Năm Bảy Bảy muốn vay thêm 900 tỷ đồng để đầu tư dự án De Lagi tại Bình Thuận

Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư De Lagi tại Bình Thuận là dự án du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp có quy mô khoảng 124,7 ha; tổng vốn đầu tư dự án khoảng 2.344 tỷ đồng (tại BCTC thường niên của Năm Bảy Bảy).
Năm Bảy Bảy muốn vay thêm 900 tỷ đồng để đầu tư dự án De Lagi tại Bình Thuận

CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã chứng khoán: NBB) vừa thông tin về việc hợp tác với Công ty mẹ là CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII, mã chứng khoán: CII).

Theo đó, Năm Bảy Bảy sẽ hợp tác đầu tư khai thác tòa nhà CII Tower với tổng hạn mức tối đa là 1.150 tỷ đồng. Việc hợp tác này đã được Đại hội đồng cổ đông Năm Bảy Bảy thông qua tại kỳ họp ngày 14/12/2021.

Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị Năm Bảy Bảy cũng thông qua nghị quyết vay vốn Vietcombank - chi nhánh Nam Bình Dương với hạn mức 900 tỷ đồng để đầu tư thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư De Lagi tại Bình Thuận.

Dự án CII Tower (hay còn gọi là Cao ốc văn phòng, căn hộ kết hợp thương mại và dịch vụ) tại số 152 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP HCM là dự án do CII làm chủ đầu tư, được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 5.745 m2 và tổng diện tích sàn xây dựng hơn 6 ha. 

Dự án gồm hai tòa tháp, trong đó tòa tháp căn hộ cao 23 tầng với 234 căn hộ và tòa tháp văn phòng cao 27 tầng, chung 2 tầng hầm, 4 tầng khối đế, theo hình thức BOT kết hợp BT. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.600 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2019 và dự kiến bàn giao năm 2022.

Tháng 7/2021, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng đã có văn bản chấp thuận cho tòa Cao ốc văn phòng được đi vào hoạt động.

Tại thời điểm ngày 30/9/2021, tồn kho tại dự án này là 333 tỷ đồng và chi phí xây dựng cơ bản dở dang là 791 tỷ đồng.

Về dự án De Lagi do Năm Bảy Bảy là chủ đầu tư, được định hướng trở thành quần thể du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp. Diện tích quy hoạch của dự án khoảng 124,7 ha; tổng vốn đầu tư dự án khoảng 2.344 tỷ đồng theo báo cáo thường niên 2020 của Năm Bảy Bảy. 

Dự án đã được UBND tỉnh Bình Thuận cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2009. Theo quy hoạch, toàn bộ dự án sẽ được đầu tư xây dựng, hoàn thành và chính thức hoạt động dự kiến vào tháng 12/2015 (theo giấy chứng nhận đầu tư). 

Tháng 4 năm ngoái, CII thông báo hỗ trợ số vốn giai đoạn 1 là 110 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 105 tỷ đồng để công ty con Xây dựng Hạ tầng CII (HoSE: CEE) thi công hạng mục san nền dự án trên. Đầu tháng 9, HĐQT CII đã thông qua hỗ trợ số vốn tối đa 190 tỷ đồng để CEE thi công hạng mục san nền - giao thông - thoát nước mưa và thoát nước thải giai đoạn 2. Đến cuối tháng 11/2021, Đầu tư Pearl City đã huy động 100 tỷ đồng từ một tổ chức đầu tư trong nước nhằm hợp tác với Năm Bảy Bảy để làm dự án.

Trong quý III/2021, Năm Bảy Bảy chuyển nhượng 30% quyền kinh doanh dự án này cho đối tác và thu về 250 tỷ đồng, nhờ đó báo lãi sau thuế 172 tỷ đồng, tăng 123% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự án có tổng quy mô 124,7 ha với tổng vốn đầu tư 2.344 tỷ đồng theo báo cáo thường niên 2020 của Năm Bảy Bảy. Tính đến cuối quý III/2021, tồn kho tại dự án là hơn 264 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý III/2021, tổng nợ tài chính của Năm Bảy Bảy là 1.142,5 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là gần 642,5 tỷ đồng, tăng 1,1 lần và nợ dài hạn là hơn 500 tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với hồi đầu năm, chủ yếu là khoản vay từ các ngân hàng thương mại.

Về phần CII, tại thời điểm cuối quý III/2021, Năm Bảy Bảy là công ty con do CII nắm 93,7%. Song từ đầu tháng 10/2021, trong bối cảnh giá cổ phiếu NBB của Năm Bảy Bảy tăng mạnh, CII đã liên tục bán cổ phiếu, giảm sở hữu tại đơn vị này. Tính đến ngày 20/12, tỷ lệ sở hữu tại Năm Bảy Bảy của CII là 68,41%. 

Hiện giá cổ phiếu NBB đang giao dịch trong khoảng 51.900 đồng/cp, cao gấp 1,5 lần so với giá trị hồi đầu tháng 10/2021.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…