Quang cảnh khu vực đảo chè (Ảnh: Sách Nguyễn)
Dọc đường Hồ Chí Minh, chúng tôi tìm đến xã Thanh An, huyện Thanh Chương, Nghệ An rồi di chuyển khoảng 200m là đến đập Cầu Cau. Thật không phí công dắt díu nhau đi, nhìn từ bờ đập, đảo chè hiện ra trong mắt chúng tôi là một màu xanh ngút ngàn: Xanh mơn mởn của cây chè, xanh nhàn nhạt của con nước bao quanh các đảo, xanh biêng biếc của bầu trời bao la và xanh thắm của lòng người dân Thanh An khi đón tiếp các đoàn khách đến thăm quan rất nhiệt tình và chu đáo.
Đường vào đảo chè
Dưới bờ đập, có khoảng hơn chục chiếc thuyền máy luôn sẵn sàng phục vụ với mức vé khoảng 30.000 đồng/lượt khách. Giữa không gian tĩnh mịch, từng chiếc thuyền lướt nhẹ, chở chúng tôi đi vòng quanh các đảo chè trong khung cảnh những tia nắng bắt đầu ngày mới tỏa sáng xuyên qua làn sương còn lảng bảng, các đồi chè trở nên đẹp rực rỡ, thơ mộng khiến du khách thấy thư thái tâm hồn.
Trên những chiếc xuồng máy được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ
Mỗi đảo chè là mỗi bức tranh thủy mặc khác nhau bởi trên diện tích hơn 1 ha, các đảo chè được canh tác, đánh luống... theo các đồ hình khác nhau, tạo nên sự khác biệt và mang lại cho du khách cảm giác thật mới lạ và thú vị. Với cảnh sắc xinh đẹp đó, thật không ngoa khi có người gọi đảo chè là “Vịnh Hạ Long của xứ Nghệ”.
Đảo chè nhìn từ trên cao
(Nguồn: Báo Nghệ An)
Thuyền cập đảo, chúng tôi nhanh chóng bước lên đảo và tự do khám phá để thực hiện những góc ảnh đẹp nhất. Vào mùa cưới, nơi đây cũng đã thu hút rất nhiều đôi uyên ương đến lưu lại những khoảnh khắc quan trọng nhất của đời người. Sau khi tham quan hết, chúng tôi ghé các quán nước được dựng ngay trên đỉnh đảo chè để thưởng thức bát nước chè xanh, nhấm nháp thanh kẹo lạc, kẹo cu - đơ đậm chất xứ Nghệ và nhìn ngắm lại cảnh sắc đảo chè trước khi rời đi.
Được biết, trước đó ít lâu, vùng trồng chè xinh đẹp này vẫn còn là vùng đất bị “bỏ quên”. Từ đập nước thủy lợi được xây dựng vào những năm 1960, công trình hồ thủy lợi Thanh An chỉ có thân đập bằng đất cốt tre, đến năm 1996 mới được bê tông hóa. Hồ thủy lợi rộng 84ha này là nguồn tưới tiêu chủ yếu cho hơn 700ha lúa nước của 2 xã Thanh An và Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương.
Du khách từ già tới trẻ đều bị thu hút bởi vẻ đẹp thanh bình của đảo chè
Thế nhưng, cách đây vài năm, nhờ mạng xã hội và truyền thông, lượng người biết và đến tham quan đảo chè ngày càng nhiều. Hy vọng, trong tương lai không xa, ngoài Cửa Lò, làng Sen quê Bác, cánh đồng hoa hướng dương, vườn quốc gia Phù Mát....thì đảo chè cũng sẽ là một trong những địa điểm du lịch được du khách ưu tiên khi ghé thăm Nghệ An.