Luật Đất đai (sửa đổi): Cần xem xét, bổ sung thêm quy định về đất đai phục vụ ngành du lịch

Ngành du lịch Việt Nam được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế tổng hợp có nhiều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ngành này đang gặp nhiều khó khăn về quỹ đất, hạ tầng…

20190228081030-9dcd.jpg
Gỡ khó từ Luật đất đai cho ngành du lịch

Sáng 19/10/2023, Hội thảo khoa học với chủ đề “Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch” được diễn ra, nhằm lấy ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia, luật sư, lãnh đạo doanh nghiệp về việc tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động kiến tạo hạ tầng du lịch trong Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được đưa ra bàn thảo và thông qua tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 23/10/2023.

CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN TỪ HẠ TẦNG

Trong 9 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch tiếp tục có những đóng góp quan trọng khi doanh thu lưu trú, ăn uống và dịch vụ lữ hành đạt 526,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 7,24% GDP), trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 16% và du lịch lữ hành tăng 47,7% so cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năm 2021, ngành du lịch Việt Nam đã tạo ra 2,39 triệu việc làm, tương đương 4,5% tổng số việc làm; đặc biệt giải quyết công ăn việc làm cho các lao động địa phương tại các cơ sở lưu trú (cho thuê nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn, resort, khu du lịch….).

Ảnh màn hình 2023-10-19 lúc 12.21.53.png

Không thể phủ nhận, ngành du lịch Việt Nam cũng có những đóng góp gián tiếp cho sự tăng trưởng và hoạt động đầu tư vào các dịch vụ giao thông đường bộ, đường hàng không cũng tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ khách sạn và nghỉ dưỡng, thực phẩm, ăn uống…

Cơ sở hạ tầng du lịch được chú trọng đầu tư trong những năm gần đây đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Hệ thống giao thông vận tải của Việt Nam đã có sự liên kết bằng nhiều phương thức. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng du lịch Việt Nam vẫn còn những mặt hạn chế do những vướng mắc về chính sách .

Hiện nay, chính sách ưu đãi đối với ngành du lịch chưa được cụ thể hóa rõ trong một số luật, quy định liên quan: Du lịch chưa thuộc danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư theo Luật Đầu tư 2020, chưa thuộc danh mục lĩnh vực được thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020...

Bên cạnh đó, khung pháp lý trong việc cấp đất cho các dự án phát triển du lịch còn nhiều bất cập: mặc dù quy định pháp luật hiện hành đã cho phép đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án du lịch, thương mại dịch vụ, song còn thiếu cơ chế thu hồi đất đối với các loại dự án này.

Ảnh màn hình 2023-10-19 lúc 12.22.03.png

Ngoài ra, các quy định về cấp và chuyển nhượng quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền với đất thương mại, dịch vụ du lịch còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Vì vậy, việc Luật hóa các quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với đất du lịch là cần thiết. Từ đó sẽ tạo chuyển biến tích cực cho phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, vốn dĩ đang gặp nhiều khó khăn.

CẦN BỔ SUNG THÊM NHIỀU NỘI DUNG TRONG LUẬT

Khi vấn đề về đất đai, hạ tầng còn nhiều vướng mắc, ngành du lịch nói chung và bất động sản du lịch nói riêng cũng sẽ khó phát triển, làm cho nền kinh tế chung của nhà nước bị ảnh hưởng.

Để giải quyết vấn đề này, tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), thứ nhất, nên xem xét bổ sung cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua thu hồi đất cho các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí có quy mô hoặc tổng mức đầu tư lớn, đặc biệt là những dự án du lịch tại địa bàn khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo…

Việc bổ sung trên có thể giúp tháo gỡ khó khăn, giúp các nhà đầu tư tham gia đấu thầu các dự án thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần làm rõ tiêu chí để xác định các dự án lớn, tác động đối với phát triển kinh tế - xã hội.

z4796836539940_5abef4d1140838a63c502936eb770636 (1).jpg
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia

Thứ hai, nên xem xét bổ sung cơ chế cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thương mại và dịch vụ để phát triển du lịch tại Điều 121 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm góp phần tháo gỡ điểm nghẽn của lĩnh vực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Từ đó tạo điều kiện để thu hút hơn nữa nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch cũng như góp phần tháo gỡ khó khăn cho phân khúc này.

Thứ ba, luật hóa cùng với việc tăng cường chế tài đối với các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về quy hoạch, về đầu tư phát triển du lịch, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí và tranh chấp đất đai.

Ngoài ra, vị tiến sĩ còn đưa ra một số giải pháp khác, cụ thể, về ngắn hạn Quốc Hội, Chính phủ tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư du lịch về tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường giảm thuế, phí, tiền thuê đất… với mức độ và thời gian hỗ trợ dài hơn nhằm huy động hơn nữa nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch.

Về trung và dài hạn, cần sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan theo hướng xây dựng chính sách hấp dẫn, cạnh tranh về đất đai, tài chính, điện, nước cho các dự án đầu tư phát triển du lịch.

Cần nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, Chính phủ có thể xem xét nghiên cứu thực hiện đầu tư công trực tiếp vào kết cấu hạ tầng các khu vực phát triển du lịch, kết cấu hạ tầng trọng điểm, liên kết vùng, bảo tồn di tích, văn hóa…

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng, nhất là cao tốc Bắc – Nam, sân bay, đường sắt; tháo gỡ vướng mắc để phát huy hình thức hợp tác công – tư (PPP)... Đây sẽ là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng.

Đặc biệt, Nhà nước nên tăng cường chế tài đối với các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí và tranh chấp đất đai.

LÀM RÕ PHƯƠNG THỨC PHÁT TRIỂN LUẬT ĐẤT ĐAI

Đồng tình với quan điểm của TS. Cấn Văn Lực, TS. Đỗ Thanh Trung, Cố vấn Ban giám đốc, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang có bổ sung thêm một số ý kiến.

Ông Trung cho biết, theo quy định tại Điều 29 Luật Đầu tư 2020, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các phương thức tiếp cận đất đai để thực hiện dự án đầu tư bao gồm: Nhà nước giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; Thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất.

z4796926305876_0f25b111ad2fd79018f563a09fe0ed04.jpg
TS. Đỗ Thanh Trung, Cố vấn Ban giám đốc, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang

Tuy nhiên, dự án du lịch, vui chơi, giải trí sử dụng nguồn vốn tư nhân không thuộc các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 79 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bên cạnh đó, dự án hỗn hợp có bao gồm dự án du lịch, vui chơi, giải trí cũng không thuộc các trường hợp thu hồi đất tại Điều 79 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do chưa rõ “kinh doanh thương mại, dịch vụ” trong dự án hỗn hợp có nhà ở.

“Do đó, dự án du lịch, vui chơi, giải trí không thuộc trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng; không thuộc trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng”, TS. Trung nêu.

Mặt khác, Nhà nước chỉ giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện “dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ” mà không bao gồm dự án du lịch, vui chơi, giải trí theo quy định tại Điều 127 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Như vậy, nhà đầu tư có khả năng chỉ có thể tiếp cận đất đai để thực hiện dự án du lịch, vui chơi, giải trí (sử dụng nguồn vốn tư nhân) thông qua đấu giá quyền sử dụng đất khi dự án sử dụng quỹ đất do các cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý hoặc thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 128 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Vì vậy, TS. Đỗ Thanh Trung nhận định, kiến nghị bổ sung loại dự án du lịch, vui chơi, giải trí có quy mô lớn: “dự án Khu đô thị mới có quy mô trên 300ha”, “dự án hỗn hợp nhà ở hoặc khu đô thị mới kết hợp với kinh doanh thương mại, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng” thuộc phạm vi đấu thầu dự án có sử dụng đất để có sự can thiệp của Nhà nước trong việc thu hồi đất là cần thiết.

Bên cạnh đó, nếu bổ sung các loại dự án du lịch, vui chơi, giải trí có quy mô lớn như trên thuộc phạm vi đấu thầu thì cũng cần bổ sung các loại dự án này thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 79 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

“Bởi lẽ, một trong những điều kiện tiên quyết để giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất là khu đất thực hiện dự án chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng, tức khu đất phải thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất” vị chuyên gia lý giải.

Xem thêm

Con gái Thái Lan trong trang phục truyền thống

Vì sao Thái Lan hút được khách doanh nghiệp đến du lịch?

Đất nước chùa Vàng đã đón 11,15 triệu lượt khách du lịch nước ngoài trong năm 2022, tăng trưởng mạnh mẽ thời kỳ hậu Covid-19. Bên cạnh nhóm khách du lịch cá nhân, không thể không nhắc đến nguồn khách chủ đạo làm nên thành công của Thái Lan chính là tệp khách MICE với quy mô hàng trăm khách mỗi đoàn.

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…