Dự án Lavida Plus tọa lạc tại ngã tư đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP.HCM. Theo quy hoạch, dự án được xây dựng trên khu đất có khuôn viên 22.000 m2, gồm khu phức hợp 2 block A, B với khoảng 1.200 sản phẩm, cao 33 tầng, bao gồm các loại hình sản phẩm như officetel, căn hộ, penthouse, shophouse..., cùng Block C gồm 6 tầng thương mại, tầng 7 là hồ bơi chân mây rộng 2.000 m2 và khuôn viên cây xanh.
Tháng 4/2017, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận có quyết định số 610/QĐ-HĐTV phê duyệt dự án đầu tư Cao ốc căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ Tân Thuận - Khu 4 thuộc Dự án Khu dân cư ven sông.
Đến tháng 11/2017, UBND TP HCM có quyết định số 6171/QĐ-UBND chấp thuận chuyển nhượng một phần khu 4 thuộc dự án từ Công ty Tân Thuận sang Quốc Cường Gia Lai.
Vào tháng 12/2017, Sở Xây dựng TP HCM có văn bản số 20092/SXD-PTN&TTBĐS về việc cho phép bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với 725 căn hộ khối A của Quốc Cường Gia Lai.
Tuy nhiên, ngày 12/6/2019, Sở Xây dựng TP.HCM lại có quyết định hủy bỏ văn bảntrên, nguyên nhân được sở này đưa ra là do dự án thay đổi quy hoạch.
Được biết,nguyên nhân dẫn đến việc này là trước khi chuyển nhượng dự án cho Quốc Cường Gia Lai, Công ty Tân Thuận đã có văn bản gửi Ban Quản lý khu Nam để đề nghị hoán đổi vị trí 2 block A và B.
Theo đó, Quốc Cường Gia Lai sẽ đầu tư xây dựng Khối B thay vì Khối A tại vị trí cũ. Do điều chỉnh quy hoạch Khối A nên nội dung dự án đã thay đổi, pháp lý dự án phải điều chỉnh bổ sung, điều kiện huy động vốn không còn đảm bảo.
Do đó, Quốc Cường Gia Lai phải ngưng việc huy động vốn block A. Sau khi hoàn tất điều chỉnh bổ sung các thủ tục đầu tư xây dựng và có văn bản xác nhận lại của Sở Xây dựng, công ty mới được tiếp tục thực hiện huy động vốn theo quy định.
Lên tiếng về dự án Lavida Plus, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai cho biết, việc hoán đổi giữa Block A và B ở đây thực chất là hoán đổi công năng, chứ không phải vị trí xây dựng. Tức là công ty hiện vẫn đang xây dựng tại vị trí cũ (Block A), nay xin đổi thành công năng của Block B để có thêm phần căn hộ lưu trú.
Việc Sở Xây dựng hủy bỏ văn bản cho phép công ty bán nhà ở hình thành trong tương lai với Khối A là không sai. Tuy nhiên, điều mâu thuẫn mà Sở Xây dựng đưa ra là yêu cầu Công ty liên hệ Sở Xây dựng, cụ thể là Phòng Phát triển đô thị để được hướng dẫn thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư. Trong khi đó, thời điểm Quốc Cường Gia Lai xin điều chỉnh Giấy phép xây dựng, thì Sở Xây dựng đồng ý cho Ban Quản lý khu Nam điều chỉnh vì không đề cập đến việc thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư.
Bà Như Loan cho biết thêm, hiện dự án vẫn đang được tiến hành để bàn giao khách hàng khoảng tháng 9/2019 (bàn giao thô), còn khách hàng mua hoàn thiện sẽ nhận sau 1 quý nữa. Sở Xây dựng không cho thu tiền của khách hàng nữa thì chủ đầu tư sẽ tự bỏ tiền ra để làm, khi nào hoàn thành xong thủ tục pháp lý thì mới tiến hành thu.
Như vậy, Quốc Cường Gia Lai tiếp tục gặp trắc trở về vấn đề pháp lý của các dự án bất động sản đang triển khai. Quốc Cường Gia Lai đang có tới 12 dự án bị tồn đọng với tổng quỹ đất ước tính khoảng 150 ha, chủ yếu là các dự án như Phước Kiển, De Capella,...
>> Nợ nần chồng chất, Quốc Cường Gia Lai vẫn có tiền góp vốn vào công ty của ông Nguyễn Quốc Cường?