Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) muốn tăng vốn lên 50.000 tỷ đồng, quyết tâm niêm yết trên sàn HOSE

BSR đang xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ 31.000 lên 50.000 tỷ đồng (dự kiến tăng vốn dưới phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu) để trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt...

binh-son-4693.jpg

Sáng ngày 22/5, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Tại đại hội, Hội đồng quản trị BSR đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2024 với tổng doanh thu hơn 95.274 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 1.148 tỷ đồng, lần lượt giảm mạnh 37% và 87% so với kết quả thực hiện năm 2023.

Về chỉ tiêu sản xuất, tổng sản lượng xăng dầu và thành phẩm các loại là gần 5,73 triệu tấn và sản lượng tiêu thụ ở mức 5,66 triệu tấn, tương ứng giảm hơn 22% và 23% so với năm ngoái. Các sản phẩm chính của nhà máy vẫn là Xăng RON 95 và Dầu Diesel.

Riêng công ty mẹ đặt kế hoạch doanh thu 95.080 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1.279 tỷ đồng. Chính sách cổ tức dự kiến là 3% trên vốn điều lệ hơn 31.000 tỷ đồng. Các kế hoạch dựa trên giả định giá dầu 70USD/thùng.

MUỐN TĂNG VỐN LÊN 50.000 TỶ ĐỒNG

Trong năm 2023, BSR thu về 8.755 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, ban lãnh đạo đã trình đại hội thông qua việc chia cổ tức 7%, tương đương với số tiền 2.170 tỷ đồng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là công ty mẹ nắm giữ hơn 92% vốn sẽ nhận về phần lớn.

Đồng thời, công ty giữ lại lợi nhuận sau thuế chưa phân phối số tiền 11.496 tỷ đồng để bổ sung vốn điều lệ dưới hình thức chia cổ tức, tùy thuộc vào phương án thu xếp vốn thực tế cho dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất chiến lược phát triển công ty và tình hình sản xuất kinh doanh trong các năm tiếp theo.

Thông tin thêm về dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Tổng giám đốc Bùi Ngọc Dương cho biết, dự án đã được Hội đồng quản trị phê duyệt và lựa chọn nhà thầu tổng thể, đang triển khai đấu thầu rộng rãi. Tiến độ hiện tại tháng 6 đóng thầu gói thiết kế tổng thể để làm tiền đề gọi thầu EPC, dự kiến tháng 3/2028 đưa dự án vào hoạt động.

Trong năm nay tập trung giải ngân dự án nâng cấp mở rộng, triển khai vào các gói thầu thiết kế và san lấp mặt bằng. Cao điểm giải ngân từ 2025 khi hợp đồng EPC có hiệu lực.

Công ty có 50 ngày bảo dưỡng nên sản lượng sẽ giảm đi tương ứng. Sau bảo dưỡng đã cải hoán để nâng công suất lên 114%, không có gắng chạy cao hơn theo thị trường. Công ty đã chuẩn bị dầu thô để chuẩn bị tăng công suất khi crack spread cao.

Do nguồn dầu suy giảm gần đây, hầu như toàn bộ dầu thô trong nước BSR bao tiêu, chiếm khoảng 70% công suất thiết kế. Phần hơn 30% công suất sẽ được nhập khẩu từ quốc tế, chủ yếu từ Mỹ và Tây Phi, Tây Á, đây là các nguồn dầu tương đối phổ biến để thu xếp cho công suất cao của nhà máy.

Tổng Giám đốc Bùi Ngọc Dương cho biết thêm, việc tiếp cận vốn cho dự án đang khó khăn vì lãi vay đang rất cao. Do vậy, doanh nghiệp đang xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ 31.000 lên 50.000 tỷ đồng (dự kiến tăng vốn dưới phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu) để trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Đây là kỳ vọng để BSR có đủ nguồn vốn chủ phục vụ dự án, đảm bảo vốn chủ chiếm tối thiểu 60% tổng mức đầu tư của dự án. Phần vốn vay sẽ được thu xếp từ nguồn vay ECA, thương mại trong nước và quốc tế, cũng như các nguồn vốn phù hợp, khả thi khác.

QUYẾT TÂM NIÊM YẾT TRÊN HOSE TRONG NĂM NAY

Một vấn đề đáng chú ý khác, BSR cho biết sẽ tiếp tục triển khai việc chuyển 3,1 tỷ cổ phiếu (PetroVietnam nắm gần 2,9 tỷ cổ phiếu) từ sàn UPCoM sang niêm yết trên HOSE khi có đủ điều kiện. Dự kiến hoạt động này sẽ được thực hiện trong năm nay. Việc chuyển niêm yết sang HOSE được kỳ vọng sẽ nâng cao tính minh bạch, tăng thanh khoản cũng như giá cổ phiếu và khả năng tiếp cận các nhà đầu tư lớn​​ và tiềm năng thu hút vốn.

Trả lời thắc mắc của cổ đông về lộ trình thoái vốn của PVN tại BSR, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Hội cho hay, tỷ lệ sở hữu của PVN theo các quyết định của Nhà nước là trên 50% (hiện hơn 92%). Thời điểm cổ phần hóa, BSR có tìm nhà đầu tư chiến lược, thậm chí có thời điểm gặp nhà đầu tư Nga và sắp chốt hợp đồng, nhưng sau đó bị ảnh hưởng bởi địa chính trị nên việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược chưa thực hiện được.

Đến 2020 xuất hiện dịch Covid-19, BSR đã nhận được nhiều chỉ đạo là đơn vị chủ chốt góp phần ổn định năng lượng xăng dầu cho quốc gia, có yêu cầu giữ nguyên tỷ lệ chi phối của Nhà nước.

“Chúng tôi báo cáo đến 2025 vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, công ty tiếp tục quá trình tái cấu trúc theo quy định của cơ quan Nhà nước”, ông Hội thông tin.

Dự báo về kết quả kinh doanh quý 2/2024, Tổng Giám đốc Bùi Ngọc Dương chia sẻ, Nhà máy lọc dầu Dung Quất có một nửa thời gian quý 2, tức tháng 4 dừng máy bảo dưỡng. Đây là quyết định đúng đắn bởi theo dự báo quý 2 thời điểm này giá xăng dầu giảm. Thời điểm dừng được đánh giá rất thích hợp để tránh được lỗ do tồn kho, thời tiết cũng tốt nên dừng máy bảo dưỡng là đúng đắn nhất, tháng 5 sẽ khởi động chạy lại.

Crack spread đang có cải thiện từ tháng 6 trở đi nhưng giá dầu vẫn dự kiến đi xuống, tháng 5 dự kiến là đáy của thị trường xăng dầu như các năm trước, trở thành thông lệ của nhiều năm.

“Hiện Crack spread vẫn ở mức trung bình cao đạt 14,8 USD/thùng, trong khi kế hoạch công ty chỉ 8 USD/thùng. Công ty trông chờ diễn biến thực tế của thị trường. Chúng tôi kỳ vọng quý 2 vẫn có lợi nhuận cao, nhất là từ tháng 6”, theo ông Dương.

Tại đại hội, cũng có những cổ đông bày tỏ sự lo lắng về việc thu hẹp đầu mối kinh doanh. Theo đại diện của BSR, với việc nhiều đơn vị đầu mối bị thu giấy phép năm qua, BSR đã lập tức kích hoạt quản trị rủi ro. Quý 2/2024, các đầu mối có nguy cơ cao đều thay đổi cơ chế hợp đồng, yêu cầu giao trả tiền trước hoặc có giải pháp phòng bị. Nhìn chung, có thể khẳng định BSR không có rủi ro về nợ xấu.

“Đây cũng là một trong những vấn đề có thể gây ảnh hưởng. Nếu một đầu mối không tốt, chúng tôi phải chuyển sang đầu mối khác. Nhưng do nhu cầu xăng dầu trong nước vốn rất lớn, việc này không gây ảnh hưởng”, ông Bùi Ngọc Dương nói.

Xem thêm

BSR có thể bị HNX từ chối niêm yết?

BSR có thể bị HNX từ chối niêm yết?

Các nhà đầu tư cho rằng, việc BSR “chuyển nhà” từ UPCoM sang HNX là “đường tìm về mệnh giá” của mã cổ phiếu này nhưng khoản lỗ khủng trong 6 tháng đầu năm 2020 có thể khiến BSR bị từ chối.

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...