Luật BVQLNTD (Bài 1): Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù bằng cách nào?

Với hàng loạt vấn đề phát sinh từ những phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới khiến chúng ta phải điều chỉnh pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Khi luật pháp không theo kịp sự phát triển của công nghệ

Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật BVQLNTD) đã quy định một số nội dung liên quan đến hợp đồng đặc thù giao kết với người tiêu dùng.

Theo quan điểm của chúng tôi, các quy định trong Nghị định này là cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch có yếu tố riêng, đặc thù, đặc biệt là trong các giao kết liên quan đến hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục như mua nhà, bán điện, nước, dịch vụ viễn thông...

Nhưng, sự phát triển mạnh mẽ của môi trường Internet và ứng dụng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi đáng kể cách thức kinh doanh, làm xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới, tạo điều kiện cho sự tham gia của đông đảo chủ thể trong quá trình kinh doanh. Từ đó phát sinh nhiều mối quan hệ, nhiều trách nhiệm mới và trong đó phần lớn đều có tác động trực tiếp tới quyền lợi của người tiêu dùng.

Chúng ta phải có những điều chỉnh về mặt pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Chúng ta phải có những điều chỉnh về mặt pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Chúng ta có thể thấy, mô hình kinh doanh theo dạng nền tảng công nghệ đã xuất hiện kết nối những người tham gia giao dịch với nhau và thực hiện những tương tác tạo ra giá trị mọi lúc, mọi nơi. Mô hình này có nhiều tên gọi như "nền kinh tế nền tảng", "nền kinh tế chia sẻ", nền kinh tế với các giao dịch ngang hàng. Các ví dụ điển hình của các nền tảng này như Uber, Grap, Go-jek, ngoài ra các sàn thương mại điện tử như Amazon, Lazada, Shopee...cũng là các ví dụ về sự hình thành và phát triển của công nghệ nền tảng mới.

Nhóm thứ nhất là các nền tảng chỉ đóng vai trò là trung gian cho các bên kết nối với nhau theo mô hình các sàn giao dịch thương mại điện tử như Amazon, Lazada, Shopee.

Nhóm thứ hai là các nền tảng có vai trò quyết dịnh, tác động tới nội dung của giao dịch như Uber, Grap, Go-jek...trong đó, có thể thấy rõ các nền tảng này có quyền áp đặt, xác định giá mà người tiêu dùng phải trả để sử dụng.

Ở nhóm thứ nhất, theo những thông tin chúng tôi thu thập được đã xuất hiện trên thị trường từ lâu, đã có nhiều quy định pháp lý để quản lý.

Trong khi đó, nhóm thứ hai có mô hình hoạt động mới và vượt qua hầu hết các quy định quản lý hiện hành tại Việt Nam nói riêng và nhiều nước trên thế giới nói chung. Yếu tố mới của nhóm này thể hiện ở việc có nhiều hơn hai chủ thể tham gia trong quá trình cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Ví dụ như trong giao dịch của Grap có ít nhất ba chủ thể tham gia gồm: chủ thể vận hành Grap - lái xe - và người tiêu dùng.

Một vấn đề rất đáng lưu tâm là do ứng dụng công nghệ mới nên một số yếu tố của nền tảng hiện đang gây ra nhiều quan ngại không chỉ với người tiêu dùng mà còn liên quan tới cơ quan quản lý nhà nước, như: sự công khai, minh bạch của các nền tảng, về cơ chế hoạt động của nền tảng, bảo mật thông tin người tiêu dùng, phương thức tính giá của các nền tảng, trách nhiệm pháp lý của các nền tảng.

Bên cạnh những vấn đề phát sinh từ mô hình kinh doanh theo dạng nền tảng, mô hình kinh doanh xuyên biên giới hiện cũng là vấn đề khiến chúng ta phải hết sức lưu tâm. Thực tế, mô hình này đã được thực hiện từ rất lâu rồi, nhưng thời gian gần đây xuất hiện nhiều loại hình kinh doanh, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trực tiếp tới người tiêu dùng nhưng không thực hiện các thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh tại Việt Nam. Một điển hình cho việc này là ứng dụng xem phim trả tiền Netflix không có đại diện pháp lý tại Việt Nam, nhưng cung cấp dịch vụ số lượng lớn cho người tiêu dùng tại nước ta.

Do không có đại diện pháp lý nên các mô hình này hiện được cho là chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu pháp  lý về điều kiện kinh doanh, về kiểm duyệt chất lượng dịch vụ, hàng hóa theo quy định của chúng ta.

Sự thiếu hụt này không chỉ gây mất cân bằng trong môi trường kinh doanh cạnh tranh với các doanh nghiệp truyền thống, mà còn có thể tạo ra rủi ro khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với tiêu chuẩn pháp lý cho người tiêu dùng.

Một vấn đề nữa là thời gian gần đây xuất hiện nhiều mô hình bán hàng lưu động, bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên hoặc có đăng ký của doanh nghiệp. Mô hình này chúng ta có thể thấy ở các nhóm bán hàng lưu động tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc các sự kiện bán hàng tại khu vực phường, xã cụ thể.

Hình thức bán hàng này giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận trực tiếp khách hàng, đồng thời giảm thiểu chi phí trung gian tạo điều kiện để khách hàng trải nghiệm và mua sắm thuận tiện. Nhưng, nhiều mô hình đã có những hành vi lừa đảo, gây bức xúc cho người tiêu dùng, đồng thời đặt ra yêu cầu quản lý đối với cơ quan nhà nước.

Sự phát triển mạnh mẽ của môi trường Internet và ứng dụng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi đáng kể cách thức kinh doanh, làm xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới
Sự phát triển mạnh mẽ của môi trường Internet và ứng dụng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi đáng kể cách thức kinh doanh, làm xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới

Khuyến nghị hai nhóm giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Từ thực tế trên cho thấy, bên cạnh các ưu điểm mà các mô hình nêu trên mang tới cho người tiêu dùng, cho nền kinh tế thì từ khía cạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã xuất hiện nhiều vấn đề mà từ đó đặt ra yêu cầu cần thiết phải tăng cường hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch này.

Nhóm giải pháp thứ nhất chúng tôi muốn nhắc tới là phải gấp rút hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi Luật BVQLNTD ban hành từ năm 2010. Tại thời điểm đó, nhiều quy định chỉ phù hợp với bối cảnh truyền thống, chưa có các quy định điều chỉnh các mô hình mới phát sinh tại thời điểm hiện tại.

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật BVQLNTD là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với định hướng, chủ trương của chính sách, pháp luật và xu hướng quốc tế.

Song, quá trình hoàn thiện Luật càn nghiên cứu để bổ sung hoàn thiện các quy định nhằm giải quyết các vấn đề mà người tiêu dùng gặp phải khi thực hiện các giao dịch đặc thù nêu trên như: xác định rõ các mô hình giao dịch đặc thù và đưa các nội dung này vào Luật. Trong đó cần chú ý tới các giao dịch trên nền tảng, hoạt động bán hàng xuyên biên giới và bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên.

Cần mở rộng nội dung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù. Trong đó, bổ sung quy định về trách nhiệm tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thực hiện giao dịch đặc thù, bao gồm trách nhiệm về các thông tin bắt buộc phải cung cấp rõ ràng, chính xác, đầy đủ khi thực hiện giao dịch với người tiêu dùng; Thông tin về giá, các thuế, phí có thể phát sinh hoặc các lưu ý, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, dễ nhìn cho người tiêu dùng về cách xác định giá cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Rất nhiều vấn đề phát sinh trong các giao dịch đặc thù
Rất nhiều vấn đề phát sinh trong các giao dịch đặc thù

Quy định bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thực hiện kinh doanh trên không gian mạng, trong đó bao gồm quy định về: Chỉ định, công bố công khai đầu mối liên hệ, người đại diện được ủy quyền phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Chỉ định, công bố công khai đầu mối tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nội dung trên nền tảng, tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng đối với các quyết định của nền tảng; Xây dựng, công bố công khai quy chế hoạt động của nền tảng cho người tiêu dùng, trong đó phân định rõ trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch.

Quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên về việc thông báo đến UBND cấp xã tại nơi tổ chức trước khi thực hiện các nội dung bắt buộc, trong đó có nội dung về tên, địa chỉ liên hệ, nội dung, phương thức, giá bán và loại sản phẩm, hàng hóa có liên quan của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Hoàn thiện các quy định về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù nói riêng và giao dịch thông thường nói chung.

Trong quá trình hoàn thiện các quy định nêu trên, cần đảm bảo tính thống nhất với một số quy định liên quan đến pháp luật chuyên ngành khác, như: thống nhất nội dung về khái niệm “nền tảng số”, về xác định chủ thể liên quan đến nền tảng số trong pháp luật về giao dịch điện tử.

Cùng với đó, việc hoàn thiện các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng cần đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, không gây phát sinh gánh nặng, chi phí bất hợp lý cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Nhóm giải pháp thứ hai là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng tiêu dùng cho người tiêu dùng và kêu gọi sự chủ động tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân liên quan.

Để thực hiện, cần thường xuyên, liên tục thực hiện các hoạt động tuyên truyền, đạo tạo để phổ biến kiến thức pháp luật, hướng dẫn cách thức tiêu dùng và cảnh báo, lưu ý một số kinh nghiệm nhằm phòng tránh các gian lận, lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng khi thực hiện giao dịch mua bán.

Hoạt động tuyên truyền, đào tạo cần được thể hiện đa dạng, dưới nhiều hình thức. Trong đó tập trung vào các hình thức có sự tương tác với người tiêu dùng, bám sát các vấn đề có tính thời sự, nổi cộm. Lưu ý có các hình  thức và cách thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của một số nhóm người tiêu dùng như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người ở vùng nông thôn, vùng cao...

Có thể bạn quan tâm