Chặn từ gốc!
Gần đây nhất, UBND TP.HCM ra văn bản về kiểm điểm trách nhiệm đối với GĐ Sở TN&MT, Chủ tịch UBND quận 9 và các cá nhân theo phân cấp quản lý cán bộ thời kỳ có liên quan trong việc chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở đối với khu đất số 1A, phường Phú Hữu, quận 9.
Theo đó, khiển trách ông Đào Anh Kiệt, nguyên GĐ Sở TN&MT và bà Đặng Thị Hồng Liên, nguyên chủ tịch UBND quận 9 (hiện là Bí thư quận ủy quận 9), đồng thời, nhiều tập thể, cá nhân khác có liên quan trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở cũng nhận kỷ luật.
Đây là động thái được xem là “rắn” một cách cần thiết và kịp thời giữa lúc quận 9 là một trong những điểm nóng của sốt ảo đất nền. Đất nền đang bị thổi giá cao gấp đôi so với giá trị thật. Kèm theo đó là việc phân lô bán nền, chuyển mục đích sử dụng đất tràn lan đe dọa phá vỡ quy hoạch bền vững.
Trước đó chưa lâu, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM xử lý 4 cán bộ ở Hóc Môn, một điểm nóng khác của hiện tượng sốt đất nền. Quyết định này cảnh cáo ông Lê Tuấn Tài - phó bí thư Huyện ủy, nguyên chủ tịch UBND huyện Hóc Môn. Ông Tài đã ký phê duyệt nhiều phương án tổng mặt bằng - thiết kế hạ tầng kỹ thuật không đúng theo quy định.
Trong số 4 cá nhân bị kỷ luật, có ông Hồ Minh Dương - nguyên trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hóc Môn bị khiển trách vì đã tham mưu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa chưa đúng quy định. Việc này dẫn đến UBND huyện đã phê duyệt 137 phương án tổng mặt bằng - thiết kế hạ tầng kỹ thuật, trong đó có nhiều phương án không đúng theo quy định của UBND TP.HCM về diện tích tối thiểu được tách thửa, làm ảnh hưởng đến quy hoạch của huyện.
“Ngay sau những thông tin xử lý cán bộ, thị trường đất nền Hóc Môn không còn sốt nóng và manh mún. Điều này cho thấy ở địa phương nào làm tốt công tác quản lý quy hoạch thì không dễ xảy ra sốt ảo đất nền” - một chuyên gia địa ốc nhận định.
Bài học lớn
Vị này cho rằng thành phố cần rà soát nhiều hơn nữa công tác quản lý quy hoạch ở những “điểm nóng” sốt ảo đất nền như Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh, quận 9... Nơi đầu nậu cò đất đang “quần thảo” làm giá ngày đêm. Nếu để tình trạng phân lô tự phát tràn lan, quy hoạch từng khu vực sẽ bị phá vỡ, việc kết nối về lâu dài giữa các địa bàn cũng sẽ bị đe dọa với những “vết sẹo đô thị” loang lỗ sau những cơn sốt đất nền.
“Không dễ xé lẻ phân lô bán nền nếu địa phương tuân thủ quy hoạch 1/2.000 sẵn có và quản lý bài bản” - ông nói. Ông dẫn ví dụ như quận 12, một địa bàn mới nổi trong thời gian qua nhưng có hạ tầng đồng bộ, thông thoáng và ngày càng khang trang. Trong “tâm bão” đất nền, địa phương này không chịu ảnh hưởng. Nguyên nhân là do công tác quản lý tốt, phê duyệt 1/500 tuân thủ quy hoạch 1/2.000 sẵn có. Điều này chặn đứng cơ hội xé lẻ đất nền hoặc chuyển mục đích sử dụng đất tràn lan.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu trong buổi làm việc với UBND TP.HCM gần đây cũng bức xúc cho rằng, một phần cơn sốt ảo đất nền là do kẽ hở trong công tác quản lý, thậm chí không loại trừ có sự tiếp tay của quan chức địa phương để đầu nậu cò đất thao túng trục lợi. Nếu không giải quyết rốt ráo từ gốc, bộ mặt đô thị, quy hoạch bền vững của thành phố sẽ bị băm nát.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa thì thẳng thắn thừa nhận, cơn sốt ảo đất nền thời gian qua là bài học lớn cho thành phố. Ông Khoa cho biết với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo TP và các sở ngành, quận huyện, trước mắt tình hình đã được chấn chỉnh. “Bài học này cho TP một kinh nghiệm - đó là tính công khai minh bạch trong quy hoạch sử dụng đất phải luôn được bảo đảm” - ông Khoa nhấn mạnh.
Theo Nguyễn Tường/ Dân Việt
>> Đằng sau cơn sốt đất ở Sài Gòn và chuyện "làm giá" của giới đầu cơ