Để mối quan hệ của DN hai bên phát triển tích cực hơn nữa, ông Kenneth M. Atkinson - Chủ tịch Hiệp hội DN Anh Quốc cho rằng, cần cải thiện hơn nữa vấn đề “trên nóng dưới lạnh”...
Nhiều chuyên gia đánh giá, thành tựu cũng như quy mô của mối quan hệ hợp tác Việt - Anh còn rất nhỏ bé so với tiềm năng sẵn có và nhu cầu của cả hai bên. Theo ông, để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, Chính phủ hai nước cần phải làm gì?
Quan hệ giữa Anh và Việt Nam đã phát triển trong khoảng thời gian 45 năm và thời điểm này có lẽ là thời điểm phát triển mạnh nhất. Thương mại giữa Việt Nam và Anh tăng đều đặn và trong năm 2017, xuất khẩu của Anh sang Việt Nam đạt 863 triệu bảng Anh và nhập khẩu từ Việt Nam lên tới 4.315 triệu bảng Anh. Mặc dù những con số đó còn khiêm tốn nhưng Anh Quốc vẫn là một trong những đối tác quan trọng nhất từ EU.
Hiện tại, Anh xác định Việt Nam là một thị trường quan trọng được thể hiện qua những chuyến thăm cấp cao của Chính phủ ở cả hai phía. Bộ Thương mại Quốc tế (“DIT”) và Tập đoàn kinh doanh Anh - Việt Nam (BBGV – Hiệp hội DN Anh Quốc tại Việt Nam) đang làm việc cùng nhau nhằm nâng cao nhận thức cho DN Anh cũng như DN Việt Nam về các cơ hội cho cả hai bên.
Để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, tôi nghĩ rằng chúng ta cần đẩy mạnh chiến dịch Great Campaign sắp tới với lễ hội diễn ra tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. BBGV đang hỗ trợ chương trình này cùng với các sự kiện giới thiệu DN Vương quốc Anh tại Việt Nam và quảng bá nền giáo dục Anh quốc tại Đà Nẵng. Tất cả những sự kiện này trong năm 2018 sẽ giúp DN Việt Nam hiểu thêm về phạm vi và chất lượng sản phẩm từ Vương quốc Anh.
BBGV cũng đang cố gắng để nhận được phê duyệt từ ERO để thành lập một vườn ươm DN, giúp các công ty của Anh thực hiện các bước đầu tiên vào thị trường Việt Nam trước khi thành lập các hoạt động chính thức. Chúng tôi sẽ khuyến khích các DN Anh Quốc tiếp tục tìm hiểu thêm cơ hội tại đây. Sự phát triển này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách trong việc hỗ trợ cần thiết cho các DN SME, tạo đà cho các DN bắt đầu làm việc tại Việt Nam.
"Để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa, theo tôi cần cải thiện vấn đề “trên nóng dưới lạnh” khi rất thường xuyên, các sở chính quyền địa phương không phải lúc nào cũng thực hiện đúng các chỉ thị của trung ương”.
Ông Kenneth M. Atkinson - Chủ tịch Hiệp hội DN Anh Quốc
Về thủ tục pháp lý, Việt Nam cần cải thiện điều gì để có thể tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho DN Anh Quốc nói riêng và cho các DN nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam nói chung, thưa ông?
Chính quyền Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính và bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Điều này chắc chắn sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ và khích lệ đến các DN, đặc biệt là những DN đang đầu tư tại Việt Nam nhất là những DN đang vướng phải những “nút thắt” ở cấp địa phương.
Tuy nhiên để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa, theo tôi cần cải thiện vấn đề “trên nóng dưới lạnh” khi rất thường xuyên, các sở chính quyền địa phương không phải lúc nào cũng thực hiện đúng các chỉ thị của trung ương.
Một khía cạnh khá quan trọng nữa đó là Việt Nam cần đẩy mạnh tính minh bạch và đạo đức kinh doanh bởi đây là một lĩnh vực khá quan trọng đối với DN Anh...
Còn đối với DN Việt Nam, họ cần phải chuẩn bị những gì để có thể hợp tác tốt với doanh nghiệp Anh Quốc, thưa ông?
Để có thể hợp tác tốt với doanh nghiệp Anh Quốc, DN Việt Nam cần hiểu rõ về thị trường và các cơ hội mà DN Anh Quốc mang lại. DN Việt Nam hiểu thêm về văn hóa và thực tiễn kinh doanh cũng rất quan trọng. Việc gửi báo cáo tài chính được kiểm toán và tài liệu bán hàng bằng tiếng Anh cũng sẽ phần nào tạo sự quan tâm mạnh mẽ từ các đối tác Anh Quốc.
"Tính đến hết tháng 6, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 3,12 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, trị giá xuất khẩu hàng hóa Việt Nam là 2,73 tỷ USD, tăng 14% và nhập khẩu là 389,76 triệu USD, tăng 14,7%. Như vậy, chỉ trong 6 tháng đầu năm thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường này đã lên đến 2,34 tỷ USD.
Có ý kiến cho rằng, về phía doanh nghiệp của Anh cũng cần phải chủ động và sáng tạo hơn nữa để đón đầu cả cơ hội và thách thức trong giai đoạn tới, khi một loạt các hiệp định thương mại, cơ chế hợp tác mới đi vào hoạt động. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Vâng, chắc chắn sẽ có những cơ hội mới được tạo ra bởi các hiệp định thương mại và cơ chế hợp tác mà Chính phủ Anh đang tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp Anh tận dụng lợi thế này. Chẳng hạn như thông qua việc tăng giá cho tài chính xuất khẩu của Anh dành cho các nhà xuất khẩu của Anh sang Việt Nam. Các liên kết được tạo ra, thông qua quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam cũng sẽ giúp ích cho nước bạn.
Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng các công ty Anh không phải là các nhà đầu tư lớn ở nước ngoài trong các lĩnh vực như sản xuất hay phát triển bất động sản, vì chúng tôi tập trung vào các dịch vụ chuyên nghiệp bao gồm ngân hàng, kế toán bảo hiểm và nhiều cơ quan chuyên môn như ACCA. Chúng tôi cũng dành sự quan tâm rất lớn trong lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực y tế và dược phẩm và chúng tôi kỳ vọng điều này có thể thay đổi trong trung hạn.
Xin cảm ơn ông!