Lỗ tỷ giá cản bước cổ phần hóa các Genco

Genco 1, 2 và 3 lần lượt phải hạch toán 704 tỷ đồng, 878 tỷ đồng và 1.203 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá trong 6 tháng đầu năm 2016. Chi phí lãi vay, lỗ chênh lệch tỷ giá là hậu quả đầu tiên của việc sử
Lỗ tỷ giá cản bước cổ phần hóa các Genco

Chi phí tài chính của Genco 3 lên tới 2.728 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đến năm 2018, các tổng công ty phát điện (Genco 1, 2 và 3) vẫn trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). 

Tuy nhiên, cần xem xét giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần xuống dưới mức chi phối và tách các tổng công ty phát điện ra khỏi EVN.

Tình hình kinh doanh kém khả quan

Hiện EVN đang sở hữu 100% cổ phần tại 3 tổng công ty phát điện (Genco 1, 2 và 3) có tổng tài sản trên 256 nghìn tỷ đồng. Là các doanh nghiệp phát điện có quy mô tài sản lớn, kết quả kinh doanh của các Genco có vẻ chưa tương xứng với tầm vóc của mình. Năm 2015, Genco 1, 2 và 3 đều có lợi nhuận giảm sâu so với kết quả kinh doanh năm 2014. Cụ thể, Genco 1 lãi sau thuế 396 tỷ đồng năm 2015, tương đương 37% kết quả thực hiện năm 2014. Tương tự, Genco 2 lãi sau thuế 754 tỷ đồng, giảm 52,5% so với năm 2014. Genco 3 giảm lãi 61%, còn 204 tỷ đồng trong năm 2015.

Nửa đầu năm 2016, kết quả kinh doanh của các Genco còn u ám hơn với các khoản thua lỗ nặng nề. Trong 3 doanh nghiệp này, duy nhất Genco 3 có lãi 6 tháng đầu năm, đạt 72 tỷ đồng sau thuế, giảm sâu so với mức thực hiện 413 tỷ đồng cùng kỳ 2015. Genco 1 và Genco 2 lần lượt lỗ sâu 911 tỷ đồng và 716 tỷ đồng trước thuế.

Vì đâu tình hình kinh doanh của các tổng công ty này lại trở nên bi đát đến vậy?

Thực tế cho thấy, doanh thu của các Genco nhìn chung không bị sụt giảm đáng kể, thậm chí tăng trưởng tốt so với cùng kỳ 2015. Tỷ trọng giá vốn tăng cùng với chi phí tài chính là nguyên nhân chính cho kết quả kinh doanh kém sáng sủa của các Genco.

Riêng chi phí tài chính, trong nửa đầu năm, Genco 1 phải gánh tới 1.844 tỷ đồng, trong đó 1.016 tỷ đồng là chi phí lãi vay. Với Genco 2, các chỉ tiêu tương đương lần lượt là 1.868 tỷ đồng và 638 tỷ đồng. Genco 3 có chi phí tài chính cao nhất, lên tới 2.728 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi vay chỉ ở mức 494 tỷ đồng.

Ngoài ra, Genco 1, 2 và 3 lần lượt phải hạch toán 704 tỷ đồng, 878 tỷ đồng và 1.203 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá trong 6 tháng đầu năm 2016.

Chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá là hậu quả đầu tiên của việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao, vay nợ nhiều của các Genco. Tuy nhiên, nếu như chi phí lãi vay gần như nằm trong kế hoạch tính toán ngay từ khi vay nợ, thì diễn biến tỷ giá lại gần như nằm ngoài sự kiểm soát của doanh nghiệp. 

Tương lai u ám

Với các Genco, các khoản vay quốc tế bằng ngoại tệ chủ yếu là đồng USD và Yên Nhật (JPY). Theo ước tính từ Genco 3 tại thời điểm cuối năm 2015, nếu đồng USD tăng giá 1%, lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty sẽ mất đi khoảng 523 tỷ đồng. Tương tự, đồng JPY tăng 1% sẽ làm bốc hơi 55 tỷ đồng lợi nhuận. Genco 3 cũng là doanh nghiệp gánh lỗ tỷ giá nhiều nhất trong nửa đầu năm 2016.

Căn cứ tỷ giá niêm yết của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, trong nửa đầu năm 2016, đồng USD giảm giá 0,89%, nhưng bù lại đồng Yên lại tăng giá tới 16,58%. Báo cáo tài chính bán niên của Genco 3 không phân tích mức độ ảnh hưởng của từng đồng tiền lên khoản lỗ tỷ giá khổng lồ, nhưng rõ ràng đồng Yên biến động bất lợi đã ảnh hưởng sâu sắc tới kết quả kinh doanh của Tổng công ty.

Tính đến thời điểm hiện tại, USD đã tăng 0,8%, đồng Yên tăng 5,79% so với tỷ giá đầu năm. Như vậy, so với cuối quý II vừa qua, đồng Yên đã giảm nhiệt, nhưng đồng USD lại tăng mạnh và có thể có những biến động bất ngờ trong nửa tháng cuối năm. Như phân tích ở trên, đồng USD lại là đồng tiền có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Số dư nợ vay bằng đồng USD của Genco 3 đạt gần 47.500 tỷ đồng tính đến cuối quý II năm nay.

Với Genco 1, số dư tiền vay bằng USD cuối năm 2015 ở mức gần 37 nghìn tỷ đồng (chưa tính các khoản vay hàng nghìn tỷ đồng lẫn lộn bằng tiền VND và USD mà Tổng công ty chưa tách bạch). Mức ảnh hưởng tỷ giá USD lên kết quả kinh doanh của Genco 1 vì vậy cũng không hề nhỏ.

Với diễn biến bất thường (và bất lợi) của đồng USD những ngày cuối năm, kết quả kinh doanh của các tổng công ty phát điện sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Các Genco sẽ cổ phần hóa như thế nào trong tình trạng thua lỗ vì các khoản nợ khổng lồ hiện tại?             

Theo Đan Nguyên/Đấu thầu

Có thể bạn quan tâm