Môi giới bất động sản chật vật đủ nghề để kiếm sống

Thị trường bất động sản trầm lắng trong thời gian qua, khiến một bộ phận không nhỏ môi giới bất động sản phải loay hoay tìm kiếm nhiều công việc khác để tăng thêm thu nhập…
môi giới bất động sản
Môi giới bất động sản làm cùng lúc nhiều nghề. Ảnh minh hoạ

Theo số liệu của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, ước lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022.

Làm 2-3 việc cùng lúc

Đó là tình trạng chung của nhiều môi giới bất động sản trong thời gian này. Anh Hoàng Văn Khắc (40 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) là môi giới chung cư khá lâu năm, trước đây anh chỉ là duy nhất công việc này. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản đang rất trầm lắng, khả năng chốt đơn căn hộ kém đi, buộc anh Khắc phải tìm thêm các công việc khác để trang trải cuộc sống gia đình.

4 tháng qua, anh Khắc mới chỉ bán được 2 căn hộ, gần đây giá chung cư lại có xu hướng tăng, khiến công việc khó khăn nay lại càng khó hơn.

Anh Khắc tâm sự: “Thời buổi này giao dịch căn hộ kém lắm, nhà còn 2 đứa con nhỏ, nên đầu năm tôi có xin thêm làm bảo vệ theo ca tại khu chung cư gần nhà. Ngoài ra, tôi còn nhận thu mua đồ nội thất cũ để bán lại kiếm chút giá chênh”.

Mặc dù thu nhập từ nghề bảo vệ và bán đồ cũ không được bao nhiêu, nhưng cũng đủ để gia đình anh Khắc ổn định cuộc sống. Được hỏi về việc muốn gắn bó với nghề môi giới không, người đàn ông 40 tuổi cười nói: “Vẫn phải làm chứ, dù khó tôi vẫn trụ, vì cái nghề này tôi làm bao năm rồi, cũng có lúc nó khó, có lúc nó dễ. Tôi tin rằng thị trường sẽ không ảm đạm mãi, đến một thời gian nó sẽ ổn định trở lại”.

Cùng làm song song nhiều việc như anh Khắc là anh Triệu Quang Minh (32 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội), bén duyên với nghề môi giới bất động sản từ năm 2015, hiện tại sau 8 năm gắn bó, đây là thời điểm anh Minh cảm thấy khó khăn nhất.

Chia sẻ với phóng viên, năm 2019, sau khi tích góp được một số tiền từ việc môi giới, chàng trai quyết định mua một chiếc xe ô tô vừa tầm, để phục vụ cho công việc đi lại gặp khách hàng.

Đến nay chiếc xe ấy vừa dùng để gặp khách hàng, vừa là phương tiện để anh Minh chạy taxi kiếm thêm thu nhập. Bởi vì, sau cơn sốt đất, thị trường trường đất đai dường như trầm lắng hẳn, kiến công việc của anh gián đoạn rất nhiều, thu nhập 10 phần thì giảm đi 9.

“Có thể nói, hiện tại tài xế là công việc chính của tôi, vì gần như thời gian trong ngày là tôi làm việc này rồi. Đợt này mua bán chậm quá, 1 tuần tôi chỉ được vài ba khác hỏi mua để tư vấn thôi, nên thu nhập cũng hạn chế lắm”, anh Minh cầm cốc trà đá lên và nói.

môi giới bất động sản
Môi giới nhà đất không còn sôi nổi như trước. Ảnh minh hoạ

Người đàn ông 32 tuổi còn cho biết thêm, nhóm anh làm việc có 15 người, hiện chỉ còn 9 người bám lại với nghề, 6 người kia bỏ hẳn và làm công việc mới. Trong 9 người trụ lại, thì cả 9 đều là song song các nghề khác nữa.

Không chỉ anh khắc, anh Minh và những người đồng nghiệp của mình, hiện nay, việc các môi giới bất động sản làm cùng lúc nhiều công việc không hiếm. Bên cạnh có tỷ lệ môi giới bỏ việc cũng rất cao, chiếm khoảng 60-70%.

Cần thay đổi để duy trì

Sự khó khăn của thị trường bất động sản được chứng minh rõ nhất trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Sự khó khăn các công ty cho rằng nó đế từ các vấn đề về nguồn vốn, lãi suất tăng cao... đang gây áp lực lớn cho người mua nhà và nhà đầu tư. Điều này làm cho nhu cầu giao dịch bất động sản giảm mạnh kéo theo doanh thu và lợi nhuận suy giảm nhiều so với cùng kỳ.

Đặc biệt, doanh nghiệp kinh doanh môi giới chứng kiến làn sóng sa thải nhân viên nhiều nhất từ trước tới giờ với hàng nghìn nhân sự, trong đó nhiều nhất thuộc bộ phận kinh doanh. Các doanh nghiệp môi giới hoặc chủ đầu tư có bố trí bộ phận môi giới bán hàng có tỷ trọng sa thải 50% nhân sự trở lên dưới nhiều hình thức như dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3-6 tháng, cho thôi việc, giữ chế độ cộng tác viên...

Do đó, để có thể gắn bó với nghề, bản thân các môi giới cần thay đổi theo nhu cầu của thị trường, nâng cấp bản thân. Đánh giá về triển vọng nghề môi với, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho rằng triển vọng nghề này vẫn còn rất lớn.

Tuy nhiên, đây cũng là một ngành nghề rất khó, nhiều thách thức do tính cạnh tranh cao. Điều này buộc các môi giới bất động sản phải luôn học hỏi, không ngừng nâng cao nghiệp vụ và giữ được đạo đức nghề nghiệp, uy tín với khách hàng.

​​Môi giới bất động sản “chật vật” đủ nghề để kiếm sống
Ths. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS)

Trong khi đó, Luật kinh doanh bất động sản mới sẽ siết chặt hơn việc quản lý với hoạt động môi giới. Cụ thể, dự thảo quy định chặt chẽ hơn không cho môi giới hoạt động tự do mà phải dưới sự giám sát của sàn giao dịch. Luật hướng đến làm sao quản lý được. Trước đây cơ quan nhà nước quản lý lỏng lẻo, môi giới cấp chứng chỉ xong nhưng người được cấp đi đâu làm gì không báo cáo ai, không ai giám sát.

Cho nên, hiện nay vai trò môi giới nâng lên tầm cao hơn chứ không chỉ tư vấn bán hàng, muốn làm được phải đào tạo. Nghề môi giới cũng giống như luật sư phải có học hành, thi cử”, ông Đính thông tin thêm.

Theo đó, Chủ tịch VARS cho rằng, về lâu dài, để hiện đại hóa việc cấp chứng chỉ môi giới, cần xây dựng phương án Bộ Xây dựng sẽ cấp chứng chỉ hành nghề, tổ chức xã hội nghề nghiệp đứng ra quản lý ngành nghề, quy định khóa học đào tạo bồi dưỡng, cập nhật kiến thức định kỳ cho người môi giới.

Về hình thức đào tạo và cấp chứng chỉ, cần bổ sung thêm quy định đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản online, học dưới hình thức e-learning, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch, quản lý dịch vụ thông tin, dữ liệu bất động sản. Qua đó, nâng cao chất lượng hoạt động, sự chuyên nghiệp, đồng thời quản lý được hoạt động của môi giới bất động sản hiệu quả hơn.

Có thể bạn quan tâm