Mua hàng trên thương mại điện tử: Người tiêu dùng đang vô tình tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái

Người tiêu dùng khi tham gia vào thị trường thương mại điện tử đang tự động bỏ qua quyền lợi của bản thân chỉ vì một vài thói quen khi mua sắm. Từ đó, tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái tồn tại...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
422ae1cf-4a69-4759-986b-c3ae4b9ea9c5-9529.jpeg
Người tiêu dùng rất dễ gặp rủi ro khi tham gia mua sắm trên môi trường thương mại điện tử

Cùng với sự "lên ngôi" của công nghệ, hiện nay, mọi người có thể mua sắm online ở bất cứ nơi đâu. Song song với đó, người tiêu dùng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, cụ thể là vấn nạn hàng giả, hàng nhái.

Nhận diện được thực trạng này, Thương Gia đã có cuộc trò chuyện với luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLaw xoay quanh vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử.

Chào ông, là một luật sư nắm rõ các quy định luật pháp về kinh tế nói chung và luật pháp về bảo vệ người tiêu dùng nói riêng, ông đã từng mua phải hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử chưa? Nếu đã từng, ông có cảm giác ra sao khi mua phải những mặt hàng đó?

Với sự phát triển của thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam hiện nay, đa phần người dân đều sử dụng các sàn thương mại điện tử để mua sắm và tôi cũng là một trong số đó. Khi biết mình mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo, ai cũng sẽ có tâm lý tiêu cực. Họ sẽ cảm thấy tức giận và thất vọng khi nhận ra mình đã tiêu tốn nhiều chi phí mà mua phải hàng giả, hàng nhái.

8308b81e-7673-4dbe-8dd5-4075bb3acb73-941.jpeg
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLaw

Ngoài ra, hàng giả, hàng nhái sẽ không đáp ứng được nhu cầu và mong đợi của người tiêu dùng. Bởi sản phẩm này dễ bị hỏng nhanh chóng, không mang lại lợi ích như họ mong đợi, thậm chí nhiều sản phẩm còn gây hại đến sức khỏe của người dùng. Điều này làm giảm chất lượng cuộc sống và gây ra sự bất mãn, không hài lòng đối với người tiêu dùng.

Theo ông, vì sao người tiêu dùng liên tục mua phải hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử? Dưới góc nhìn của một Luật sư, ông đánh giá thế nào về ý thức tự bảo vệ mình của người tiêu dùng?

Các đối tượng hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, hoạt động có tổ chức nên rất khó phát hiện. Phần lớn các đối tượng đều tiến hành quảng bá trực tuyến và khuyến mại rầm rộ, đồng thời nhập lậu hoặc đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ qua cửa khẩu, biên giới, cảng biển, sân bay… bán tràn lan trên thị trường với quy mô ngày một lớn.

Bên cạnh đó, chiêu trò “treo đầu dê, bán thịt chó” cũng hết sức phổ biến. Các đối tượng khi đưa thông tin lên mạng là hình ảnh và thông tin của hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng nhái mà khách hàng khó phát hiện. Những hành vi này xuất hiện với tần suất ngày một nhiều khiến người tiêu dùng liên tục mua phải hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.

Về phía khách hàng, phần lớn người tiêu dùng chưa quan tâm đến những điều tối thiểu khi mua hàng như không lấy hoá đơn, chứng từ, không kiểm tra, xem xét hàng hoá trước khi nhận hàng nên khi sự cố xảy ra không có cơ sở để giải quyết.

Khi mua phải một sản phẩm là hàng giả, hàng nhái, do ngại chi phí, thời gian đi lại cũng như thủ tục pháp lý nên đa số người tiêu dùng ít quan tâm đến việc khiếu kiện. Từ thói quen này của người tiêu dùng, vô hình trung người tiêu dùng đã tự “bỏ qua” quyền lợi mà mình được hưởng.

84e72b45-63b4-4e48-acfd-f57aa64e5833-5555.jpeg

Khi xảy ra tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trong thương mại điện tử, đặc biệt là những tranh chấp xuyên biên giới, người tiêu dùng nên làm gì?

Tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới luôn rất phức tạp với những đặc thù riêng biệt như tính chất xuyên biên giới, sự khác biệt về địa lý, ngôn ngữ và hệ thống pháp luật áp dụng tại cư trú của người tiêu dùng… gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc giải quyết tranh chấp. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam hiện nay không có cơ chế riêng biệt quy định về vấn đề giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới.

Tuy nhiên, Luật này có quy định về Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công thương, đặc biệt Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc hỗ trợ người tiêu dùng.

Do vậy, khi có tranh chấp xuyên biên giới, người tiêu dùng nên gửi văn bản thông báo hay khiếu nại tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng để được tư vấn và hỗ trợ về mặt thủ tục pháp lý, cung cấp đầy đủ thông tin, chứng cứ về vụ tranh chấp để Cục có thể đưa ra phương án giải quyết thích hợp và an toàn nhất cho người tiêu dùng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sửa đổi rất nhiều nội dung quan trọng. Dưới góc nhìn của ông, khi luật đi vào cuộc sống, cùng với những chế tài của Luật Công nghệ thông tin và những quy định pháp luật liên quan, liệu có ngăn chặn được tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử?

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) đã được sửa đổi với nhiều nội dung quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi và bảo vệ người tiêu dùng. Khi kết hợp với Luật Công nghệ thông tin và các quy định pháp luật liên quan, luật có thể phát huy được tiềm năng ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử.

Đầu tiên là trách nhiệm đối với các bên. Luật BVQLNTD sửa đổi quy định rõ ràng về trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử, cùng với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn. Luật nêu rõ sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm, đồng thời phải cung cấp thông tin của người bán cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.

Luật Công nghệ thông tin có quy định về quản lý và kiểm soát thông tin trên thương mại điện tử. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên môi trường trực tuyến phải tuân thủ các quy định về công khai thông tin, đảm bảo tính chính xác và minh bạch của thông tin sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Điều này giúp tăng cường trách nhiệm của sàn thương mại điện tử trong việc kiểm soát hàng hóa, dịch vụ được kinh doanh trên nền tảng của mình.

Thứ hai là về chế tài xử phạt. Luật BVQLNTD sửa đổi và Luật Công nghệ thông tin đều có những quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Mức phạt được tăng lên đáng kể, có tính răn đe cao hơn.

Ngoài phạt tiền, các cơ quan chức năng còn có thể áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, đình chỉ hoạt động kinh doanh, truy cứu trách nhiệm hình sự (trong trường hợp nghiêm trọng). Sự đa dạng trong hình thức xử phạt giúp tăng tính răn đe và hiệu quả xử lý vi phạm.

Luật BVQLNTD sửa đổi quy định rõ ràng trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử trong việc kiểm soát hàng hóa, dịch vụ được kinh doanh trên nền tảng của mình. Nếu sàn thương mại điện tử không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, cũng sẽ bị xử phạt theo quy định. Điều này giúp tăng cường tính giám sát và kiểm soát đối với hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Cuối cùng là quyền lợi của người tiêu dùng. Người bán hàng phải cung cấp đầy đủ, chính xác và trung thực các thông tin liên quan đến sản phẩm, dịch vụ như: nguồn gốc xuất xứ, thành phần, công dụng, hướng dẫn sử dụng, giá cả, điều kiện giao dịch, chính sách đổi trả... Việc minh bạch thông tin giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định mua sắm sáng suốt hơn.

Ông có lời khuyên gì với các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và đặc biệt là người tiêu dùng trong việc quét sạch hàng giả, hàng nhái ngoài xã hội nói chung và trên môi trường thương mại điện tử nói riêng?

Đối với cơ quan nhà nước, cần bổ sung quy định cụ thể, hoàn thiện hệ thống pháp luật về trách nhiệm của các bên liên quan trong việc chống hàng giả, hàng nhái, đồng thời nâng cao tính răn đe của pháp luật thông qua các biện pháp xử phạt nghiêm minh. Thực hiện thường xuyên thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, xử lý kịp thời các vi phạm. Phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm để giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra thông tin sản phẩm, phân biệt hàng thật, hàng giả.

Đối với người tiêu dùng, cần nâng cao ý thức tự bảo vệ, tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm trước khi mua, lựa chọn mua sắm tại các cửa hàng uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Chỉ mua hàng tại các trang web thương mại điện tử uy tín, có đầy đủ thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bán hàng. Lưu giữ hóa đơn, chứng từ mua hàng để có bằng chứng khi cần thiết. Liên hệ với cơ quan chức năng để khiếu nại, tố cáo nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái, tích cực tố cáo hành vi vi phạm.

Đối với tổ chức xã hội, cung cấp thông tin về quyền lợi, cách thức khiếu nại, tố cáo vi phạm, đồng thời hỗ trợ người tiêu dùng trong việc giải quyết tranh chấp với doanh nghiệp. Giám sát hoạt động thị trường, phát hiện và phản ánh các vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái đến cơ quan chức năng. Tổ chức các chương trình tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của hàng giả, hàng nhái và cách thức phòng chống hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm