Một doanh nghiệp bị đề nghị xử lý hình sự vì chây ì, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin, đã có một doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh cơ quan bảo hiểm đã chuyển hồ sơ sang công an đề nghị truy tố.
Một doanh nghiệp bị đề nghị xử lý hình sự vì chây ì, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Chiều 27/3, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế tháng 3/2018. Ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì cuộc họp.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin về tình hình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tháng 3/2018.

Theo đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 13,68 triệu người; Bảo hiểm xã hội tự nguyện là 240 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp là 11,8 triệu người; bảo hiểm y tế là 80,81 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86,1% dân số.

Số thu bảo hiểm xã hội trong tháng 3, toàn Ngành thu 30.779 tỷ đồng; lũy kế 3 tháng đầu năm 2018, toàn Ngành thu 68.718 tỷ đồng, trong đó: thu Bảo hiểm xã hội là 48.209 tỷ đồng; thu Bảo hiểm thất nghiệp là 3.245 tỷ đồng; thu Bảo hiểm y tế là 17.264 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi của báo chí về tình hình doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cũng như đã Bảo hiểm xã hội đã chuyển bao nhiêu hồ sơ doanh nghiệp trốn, nợ Bảo hiểm xã hội sang cơ quan công an.

Về việc này, ông Mai Đức Thắng, Phó Trưởng ban thu Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: “Đầu năm 2018 Bảo hiểm xã hội Việt Nam rất quyết liệt trong việc thu bảo hiểm xã hội. Tính hết quý 1 Bảo hiểm xã hội đã thu Bảo hiểm xã hội khoảng 20% kế hoạch được giao. Trong đó, vấn đề nợ đọng vẫn gia tăng, tỷ lệ vẫn giữ nguyên như cuối năm 2017. Tổng số nợ là 12.960 tỷ đồng”.

Ông Mai Đức Thắng cũng nhấn mạnh: “Ngành bảo hiểm xã hội đã triển khai công tác thanh tra và xử phạt rất nghiêm nên đã giảm nợ đọng.

Khi có quyết định thanh tra các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội có thể trả nợ ngay hoặc doanh nghiệp khắc phục và xin khất”.

Về việc xử lý hình sự doanh nghiệp trốn, chây ì đóng bảo hiểm xã hội, ông Mai Đức Thắng thông tin: “Năm 2018 Bộ Luật hình sự có quy định tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sẽ bị khởi tố. Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa triển khai nội dung này bởi không phải doanh nghiệp nào nợ là đưa ra khởi tố ngay.

Chủ yếu Bảo hiểm xã hội tiến hành công tác thanh tra, đôn đốc, nếu doanh nghiệp nào cố tình chây ì mới chuyển sang công an.

Như tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chuyển 1 đơn vị sang cơ quan công an để yêu cầu khởi tố”.

Cũng theo ông Mai Đức Thắng, vừa qua có tình trạng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nợ bảo hiểm xã hội đã trốn về nước trường hợp chủ doanh nghiệp ở Đồng Nai đã bỏ trốn về nước.

Hiện số doanh nghiệp FDI bỏ trốn, mất tích có khoảng trên 100 doanh nghiệp. Điều này gây khó khăn cho người lao động ở các doanh nghiệp này.

Đáng nói, đầu tư của cá doanh nghiệp FDI bỏ trốn thường có giá trị để lại không lớn, có thanh lý cũng chưa trả đủ các vốn vay ngân hàng. Bởi vậy, khoản nợ Bảo hiểm xã hội rất khó thu hồi được.

Hơn nữa, có đơn vị ưu tiên xử lý tài sản thì bảo hiểm xã hội không được ưu tiên.

Trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm xã hội để doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn đó là thường xuyên theo dõi, thanh tra và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý để quản lý các đơn vị này.

Có thể bạn quan tâm