Trong đó, có 450 dự án cấp mới với vốn đăng ký đạt 248,6 triệu USD; điều chỉnh vốn đầu tư có 80 lượt dự án với số vốn tăng thêm 122 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần có 1.923 trường hợp với tổng vốn hơn 1,23 tỷ USD.
Ngành thương nghiệp dẫn đầu với 207 dự án, vốn đầu tư 131,7 triệu USD, chiếm đến 52,9% tổng vốn cấp phép mới. Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 93 dự án, vốn đầu tư 21,4 triệu USD, chiếm 8,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo 7 dự án, vốn đầu tư 9,5 triệu USD; kinh doanh bất động sản có 6 dự án, vốn đầu tư 44,2 triệu USD, chiếm 17,8%.
Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất vào thành phố với 44 dự án, với số vốn 80,5 triệu USD, chiếm 32,4% trong tổng vốn cấp mới. Tiếp theo là Singapore với 70 dự án, số vốn 50,8 triệu USD, chiếm 20,4%; Hồng Kông 37 dự án, 31,5 triệu USD...
Để tạo quỹ đất thu hút đầu tư, mới đây, lãnh đạo TPHCM đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TPHCM (HEPZA), Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận - huyện liên quan rà soát lại quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất báo cáo UBND Thành phố, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm tạo quỹ đất thu hút đầu tư.
UBND thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành khẩn trương việc với các bộ, ngành, trường hợp cần thiết đề xuất UBND Thành phố để có văn bản gửi các bộ, ngành sớm có ý kiến để Thành phố xây dựng Khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao (280,8ha tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) có chất lượng và có tính cạnh tranh cao, phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.