Kết thúc phiên 13/6, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 65,11 điểm (-0,17%) xuống 38.647,1 điểm, S&P 500 tăng 12,71 điểm (+0,23%) thành 5.433,74 điểm và Nasdaq Composite thêm 59,12 điểm (+0,34%) lên 17.667,56 điểm.
Trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500, công nghệ ghi nhận mức tăng lớn nhất, thêm 1,4%, trong khi ngành công nghiệp vốn nhạy cảm về kinh tế giảm mạnh nhất, mất 0,6%.
Chỉ số bán dẫn PHLX tăng 1,5% và đạt mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại. Chỉ số vốn hoá nhỏ Russell 2000 giảm 0,9%.
Ở các diễn biến riêng lẻ, cổ phiếu Tesla tăng 2,9% vào thời điểm các cổ đông của công ty đang chuẩn bị phê duyệt gói trả lương trị giá 56 tỷ USD cho CEO Elon Musk.
Broadcom “phi mã” 12,3% sau khi nhà sản xuất chip nâng dự báo doanh thu của chất bán dẫn sử dụng trong công nghệ trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, Broadcom cũng công bố việc chia cổ tức theo tỷ lệ 10:1.
Trong khi đó, cổ phiếu của Nvidia tăng 3,5% và Apple nhích nhẹ 0,5%.
Sau tiếng chuông đóng cửa, cổ phiếu của Adobe vọt tăng hơn 14% khi nhà sản xuất Photoshop đánh bại kỳ vọng của Phố Wall về doanh thu quý hai. Cổ phiếu kết thúc phiên giao dịch thông thường giảm 0,2%.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,14 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,49 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, dữ liệu về số người nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ vào tuần trước đã bất ngờ tăng lên. Ngoài ra, một báo cáo mới đây cho thấy giá sản xuất bất ngờ giảm trong tháng 5, một lần nữa làm dấy lên hy vọng rằng việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sắp xảy ra.
Trước đó là hôm 12/6, chỉ số CPI tháng 5 lần đầu tiên duy trì ở mức không đổi sau gần 2 năm. Một số nhà đầu tư đang tự hỏi liệu nền kinh tế Mỹ có đang chậm lại quá nhanh hay không.
Trong cùng ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã quyết định giữ nguyên lãi suất sau cuộc họp tháng 6 và dự kiến sẽ chỉ có một lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, trong khi triển vọng của họ vào tháng 3 có tới ba lần cắt giảm 0,25 điểm phần trăm.
GIÁ DẦU GIẢM TRƯỚC LO NGẠI THỪA CUNG
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã đi xuống trong phiên 13/6 do lo ngại về tình trạng cung vượt cầu vẫn tồn tại sau khi dữ liệu về dự trữ dầu thô của Mỹ cao vượt dự đoán.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 0,4% xuống 82,27 USD/thùng trong khi dầu WTI của Mỹ giảm 0,2% còn 78,62 USD/thùng.
Các nhà phân tích tại Citi đã đưa ra cảnh báo rằng giá dầu Brent có thể tụt xuống dưới 60 USD/thùng vào năm tới do áp lực dư thừa nguồn cung đáng kể trong bối cảnh sản lượng ở Bắc Mỹ, Brazil và Guyana và tăng mạnh.
Các dự báo này xuất hiện một ngày sau khi dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy tồn kho dầu của Mỹ bất ngờ tăng trong tuần đầu tiên của tháng 6, thêm 3,7 triệu thùng, so với kỳ vọng giảm 1,2 triệu thùng.
Ở một khía cạnh khác, việc cắt giảm lãi suất có thể kích thích hoạt động kinh tế Mỹ và thúc đẩy nhu cầu dầu thô ở nước tiêu dùng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên mới đây, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất liên bang ở mức 5,25% -5,50% và dự báo sẽ chỉ cắt giảm 0,25 điểm phần trăm 1 lần trong năm nay với lý do lạm phát còn dai dẳng.