Cụ thể, SSI hạ khuyến nghị cho cổ phiếu BID từ “khả quan” xuống “phù hợp thị trường” với mức giá mục tiêu 1 năm là 53.300 đồng/ cp. Trong khi đó, VCSC còn đưa ra mức định giá mục tiêu thấp hơn rất nhiều, chỉ là 33.000 đồng/cp.
Theo đó, cơ sở để các CTCK này quyết định như trên là bởi lo ngại khối nợ xấu "khổng lồ" của BIDV có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.
Trong quý IV/2019, BIDV đã hoàn tất thủ tục phát hành 603,3 triệu cổ phiếu mới (tương đương 15% vốn của ngân hàng sau khi tăng vốn) cho nhà đầu tư chiến lược là Ngân hàng KEB Hana.
Thương vụ này đóng góp 20.200 tỷ đồng vào vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Việc tăng vốn đã gia tăng nguồn vốn dự trữ và sức khỏe tài chính của BIDV, giúp tỉ lệ CAR Basel I và vốn cấp 1 của ngân hàng mẹ tăng lần lượt lên 13% và trên 8%.
Đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản BIDV đạt 1.458.740 tỷ đồng, tăng trưởng 13,7% so với năm 2018, tiếp tục là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam. Năm 2020, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 12.500 tỷ đồng; tỉ lệ nợ xấu dưới 1,6%; tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến ở mức 7%.
Trong năm 2019, ngân hàng này ghi nhận 5.780 tỷ đồng thu nhập từ nợ xấu đã xóa, mức cao nhất trong ngành, trong khi chỉ số này đều giảm ở hầu hết các ngân hàng khác. Cũng trong năm qua, BIDV đã trích lập 20.000 tỷ đồng chi phí dự phòng nợ xấu, tương đương 41,5% trong tổng thu nhập hoạt động.
Sự bùng phát của dịch Covid-19 chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến BIDV khi làm tăng rủi ro phát sinh nợ xấu mới, cũng như chi phí dự phòng cho trái phiếu VAMC cao hơn. Không chỉ có vậy, mặc dù tỷ lệ CIR của ngân hàng này đã giảm trong 4 năm qua, nhưng Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng CIR sẽ tăng mạnh trong 2 năm tới do việc tập trung nâng cấp hệ thống ngân hàng cốt lõi của họ.
Một thách thức khác của BIDV trong năm 2020 đến từ việc Thông tư 22 chính thức có hiệu lực. Theo đó, quy định giới hạn tỉ lệ dư nợ tín dụng trên huy động (LDR) là 85% với tất cả các ngân hàng thương mại thay vì phân biệt mức 80% với các ngân hàng thương mại cổ phần và 90% với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước như trước. Do đó, các ngân hàng quốc doanh như BIDV đang có tỉ lệ LDR trên 85% buộc phải dịch chuyển vốn sang kinh doanh trên liên ngân hàng nhiều hơn để đáp ứng quy định mới.
Ngoài ra, định hướng của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay đi kèm với các quy định quản lý chặt chẽ hơn có thể ảnh hưởng tiêu cực và càng làm thu hẹp NIM của BIDV. Bên cạnh đó, ngành xây dựng và bất động sản rơi vào chu kỳ tăng trưởng thấp hoặc suy thoái là vấn đề nan giải của ngành ngân hàng nói chung và BIDV nói riêng.