng kế (+10%) nhập khẩu thủy sản của Việt Nam. Như vậy có thể thấy nhu cầu nhập khẩu của các thị trường vẫn tốt nhưng thương mại thủy sản lại bế tắc vì thiếu container rỗng để xếp hàng xuất đi các nước và cước phí vận tải lại đội lên nhiều lần khiến hoạt động XK, nhất là XK thủy sản đòi hỏi thời gian vận chuyển nhanh lại bị đình trệ và sụt giảm.

Trong thời gian tới, mặc dù hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu sẽ còn dai dẳng, thương mại thủy sản sẽ vẫn bị tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19, thậm chí đây vẫn là yếu tố chính chi phối xu hướng XNK thủy sản của Việt Nam, thì ngành thủy sản vẫn có thể duy trì thế mạnh cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu so với các nước khác.

Bên cạnh đó, những cơ hội từ các FTA thế hệ mới đều đang có tác động tích cực đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đây là những nhân tố góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản trong thời gian tới, bà Tâm nói.

Ngành thủy sản cần làm gì?

Đưa ra những giải pháp để ngành thủy sản phát triển mạnh mẽ trong đại dịch, chuyên gia Tài chính Lê Thu Hà - Học viện Tài chính cho rằng chúng ta cần tổ chức hiệu quả ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản theo quy mô lớn, tập trung, tận dụng công nghệ cao, gắn sản xuất thủy sản với với tín hiệu của thị trường trong nước và quốc tế.

Bà Hà cho rằng cơ cấu sản phẩm của kinh tế thuỷ sản cần được thay đổi mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị cao, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu. Trước hết, tập trung vào tái cấu trúc ngành thủy sản trên cơ sở đánh giá đầy đủ nhu cầu thị trường trong nước và thế giới. Phải gắn tái cấu trúc ngành thủy sản với điều kiện phát triển từng vùng, địa phương và để thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn tái cấu trúc ngành thủy sản với quy hoạch lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, cung ứng nguyên liệu đầu vào đến nuôi trồng, sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng và hiệu quả cạnh tranh.

Chuyển từ nuôi trồng, khai thác theo phương thức truyền thống sang công nghiệp hóa ngành thủy sản; tổ chức lại hoạt động khai thác, đẩy mạnh nuôi trồng, tận dụng công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0 để tái cấu trúc ngành thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi, bảo vệ môi trường…nâng tầm trong chuỗi cung ứng, tăng hàm lượng giá trị gia tăng và nâng cao khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, trên cơ sở khai thác cơ hội từ các FTA chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu.

Trước hết, các doanh nghiệp này cần nâng cao năng lực cạnh tranh để có đủ khả năng cung cấp những hàng hóa đảm bảo chất lượng, thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng với khối lượng lớn vào một thị trường vì điều này có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện bán phá giá. Theo đó, các doanh nghiệp cần chú trọng các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản.., thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Úc.., thị trường mới như Trung Đông, Nam Phi....

Chủ động tìm hiểu về các FTA thông qua việc tham gia các chương trình phổ biến, hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn do Bộ Công Thương và các đơn vị phối hợp tổ chức. Thường xuyên tra cứu tài liệu, thông tin cập nhật về Hiệp định, cơ hội thị trường tại trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương.

Chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm thủy sản, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngay trên “sân nhà.

Thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc kháng sinh trong khâu sản xuất, chế biến của mình để phục vụ xuất khẩu, kiểm soát tốt vấn đề về kiểm dịch thủy sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ chuỗi bảo quản, chế biến để có sản phẩm hàng hóa thủy sản xuất khẩu chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua chất lượng và giá cả, đồng thời xây dựng và bảo vệ được thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, duy trì và đa dạng hóa được thị trường.

Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chú ý đến vấn đề phát triển bền vững, cụ thể cần lưu ý đến các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động, về bảo vệ môi trường do đây là những nội dung mà các nước quan tâm.

Chủ động và chuẩn bị các biện pháp đối phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, các điều kiện trong giao thương, nâng cao năng lực, bà Hà khuyến nghị.

Bàn về những giải pháp rộng hơn, theo bà Tâm các doanh nghiệp cần tổ chức các hệ thống phân phối, thương mại trong nước, ngoài nước theo hướng hiện đại, liên kết nông dân, ngư dân bằng mô hình HTX kiểu mới đảm bảo liên kết chặt chẽ các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một “chuỗi giá trị” với doanh nghiệp được coi là yếu tố hạt nhân, then chốt thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề.

Song song đó, chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, ngư dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện “chuỗi giá trị” từ sản xuất, nuôi trồng, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời cũng như chất lượng sản phẩm, nhất là các sản phẩm thủy sản thường đòi hỏi điều kiện bảo quản rất khắt khe.

Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần coi trọng hơn hoạt động xúc tiến thương mại, lựa chọn đối tác chiến lược tin cậy, tạo lập chỗ đứng vững chắc trên thị trường với việc gia tăng thị phần của từng loại sản phẩm để có thể đối phó với những quyết định bất lợi cho doanh nghiệp theo phương châm “có đi có lại”; hình thành đồng minh trong việc ứng phó với các quyết định theo hướng bảo hộ mậu dịch, bởi vì chính các nhà nhập khẩu của nước đó cũng chịu tổn thất.

Bên cạnh nỗ lực từ phía các doanh nghiệp nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, những sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như cộng đồng quốc tế là rất quan trọng và cần thiết trong việc cùng chung tay góp sức huy động nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho các giải pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nói chung trong có thủy sản.

Các doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ tích cức từ phía Chính phủ thông qua các đại diện của các Tham tán thương mại tại các nước để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu thủy sản vì hiện Việt Nam đang có giao thương với 200 quốc gia trên thế giới, nhưng hàng hóa Việt chỉ mới xuất khẩu hơn 50 nước nên vai trò của các Tham tán thương mại rất quan trọng trong thời gian tới trong cung cấp thông tin thị trường về vụ kiện về phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, cũng như kết nối cung cầu hàng hóa thủy sản của Việt Nam vào thị trường quốc tế.

Có thể bạn quan tâm