Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này đe dọa làm trầm trọng thêm quan hệ ngoại giao vốn đã căng thẳng với một số đồng minh quan trọng của Mỹ, trong đó có các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ở Đức, Pháp và Vương quốc Anh - những nước đã tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm 2015.
Trong những ngày gần đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đều đã cố gắng thuyết phục ông Trump duy trì thỏa thuận mang tính bước ngoặt dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tuy nhiên, ông Macron ngày 8/5 đã bày tỏ sự thất vọng sau khi ông Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).
Trên trang mạng Twitter cá nhân, nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh: "Pháp, Đức, và Vương quốc Anh lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ rời khỏi JCPOA. Chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân đang bị đe dọa."
Về phần mình, ông Obama đã xem xét quyết định rút khỏi JCPOA của ông Trump, đồng thời khẳng định động thái này là một "sai lầm nghiêm trọng."
[Ông Obama chỉ trích quyết định rút Mỹ khỏi JCPOA của Tổng thống Trump]
Ngoài ra, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận lịch sử này cũng có thể có những ảnh hưởng lớn trên thị trường dầu mỏ do Iran là nước sản xuất lớn thứ 3 trong OPEC.
Cuối cùng, sự "ra đi" của Mỹ, có thể đẩy tương lai của chương trình hạt nhân Iran vào tình trạng lấp lửng. Bằng cách từ chối hủy bỏ các biện pháp trừng phạt mà không cần chứng minh Iran đang vi phạm thỏa thuận này, ông Trump sẽ kết thúc thỏa thuận mà Mỹ đã từng ký kết.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố đất nước của ông đã có kế hoạch để đối phó với bất cứ động thái nào của Mỹ liên quan tới thỏa thuận này.
Ông Rouhani ngày 8/5 tuyên bố Iran sẽ tiếp tục tìm kiếm "quan hệ xây dựng với thế giới," bất chấp Tehran có thể phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt./.
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu