CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (HoSE: KDH) đã có một quý IV/2022 không mấy sáng sủa. Quý IV/2022, doanh thu thuần đạt 1.234 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Do giá vốn tăng gấp 9 lần, lợi nhuận của Khang Điền chỉ đạt 298 tỷ đồng, giảm 38%.
Trong quý, doanh thu tài chính đạt 9 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính lên tới 29 tỷ đồng, tăng gần 6 lần. Bên cạnh đó, chi phí quản lý cũng tăng 18%, đạt 57 tỷ đồng. Điều đó khiến cho việc chi phí bán hàng giảm 62% là không đủ để cứu vãn lợi nhuận.
Kết quý IV, KDH báo lợi nhuận trước thuế 179 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của KDH đạt 2.911 tỷ đồng, giảm 22% so với năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 1.383 tỷ đồng, giảm 23%.
Trong năm, chi phí tài chính tăng 12% (đạt 81 tỷ đồng), chi phí quản lý tăng 21% (đạt 219 tỷ đồng), chỉ chi phí bán hàng giảm 50% (đạt 103 tỷ đồng).
Tuy nhiên, nhờ có 412 tỷ đồng lợi nhuận khác (tăng gấp 2,2 lần, chủ yếu là khoản lãi từ giao dịch mua rẻ - tức khoản đầu tư vào Công ty Phước Nguyên và Đoàn Nguyên), KDH có lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 1.408 tỷ đồng, giảm 8%; lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 1.081 tỷ đồng, giảm 10%.
Năm 2022, KDH đặt mục tiêu 4.000 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 1.400 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới hoàn thành 72% mục tiêu doanh thu và 77% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của KDH đạt 21.631 tỷ đồng, tăng 50% so với đầu năm; 95% là tài sản ngắn hạn.
Điểm đáng chú ý, lượng tiền và tương đương tiền rất lớn, đạt 2.752 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với đầu năm.
Bên cạnh đó, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 5.303 tỷ đồng, tăng 26%. Hàng tồn kho đạt 12.440 tỷ đồng, tăng 61%. Như vậy, các khoản phải thu và hàng tồn kho đã chiếm tới 82% tổng tài sản – một tỷ trọng rất cao, khá đáng quan ngại về chất lượng tài sản. Đó là chưa kể KDH còn 749 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của Khang Điền tại ngày kết thúc năm 2022 đạt 9.837 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với đầu năm. Điểm sáng là KDH có 987 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn, tăng 6 lần.
Tuy nhiên, nợ vay của KDH cũng tăng rất mãnh liệt, đạt 6.771 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với đầu năm. Trong đó, vay ngắn hạn đạt 1.028 tỷ đồng, tăng 26%; vay dài hạn đạt 5.743 tỷ đồng, tăng 3,3 lần.
Vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm của KDH đạt 11.794 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 0,83 lần.
Về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh tiếp tục là “căn bệnh kinh niên” của KDH khi âm tới 1.824 tỷ đồng (năm trước âm 1.595 tỷ đồng); nguyên nhân chủ yếu là do tăng tồn kho (4.707 tỷ đồng), tăng các khản phải thu (576 tỷ đồng), chi trả lãi vay (492 tỷ đồng).
Với việc dòng tiền đầu tư âm 19 tỷ đồng, KDH trở nên lệ thuộc nặng nề vào vốn vay bên ngoài. Trong năm, dòng tiền đi vay của công ty đã lên tới 4.208 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi; trong khi đó dòng tiền trả nợ gốc vay ít hơn 200 tỷ đồng so với năm trước.
Tuy nhiên, dòng tiền tài chính đã giúp lưu chuyển tiền thuần cả năm đạt 1.386 tỷ đồng, giúp tiền và tương đương tiền cuối năm tăng thêm 2 lần so với đầu năm.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã công bố rổ chỉ số VN30 kỳ tháng 1/2023, hiệu lực từ ngày 6/2 đến ngày 4/8/2023, theo đó cổ phiếu KDH đã chính thức bị loại khỏi rổ chỉ số VN30.
Cổ phiếu KDH đã có đà hồi phục mạnh từ đáy và hiện đang dừng ở mức 27.600 đồng/cổ phiếu.