Lý lịch khu đất vàng 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh khiến ông Đinh Trường Chinh vào vòng lao lý?

Như Thương gia đã đưa, Công an TP.HCM vừa khởi tố ông Đinh Trường Chinh và ông Huỳnh Thế Năng trong việc chuyển nhượng 4 lô đất vàng ở phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Z3738873899945_D6634.jpg
Cận cảnh khu đất vàng làm bãi đỗ ô tô

Dù là tài sản sở hữu của nhà nước, nhưng 4 lô đất vàng số 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM đã vào tay của Công ty Việt Hân Sài Gòn.

PHA CHUYỂN NHƯỢNG LẮT LÉO

Năm 1993 và 1994, 4 lô đất vàng số 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh được bàn giao cho Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) là công ty có 100% vốn của Nhà nước quản lý. Cụ thể, số nhà 34 và 36 đường Chu Mạnh Trinh làm công sở hoặc nhà ở tập thể, còn tại số 42 Chu mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du cho Vinafood 2 tiếp tục quản lý sử dụng làm văn phòng.

Đến năm 2001, Vinafood 2 đã lập thủ tục báo cáo kê khai và lập phương án xử lý sắp xếp lại tài sản theo hướng xin chuyển mục đích sử dụng 4 cơ sở nhà đất trên, từ sản xuất kinh doanh sang xây dựng cao ốc văn phòng và nhà ở cao tầng để bán và cho thuê.

Sau đó, đến năm 2004, UBND TP.HCM đã chấp thuận chuyển mục đích để xây dựng cao ốc văn phòng và nhà cao tầng để bán, cho thuê và doanh nghiệp này có trách nhiệm lập dự án đầu tư trình các cấp có thẩm quyền, đồng thời lập phương án di dời các hộ gia đình đang sống tại 4 lô đất vàng kể trên.

Giai đoạn từ 2004 đến 2015 Vinafood 2 vẫn chậm trên trong việc lập phương án bồi thường di dời dân, cũng chưa làm thủ tục xin đầu tư dự án do khả năng tài chính yếu kém.

Vinafood 2 cũng có văn bản đề nghị Bộ tài chính cho phép chuyển từ mục đích sử dụng ban đầu là trực tiếp đầu tư sang phương án bán tài sản và chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thu hồi vốn.

Mặc dù, chưa được sự cho phép, nhưng Hội đồng thành viên Vinafood 2 đã ban hành Nghị quyết, thống nhất chủ trương cho phép Vinafood 2 liên kết với Công ty TNHH Thương mại Quảng cáo xây dựng địa ốc Việt Hân (Địa ốc Việt Hân) thành lập công ty TNHH để thực hiện dự án, chuyển chủ đầu tư và chuyển quyền sử dụng đất.

Riêng công ty mới thành lập này, Vinafood 2 sở hữu 20% vốn, được tính bằng toàn bộ giá trị tài sản trên đất và một phần giá trị quyền sử dụng đất của 4 khu đất vàng. Còn, Địa ốc Việt Hân sở hữu 80% vốn bằng tiền mặt. Sau đó Vinafood 2 chuyển thành góp vốn bằng tiền mặt thay vì tài sản nêu trên.

Từ tháng 1/2016, Vinafood 2 có 4 lần chuyển nhượng vốn góp trong Công ty Việt Hân Sài Gòn là công ty con của Công ty Việt Hân; lợi dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB971073 (cấp cho Công ty Việt Hân Sài Gòn) để vay vốn ngân hàng.

Trong quá trình thực hiện dự án, tháng 12/2015, Vinafood 2 chuyển nhượng toàn bộ cổ phần vốn góp cho đối tác. Sau đó, khu đất được cập nhật biến động với việc đổi tên Vinafood 2 trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất thành tên Công ty Việt Hân Sài Gòn.

dat-vang-quan-1-1339.jpg
Toàn cảnh khu đất số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM

Tiếp đến, năm 2016, Công ty Việt Hân Sài Gòn có sự thay đổi chủ sở hữu, gồm 2 thành viên góp vốn, đó là Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông (góp 99%) và Công ty Việt Hân (góp 1%). Sau đó, các chủ hữu mới đã dùng cụm nhà đất số 34-36, 42 Chu Mạnh Trinh và số 33 Nguyễn Du thế chấp Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM (MSB).

Kế đến, tháng 1/2017, chủ sở hữu của Công ty Việt Hân Sài Gòn là Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông và Công ty Việt Hân chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Việt Hân Sài Gòn cho Công ty cổ phần Sài Gòn Dimensions và Công ty Đầu tư BOB.

Việc chuyển nhượng này là thực hiện theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc xử lý, thu hồi nợ theo phương án xử lý nợ ngày 26/10/2016 của Ngân hàng MSB gửi Ngân hàng Nhà nước.

Phương án này được Ngân hàng Nhà nước thẩm định, chấp nhận. Số tiền thu được từ việc chuyển nhượng này dùng để trả nợ cho khoản vay của các công ty tại MSB. Tiếp đó, Công ty Việt Hân Sài Gòn tiếp tục sử dụng tài sản này thế chấp vay tại các ngân hàng khác.

TƯỞNG THUẬN LỢI, NHƯNG VẪN SA LƯỚI

Về dự án này tháng 12/2020, tại Báo cáo kết luận số 2099/BC-TTCP về kết quả kiểm tra phản ánh thông tin của báo chí về sai phạm dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh của Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ, tại dự án nói trên có nhiều vi phạm pháp luật liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và của cá nhân.

Trong đó có vi phạm có dấu hiệu gây thất thoát, thiệt hại tài sản Nhà nước, lập hồ sơ dự án đầu tư khống và lợi dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của 4 cơ sở nhà đất để thế chấp vay tiền của các tổ chức tín dụng. Trong đó có việc thế chấp vay 6.308 tỷ đồng của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

Z3738858580777_82543.jpg
Phía ngoài các lô đất tại 34-36-42 Chu Mạnh Trinh

Vinafood 2 đã thoái vốn và chuyển nhượng 20% vốn góp tại Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên Việt Hân Sài Gòn (gọi tắt là Công ty Việt Hân Sài Gòn) và quyền sử dụng 4 cơ sở nhà đất cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại quảng cáo xây dựng Việt Hân (gọi tắt là Công ty Việt Hân) là không đúng quy định pháp luật, trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1647/TTg-KTN ngày 15/9/2015.

Trong Kết luận số 2099/BC-TTCP, Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ việc quản lý, sử dụng 4 cơ sở nhà đất trên có thiếu sót, không thống nhất một đầu mối, quản lý chồng chéo, không chặt chẽ. Cùng một lúc có 2 chủ thể cùng quản lý các cơ sở nhà, đất nói trên là UBND TP.HCM và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong khi đó, chủ thể trực tiếp sử dụng 4 cơ sở nhà đất trên là 34 hộ dân nguyên là cán bộ, nhân viên làm việc cho Vinafood 2.

Đồng thời, 4 tòa nhà cao tầng và các công trình khác tại địa chỉ 42 đường Chu Mạnh Trinh đã bị tháo dỡ, đập phá không phép để làm bãi giữ xe ô tô nhưng không cơ quan nào quản lý. Vinafood 2 đã 4 lần làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, không thực hiện lập lại phương án sắp xếp lại 4 cơ sở nhà, đất; không lựa chọn được đối tác bảo đảm đủ năng lực thực hiện dự án; thực hiện thoái vốn không chặt chẽ; không thực hiện lập phương án bồi thường, hỗ trợ di dời 34 hộ dân. Đến thời điểm thanh tra, vẫn còn 30/34 hộ dân vẫn đang trực tiếp sử dụng các cơ sở nhà, đất trên với 150 nhân khẩu, trong đó có 5 hộ đã nhận tiền hỗ trợ, di dời.

Như Thương Gia đã đưa tin, ngày 27/10, Công an TP.HCM cho biết cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với ông Huỳnh Thế Năng (cựu tổng giám đốc Vinafood 2) và ông Đinh Trường Chinh (cựu giám đốc Công ty TNHH Thương mại - quảng cáo - xây dựng - địa ốc Việt Hân) để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

bat-dinh-truong-chinh-1698373783348934920971-58-0-573-984-crop-16983738562671029133609-3777.png
Bị can Đinh Trường Chinh (trái) và Huỳnh Thế Năng. Ảnh: Công an TP.HCM

Theo Công an TP.HCM, căn cứ kết quả điều tra và tài liệu, chứng cứ thu thập được, xác định ông Năng và ông Chinh đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng khu đất số 33 Nguyễn Du và 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé (quận 1, TP.HCM), gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.

Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM đang tập trung điều tra mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo quy định pháp luật để xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan và thu hồi tài sản thất thoát cho Nhà nước.

Trước đó, ông Năng lãnh 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng do liên quan đến vụ tham ô, cố ý làm trái gây thất thoát 132 tỷ tại Tổng công ty Lương thực Miền Nam.

Có thể bạn quan tâm