Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin RIA Novosti, Giám đốc điều hành bộ phận xúc tiến thương mại quốc tế thuộc Trung tâm xuất khẩu của Nga (REC), ông Mikhail Mamonov cho biết: REC đang nghiên cứu khả năng khởi động một tuyến đường sắt liên vận quá cảnh qua Trung Quốc đến Việt Nam.
Vào tháng Chín vừa rồi, "RZD Logistics" – nhà điều hành vận chuyển đa phương thức lớn nhất trong khối SNG và các nước Baltic, đã kết hợp với REC và Freight Village RU mở một tuyến đường sắt "đi vòng" mới Vorsino-Thành Đô-Vorsino. Dịch vụ này đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển của ngành vận tải container xuất khẩu Vorsino-Đại Liên từ tháng 4/2017.
Ông Mamonov lưu ý rằng hiện giờ REC đang có hoạch định mở rộng về mặt địa lý và nghiên cứu các tuyến đường mới. Ông cho biết: "Nếu nhìn nhận từ quan điểm kinh tế, chúng tôi thậm chí sẽ có cả một tuyến đường sắt quá cảnh Trung Quốc tới Việt Nam. Theo đúng nghĩa đen của việc trực tiếp hội nhập Á-Âu và Con Đường Tơ Lụa, chúng tôi sẽ kết nối đường sắt Nga với các đối tác của chúng tôi tại các khu vực kinh tế tự do và Việt Nam, qua Trung Quốc" .
Ông bổ sung: "Nhưng điều đó chỉ xảy ra trong trường hợp mức thuế mà chúng tôi có thể đưa ra với phía Trung Quốc, sẽ hợp lý và có lợi cho các nhà xuất khẩu. Với các công cụ sẵn có, chúng tôi sẽ thảo luận với thị trường tùy theo mức độ họ quan tâm".
Trước đó vào năm 2016, ngay khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) có hiệu lực, Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam B. Zhumakhanov đã rất tích cực trong việc vận động để khơi thông tuyến đường sắt liên vận quốc tế Á-Âu nối Hà Nội (Việt Nam), qua Trung Quốc đến Kazakhstan và các nước vùng Viễn Đông Nga.
Mục đích của việc này là để thúc đẩy thông thương giữa Việt Nam và các quốc gia trong Hiệp định thương mại tự do Liên minh kinh tế Á Âu (Nga, Kazakhstan, Armenia, Belarus và Kirgizia). Được biết, nếu được khơi thông, lợi ích mà tuyến đường sắt liên vận mang lại sẽ rất lớn.
Theo Infonet