Mới đây, Tổng công ty khí Việt Nam - CTCP (PV Gas, mã: GAS) cho biết, trong 9 tháng đầu năm công ty tiếp nhận 7.743,0 triệu m3 khí ẩm, tăng 3% so với cùng kỳ, vượt 5% kế hoạch 9 tháng và bằng 79% kế hoạch năm; phân phối 7.542,6 triệu m3 khí khô cho khách hàng, tăng 4% và vượt 6% kế hoạch 9 tháng; sản xuất và cung cấp 49.300 tấn condensate, bằng 107% kế hoạch 9 tháng và bằng 79% kế hoạch năm.
Cùng với đơn vị thành viên, PV Gas đã cung cấp ra thị trường gần 1,5 triệu tấn khí hoá lỏng (LPG), trong đó xuất khẩu và kinh doanh tại thị trường nước ngoài 488.500 tấn.
Tổng doanh thu 9 tháng đạt 58.318,4 tỷ đồng, tăng 1% và thực hiện 91% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.760 tỷ đồng, vượt 14,6% kế hoạch năm nhưng giảm 4% so với cùng kỳ.
Bộ phận phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết trong quý III, tổng công ty chịu ảnh hưởng bất lợi từ việc giá dầu nhiên liệu (FO) giảm 14% so với cùng kỳ năm trước, giá LPG cũng giảm 30%.
Do đó, PV Gas ghi nhận doanh thu quý III đạt 19.000 tỷ đồng, giảm 2% và lợi nhuận sau thuế 2.640 tỷ, giảm 19,4%. Sản lượng khí khô tăng nhẹ nhưng sản lượng LPG tăng mạnh.
Cho cả năm, SSI Research dự đoán doanh thu thuần PV Gas đạt 71.830 tỷ đồng, tăng 5,5%; lợi nhuận sau thuế 13.800 đồng, tăng 21,3%.
CTCP Fecon (mã: FCN)cũng công bố ước tính doanh thu lũy kế 9 tháng đạt 1.843,4 tỷ đồng, tăng 8%; lợi nhuận sau thuế ước gần 151 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, công ty hoàn thành 44% chỉ tiêu doanh thu và 42,4% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.
Riêng quý III, công ty ước đạt doanh thu 750 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 42,3 tỷ đồng; lần lượt tăng 2,3% và giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý III, giá trị hợp đồng ký mới của công ty đạt 2.000 tỷ đồng, giá trị hợp đồng chuyển tiếp là 1.200 tỷ đồng. Như vậy, đến nay, công ty có tổng giá trị hợp đồng để ghi nhận doanh thu cho năm 2019 là 3.200 tỷ đồng.
Ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã: PVT) cho biết, dự kiến trong 9 tháng đầu năm 2019, PVTrans đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 700 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận Công ty mẹ ước đạt 570 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch cả năm 2019.
Một doanh nghiệp dầu khí khác là Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã: PVS), cho biết, với chuyển biến tích cực từ hoạt động kinh doanh, ước tính đến hết 3 quý đầu năm 2019, Tổng công ty vượt kế hoạch lợi nhuận ở mức hai con số.
Tuy chưa có ước tính kết quả kinh doanh của quý III và 9 tháng năm 2019 nhưng FPT cho biết, trong 8 tháng vừa qua, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của công ty tăng trưởng 21,1% và 27,9% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 17.032 tỷ đồng và 2.992 tỷ đồng, tương đương 104,2% và 110,9% kế hoạch lũy kế.
Lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 2.495 tỷ đồng và 2.004 tỷ đồng, tăng 27,0% và 29,5% so cùng kỳ năm 2018.
Tương tự, lũy kế 8 tháng, doanh thu của Dệt may Thành Công (mã: TCM) đạt khoảng 105 triệu USD (2.415 tỷ đồng), thực hiện 100,3% kế hoạch và tăng 1%; lợi nhuận sau thuế lũy kế đạt khoảng 6,8 triệu USD (156 tỷ đồng), vượt 17% kế hoạch nhưng thấp hơn cùng kỳ năm trước.
CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã: PNJ) cho biết 8 tháng đạt doanh thu thuần 10.281 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế 710 tỷ, tăng 12%.
Sau 8 tháng, công ty thực hiện được 55% kế hoạch doanh thu và 60% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Ở chiều ngược lại, lãnh đạo CTCP Tập đoàn Sao Mai (mã: ASM) cho biết, lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2019 giảm mạnh so với cùng kỳ đã sớm được dự báo, chủ yếu do giá các mặt hàng xuất khẩu đều giảm.
>>Kết quả kinh doanh bán niên: Nhóm ngân hàng vẫn khởi sắc