Kết thúc phiên 14/6, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 57,94 điểm (-0,15%) xuống 38.589,16 điểm. S&P 500 mất 2,14 điểm (-0,04%) ở mức 5.431,6 điểm và Nasdaq Composite tăng 21,32 điểm (+0,12%) lên 17.688,88 điểm.
Trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500, công nghệ và dịch vụ truyền thông dẫn đầu mức tăng, tăng lần lượt 0,5% và 0,6%. Ngành công nghiệp giảm mạnh nhất, mất hơn 1%.
Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell tiếp tục giảm 1,6%, kéo dài thêm những khoản lỗ gần đây.
S&P 500 đã kết thúc chuỗi 4 ngày lập đỉnh cao kỷ lục nhưng vẫn tăng hơn 1% trong tuần. Chỉ số Dow Jones giảm 0,5% và Nasdaq tăng 3,2% trong tuần.
Ở các diễn biến riêng lẻ, cổ phiếu Adobe “phi mã” 14,5% một ngày sau khi công ty nâng dự báo doanh thu hàng năm do nhu cầu về phần mềm hỗ trợ trí tuệ nhân tạo ngày càng tăng.
Cổ phiếu Nvidia tăng 1,8%, có thời điểm ngắn vượt qua Apple để trở thành công ty có giá trị thứ hai thế giới.
Adam Sarhan, giám đốc điều hành của 50 Park Investments cho biết: “Chúng ta đã có một đợt phục hồi lớn trong tuần này, được dẫn dắt bởi các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn. Nhưng vẫn còn rất nhiều lĩnh vực khác hoạt động khá ảm đạm”.
Một báo cáo của BofA Global Research mới đây cho thấy các quỹ đầu tư cổ phiếu giá trị của Mỹ đã chứng kiến dòng tiền rút ròng 2,6 tỷ USD trong tuần tính đến thứ Tư. Ngược lại, các quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng của Mỹ lại nhận được dòng tiền 1,8 tỷ USD.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,12 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,10 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, các nhà đầu tư vẫn đang cố gắng đánh giá xem khi nào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất. Vào hôm 12/6, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã giảm dự đoán của họ từ 3 đợt cắt giảm trong năm nay xuống chỉ còn 1.
Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee cho biết ông cảm thấy nhẹ nhõm sau khi dữ liệu tuần này cho thấy lạm phát trong tháng 5 đã hạ nhiệt, nhưng ông vẫn muốn thấy dữ liệu tương tự trong nhiều tháng nữa để Fed có thể bắt đầu nới lỏng chính sách.
Trong một báo cáo hôm 14/6, dữ liệu sơ bộ về Chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan đã giảm xuống 65,6 trong tháng 6, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
GIÁ DẦU CHẤM DỨT CHUỖI GIẢM 3 TUẦN
Trên thị trường năng lượng, giá dầu hạ xuống mức thấp hơn vào 14/6 nhưng vẫn chấm dứt chuỗi giảm kéo dài ba tuần, nhờ hy vọng rằng nhu cầu nhiên liệu trong giai đoạn mùa hè sẽ tăng lên và làm giảm lượng tồn kho dầu thô trong những tuần tới.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 0,1% xuống 82,66 USD/thùng, giá dầu WTI giảm 0,2% xuống mức 78,45 USD/thùng.
Phần lớn mức tăng của dầu thô trong tuần này là do giá phục hồi từ mức thấp nhất trong 4 tháng, sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) nhắc lại cam kết duy trì sản lượng ở mức thấp để hỗ trợ giá.
Trong cuộc họp tháng 6, OPEC + đã đưa ra tín hiệu giảm quy mô cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng mỗi ngày vào cuối năm nay. Tin tức này đã được thị trường dầu thô đón nhận một cách tiêu cực.
Sau đó, các nhà đầu tư chuyển chú ý về dự báo nhu cầu dầu toàn cầu. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đã nâng ước tính nhu cầu dầu thế giới lên 104,5 triệu thùng/ngày trong năm tới, tăng so với dự báo trước đó là 104,3 triệu thùng/ngày.
Còn trong phần còn lại của năm 2024, OPEC vẫn duy trì triển vọng về nhu cầu mạnh mẽ toàn cầu trong khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế lại cắt giảm dự báo một cách trái ngược.