Ngày 24/4, Masan đã tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2017, theo đó, đã thông qua phương án phát hành 38,77 triệu cổ phiếu để tất toán các khoản nợ với các chủ nợ liên quan. Trước đó, hồi tháng 10/2013, MSN đã phát hành lần 1 với số lượng 29,77 triệu cổ phiếu (còn lại số lượng 9 triệu cổ phiếu liên quan đến khoản vay chuyển đổi có dư nợ gốc 30 triệu USD).
Tại đại hội lần này, cổ đông đã biểu quyết thông qua việc hủy phương án phát hành 9 triệu cổ phiếu này. Thay vào đó, Masan sẽ thực hiện phát hành mới 13.69 triệu cổ phiếu dự kiến từ giữa năm 2017 đến 4 tháng đầu năm 2018.
Bên cạnh đó, cổ đông Masan cũng thống nhất kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP) với khối lượng tối đa 0,9% tổng số cổ phần đang lưu hành với giá 10.000 đồng/cp. Thời gian phát hành cũng dự kiến từ giữa năm 2017 đến 4 tháng đầu năm 2018.
Về kế hoạch kinh doanh trong năm 2017, Masan đặt mục tiêu lợi nhuận thuần sau thuế và cổ đông thiểu số từ 3.200-3.400 tỷ đồng, tăng từ 15-22% số năm 2016. Các khoản đầu tư lớn vào tài sản cố định trong năm 2017 dự kiến khoảng 4.000-4.200 tỷ đồng, trong đó khoảng 1.500 tỷ đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi heo ở miền Bắc.
Ban lãnh đạo Masan chia sẻ, kế hoạch kinh doanh năm 2017 của Tập đoàn khá thận trọng, trong đó có sự đóng góp 60% từ Masan Consumer, 30% từ Masan Nutri-Science và 10% từ Masan Resources, trong đó đã bao gồm các rủi ro. Mặc dù từ đầu năm nay giá thịt heo giảm nhưng Masan cũng đã cân nhắc, và tự tin về 6 tháng cuối năm (ít nhất sẽ đạt được trên 50% thị phần cám heo). Bên cạnh đó, Masan Consumer cũng tăng 10% từ nước uống, gia vị và thị trường Thái Lan. Ngoài ra, một số sản phẩm mới sẽ mang lại doanh thu cho Masan trong năm nay.
Đối với việc đầu tư vào Techcombank, việc phát hành 3.000 tỷ trái phiếu thời điểm trước đã đóng góp đáng kể vào hoạt động bền vững của ngân hàng. Thời gian tới ngân hàng sẽ thuộc nhóm ngân hàng đạt chuẩn không chỉ Việt Nam mà còn chuẩn quốc tế theo Basel II. Techcombank nhắm mục tiêu lợi nhuận sau thuế hơn 5.000 tỷ đồng năm nay.
Masan đặt mục tiêu bia chiếm thị phần 15-20% vào năm 2020, hiện Tập đoàn đã có đối tác chiến lược là Tập đoàn Singha sở hữu thương hiệu bia nổi tiếng như Singha, Leo, B-ing, Purra, Sanvo. Masan không chỉ M&A để mua thị phần mà còn hợp tác với đối tác để xây dựng nền tảng công nghệ cũng như năng lực để phát triển bền vững.
Trong năm 2016, Masan đạt doanh thu 43.297 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.791 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 41% và 89% so với năm trước đó. Theo đó, MSN sẽ trình cổ đông thông qua tỷ lệ cổ tức cho năm 2016 bằng tiền mặt là 11% (đã tạm ứng từ ngày 24/01/2017), lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại hơn 7.000 tỷ đồng sẽ được giữ lại toàn bộ.
Ông Nguyễn Đăng Quang – TGĐ Tập đoàn chia sẻ, năm 2009, người tiêu dùng trả 0,2 USD/tháng cho các sản phẩm của Masan, nhưng đến năm 2016 đã lên 2 USD/tháng, tức gấp 10 lần. Còn đến 2020, Masan đặt mục tiêu người tiêu dùng trả 9-10 USD/tháng, tương ứng tập đoàn thu về 9-10 tỷ USD doanh số./.
>> Techcombank: Năm 2017 dự kiến niêm yết, tăng vốn thêm 5.000 tỷ đồng