Các đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ tập trung góp ý các quy định về giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội và vì lợi ích quốc gia công cộng.
Theo đó, góp ý về cơ chế xác định giá đất; cơ chế, chính sách tài chính, đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất ;cơ chế, chính sách thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Hay các quy định về tài chính đất đai, giá đất, các hình thức giao đất, cho thuê đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê và cho thuê đất trả tiền hàng năm…
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, đến nay đã tổng hợp được khoảng 11,6 triệu lượt ý kiến. Trong đó, về vấn đề giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cũng nhận được hơn 1 triệu ý kiến; tài chính đất đai, giá đất cũng có đến gần triệu ý kiến.
Quan tâm đến vấn đề thu hồi đất, tại Hội nghị đại biểu Lê Thị Song An (Long An) cho rằng, những người dân bị di dời được bồi thường đôi khi không thỏa đáng, mất việc làm, sinh kế bị ảnh hưởng và hoàn toàn không được hưởng lợi gì từ dự án.
Đại biểu Lê Thị Song An đề nghị bổ sung các quy định cụ thể, cách thức xác định phần điều tiết giá trị tăng thêm từ đất, hoặc giao cho Chính phủ nghiên cứu quy định chi tiết, cụ thể để tăng tính khả thi của quy định trong thực tế.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho ý kiến cần xác định rõ các dự án đô thị, dự án thương mại, dịch vụ, các dự án có quy mô sử dụng đất từ bao nhiêu ha trở lên. Ngoài các trường hợp quy định Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Thắng đề xuất, những dự án đô thị, dự án thương mại, dịch vụ với quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên thì nên giao để Nhà nước thu hồi đất, chứ không thực hiện cơ chế thỏa thuận. Trường hợp thực hiện thỏa thuận, cần phải có cơ chế để kiểm soát.
Tiếp đến là đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề xuất 2 hình thức để người có đất bị thu hồi lựa chọn bằng đất hoặc bằng tiền. Theo đại biểu Hải, nếu quy định 4 hình thức thì người có đất bị thu hồi sẽ có rất nhiều trường hợp đưa ra sự lựa chọn khác nhau, gây khó khăn cho chính quyền trong vấn đề thu hồi đất. Do vậy, vị đại biểu này đề nghị chỉ có 2 hình thức bằng tiền hoặc bằng đất.