Theo đơn khởi kiện của ông T.Đ.P, năm 2016, ông sản xuất phần mềm trò chơi điện tử và đưa lên Google để mọi người chơi miễn phí. Sau khi phần mềm trò chơi của ông được đưa lên mạng, Google sẽ tự cài đặt các quảng cáo trên trò chơi và Google là bên thực hiện quảng cáo trên các phần mềm trò chơi điện tử do ông sản xuất và xuất khẩu.
Từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/1/2017, Google thanh toán cho ông P. qua ngân hàng số tiền hơn 41,4 tỷ đồng được tính trên số lượng người truy cập ở nước ngoài khi sử dụng trò chơi điện tử của ông.
Sau đó, ngày 16/5/2018, Cục Thuế TP.HCM đã lập biên bản làm việc yêu cầu ông P. kê khai thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu từ Google. Ngày 29/6/2018, ông đã liên hệ với Chi Cục Thuế Q.Tân Bình để nộp 13 tờ khai thuế đối với cá nhân kinh doanh phát sinh doanh số và ông đã nộp đủ số tiền hơn 2,9 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân vào ngân sách nhà nước.
Đến ngày 3/7/2018, Cục Thuế TP.HCM lại lập biên bản vi phạm hành chính và sau đó, ban hành Quyết định số 4248/QĐ-CT ngày 18/7/2018 về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với ông P. do hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Rồi đến ngày 15/11/2018, Chi Cục Thuế Q.Tân Bình lại ban hành Quyết định số 412838/QĐ CCNH-QLN về việc cưỡng chế quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, ông P. cho rằng các quyết định nêu trên của Cục Thuế TP.HCM và Chi Cục Thuế Q.Tân Bình đều không hợp lý. Trong đó, Quyết định số 4282/QĐ-CT xác định nghề nghiệp/lĩnh vực hoạt động của ông P. là quảng cáo trên các phần mềm Google là không đúng dẫn đến việc áp mức thuế giá trị gia tăng 5% là quá cao, không đúng quy định của pháp luật.
Bởi theo lý giải của ông P., ông không phải là người cung cấp dịch vụ quảng cáo và không tự kinh doanh quảng cáo trên phần mềm của Google, hơn nữa Google không phải là sàn giao dịch thương mại điện tử.
Đồng thời, ông chỉ là người sản xuất phần mềm xuất khẩu, các quảng cáo Google hiện thị trên phần mềm của ông được thực hiện ở nước ngoài, cho các đối tượng người dùng ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Do vậy, hoạt động này được tính thuế xuất thuế giá trị gia tăng là 0% đối với hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu (có hợp đồng cung cấp hàng hoá dịch vụ, tiền thanh toán qua ngân hàng). Như vậy, ông chỉ đóng thuế thu nhập cá nhân 2% trên doanh thu và thuế giá trị gia tăng là 0%.
“Hơn nữa, Quyết định 4282/QĐ-CT ngày 18/7/2018 ban hành dựa trên biên bản vi phạm hành chính về thuế ngày 3/7/2018, nhưng biên bản này vi phạm về hình thức, không có giá trị khi nội dung biên bản không xác định cụ thể hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt theo điều khoản nào của Nghị định nào.
Không những thế, Quyết định 4282/QĐ-CT ngày 18/7/2018 lại ban hành sau 15 ngày kể từ ngày lập biên bản, vi phạm Khoản 1 Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012 của Quốc hội”, ông P. trình bày trong đơn khiếu kiện.
Bên cạnh đó, theo ông P. việc Cục Thuế TP.HCM áp dụng mức phạt 20% (hơn 580 triệu đồng) tính trên số tiền thuế khai thiếu là không có căn cứ vì ông đã nộp đầy đủ tờ khai thuế đối với cá nhân kinh doanh và nộp đủ số tiền thuế giá trị gia tăng cùng thuê thu nhập cá nhân hơn 2,9 tỷ đồng trước ngày cơ quan thuế lập biên bản vi phạm hành chính về thuế.
Được biết, Toà án Nhân dân TP.HCM đã thụ lý vụ án và tại phiên sơ thẩm ngày 19/4/2021, Toà án Nhân dân TP.HCM đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông T.Đ.P về việc huỷ Quyết định số 4228/QĐ-CT ngày 18/7/2018 của Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM và Quyết định số 412838/QĐ-CCNH-QLN ngày 15/11/2018 của Chi Cục trưởng Chi Cục Thuế Q.Tân Bình.
Tuy nhiên, phía ông T.Đ.P đã thực hiện kháng cáo bản án ngày 19/4/2021 của Toà án Nhân dân TP.HCM.