Ngân hàng nào chi nhiều tiền cho nhân viên nhất 9 tháng đầu năm 2023?

Ngân hàng báo lãi nhiều không có nghĩa là mức độ chịu chi cho các nhân viên cao...

nhân viên ngân hàng .jpeg
Ngân hàng nào chi nhiều tiền cho nhân viên nhất 9 tháng đầu năm 2023?

Tính đến nay, các ngân hàng đều đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 và 9 tháng đầu năm 2023, trong đó tiết lộ thông tin được nhiều người quan tâm, đó là lương/thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên trong ngành này.

NGÂN HÀNG NÀO CHỊU CHI TIỀN CHO NHÂN VIÊN NHIỀU NHẤT?

Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của 28 ngân hàng trong nước cho thấy, chi phí cho nhân viên các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 34,8 triệu đồng/tháng, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Chi phí này gồm cả chi lương, phụ cấp, chi khác cho nhân viên.

Đáng chú ý, đơn vị dẫn đầu lợi nhuận không đồng nghĩa sẽ trả lương cao nhất. Bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng hiện dẫn đầu là Vietcombank, thế nhưng nhân viên làm việc tại Techcombank mới là quán quân trong Top có thu nhập cao nhất ngành ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2023.

Dẫn đầu, mức chi phí bình quân mà Techcombank chi cho mỗi nhân viên là gần 45,2 triệu đồng/tháng, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Như vậy, Techombank đã thay thế MB Bank, giành lại vị trí ngân hàng chi nhiều tiền nhất cho nhân viên. Đáng chú ý, mức chi phí này tăng mạnh trong bối cảnh ngân hàng này đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 30 năm thành lập.

Trái lại, MB Bank từng là ngân hàng mạnh tay chi tiền nhất cho nhân viên trong 9 tháng đầu năm 2022 với 46 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sang đến năm tài chính 2023, sau 3 quý kinh doanh, trung bình mỗi nhân viên của MB Bank chỉ nhận được 42,1 triệu đồng/tháng, giảm 8,5% so với cùng kỳ.

Vietcombank dẫn đầu nhóm Big4 về độ chịu chi, nằm ở vị trí thứ 3 trong danh sách với mức tăng trưởng bình quân 8% so với cùng kỳ, đạt 41,1 triệu đồng/người/tháng.

Cùng kỳ năm ngoái, nhân viên BIDV có mức chi phí là 34,6 triệu đồng, nhưng trong 9 tháng đầu năm nay, chi phí cho nhân viên BIDV tăng mạnh 12,5%, đạt 39 triệu đồng/tháng và đứng vị trí thứ 4.

Xếp ở vị trí thứ 5 về mức chịu chi cho nhân viên trong 9 tháng đầu năm là ngân hàng ACB, với chi phí bình quân cho nhân viên đạt 37,9 triệu đồng/tháng, giảm 1,5% so với cùng kỳ.

VietinBank xếp sau ACB và nằm ở vị trí thứ 6 khi chi phí trung bình cho mỗi nhân viên là 37,8 triệu đồng/tháng, tăng 6,9% so với cùng kỳ. Kế tiếp là ngân hàng TPBank với mức chi là 37,7 triệu đồng/người/tháng, tương ứng tăng cao 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hai ngân hàng SHB và VIB đứng ở vị trí thứ 8 và 9 với mức chi lần lượt là 35,7 và 31,9 triệu đồng/người/tháng. So với cùng kỳ, mức chi tại ngân hàng SHB tăng mạnh 34,1%, cao nhất trong 28 ngân hàng được khảo sát; trái lại VIB giảm 2,1%.

Vị trí thứ cuối cùng trong Top 10 ngân hàng có chi phí bình quân cho nhân viên cao nhất 9 tháng đầu năm 2023 là Sacombank với mức 31,3 triệu đồng/tháng, giảm 5,3%.

Ảnh chụp Màn hình 2023-11-22 lúc 23.11.30.png

Trong khi đó, nhân viên của nhiều ngân hàng cũng phải chứng kiến chi phí giảm trong 9 tháng đầu năm nay, với phần lớn là các ngân hàng tư nhân có quy mô vừa và nhỏ.

Đơn cử, thu nhập của nhân viên Eximbank giảm mạnh nhất toàn ngành (-14,1%), xuống còn 22,6 triệu đồng/tháng; BV Bank giảm 9% xuống còn 23,7 triệu đồng/người/tháng. Tương tự, nhân viên ngân hàng MSB và SeABank cũng bị cắt giảm chi tiêu, lần lượt còn 29,4 và 27,4 triệu đồng/tháng. Diễn biến này cũng xảy ra tại các ngân hàng: HD Bank, Bac A Bank, VietBank.

Ngược lại, nhân viên của một số ngân hàng khác lại vui mừng khi được tăng lương. Tại ngân hàng NCB, thu nhập bình quân nhân viên 9 tháng đầu năm đạt 26,4 triệu đồng/tháng. So với cùng kỳ, thu nhập của mỗi nhân viên NCB đã tăng thêm 5,2 triệu đồng/tháng.

Một ngân hàng khác là Nam A Bank, trung bình mỗi nhân viên trong một tháng sẽ nhận được 28,9 triệu đồng/tháng, tăng thêm 4,5 triệu đồng so với thời điểm 9 tháng đầu năm 2022.

Thu nhập bình quân của nhân viên ABBank trong 9 tháng đầu năm nay là 21,8 triệu đồng/tháng, tức tăng thêm 3,3 triệu đồng. Ngoài ra, có rất nhiều ngân hàng gia tăng thêm khoản chi lương và phụ cấp cho nhân viên, điển hình như: VP Bank, OCB, LPBank, VietABank, PG Bank, Saigonbank, BaoVietBank.

Một điểm cần lưu ý là con số thu nhập bình quân và thực tế có sự khác nhau, bởi mức độ hoàn thành chỉ tiêu, đặc thù giữa các bộ phận trong ngân hàng, thậm chí ngay giữa các nghiệp vụ hoạt động.

Những con số trên là thống kê mức thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp, còn tùy thuộc mỗi một vị trí tại ngân hàng sẽ có chế độ lương, thưởng khác nhau và thường có sự chênh lệch lớn do ngân hàng trả lương dựa trên thâm niên, mức độ hoàn thành chỉ tiêu, đặc thù giữa các bộ phận trong ngân hàng, thậm chí ngay giữa các nghiệp vụ hoạt động và hiệu quả hoạt động chung của từng chi nhánh.

NGÂN HÀNG NÀO CÓ NHIỀU NHÂN VIÊN NHẤT?

Cũng theo báo cáo tài chính quý 2/2023 từ 28 ngân hàng trong nước, tính đến hết tháng 9/2023, số nhân viên của các ngân hàng đạt gần 270.000 người, giảm 2% so với cuối năm 2022, tương ứng giảm 5.442 nhân sự.

Trong đó, ngân hàng BIDV đã vượt VPBank trở thành ngân hàng có nhiều nhân viên nhất với 28.836 nhân sự. So với thời điểm cuối năm ngoái, số lượng nhân viên tại BIDV đã tăng thêm 401 người.

Theo sau là một ngân hàng Big 4 khác – VietinBank với số lượng nhân sự giảm 1,9% so với cuối năm 2022, về còn 24.641 người. Diễn biến này lại trái ngược với ngân hàng Vietcombank khi số lượng nhân viên đã tăng thêm 911 lao động, lên đến 23.510 nhân viên, xếp vị trí thứ 4.

Ngân hàng VPBank đứng ở vị trí thứ 3 với 24.633 nhân viên, sau khi cắt giảm tới 4.478 người. Nhân sự bị cắt giảm chủ yếu tập trung tại các công ty con, bao gồm công ty tài chính tiêu dùng FE Credit (mảng kinh doanh này đang trong quá trình tái cơ cấu), trong khi số nhân viên của ngân hàng mẹ lại tăng nhẹ.

Kế đến là ngân hàng Sacombank với 18.494 nhân sự, tăng nhẹ so với thời điểm cuối năm trước. Vị trí thứ 6 và 7 thuộc về ngân hàng HDBank và MB Bank khi đều sở hữu hơn 16.000 nhân sự.

Theo sau là ngân hàng ACB với 13.404 nhân viên, tăng 2,8% so với cuối năm ngoái. VIB dẫn đầu về tỷ lệ tăng, khi sau 9 tháng, quy mô nhân sự đã tăng thêm 15,8%, tương đương với 1.613 người, lên đến 11.835 lao động và xếp vị trí thứ 9 trong danh sách. Vị trí chót bảng là ngân hàng Techcombank với 11.724 người, giảm đến 5%.

Trong 9 tháng đầu năm nay, nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh tuyển dụng gồm OCB (tăng 7,8%); Eximbank (tăng 9,3%); Nam A Bank (tăng 14,4%); Kienlongbank (tăng 1,9%); Bac A Bank (tăng 12,1%); VietABank (tăng 3,9%); BaoVietBank (tăng 8,6%); Saigonbank (tăng 4,1%)…

Ở chiều ngược lại, SHB, VPBank và LPBank là những ngân hàng có tỷ lệ sụt giảm nhân sự nhiều nhất. Tại SHB, trong quý 2/2023, ngân hàng này đã thoái vốn khỏi công ty thành viên là SHB Finance. Tuy nhiên sang đến quý 3, sự sụt giảm quy mô nhân sự mới được ghi nhận trong báo cáo tài chính hợp nhất. Kể từ đầu năm, nhân sự ngân hàng mẹ chỉ giảm 113 người.

Trong khi đó, ngân hàng LPBank đã cắt giảm đến 1.870 lao động trong 9 tháng đầu năm, tức giảm tới 15,3%. Theo đó, số lao động của LPBank tính đến ngày 30/9 là 10.333 người.

Bên cạnh đó, những ngân hàng cũng tiến hành cắt giảm nhân sự trong quý 3 này còn có: TPBank (giảm 9,3%); MSB (giảm 0,5%); SeABank (giảm 3,8%); ABBank (giảm 5,8%); NCB (giảm 3,1%).

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...