Cụ thể, trong báo cáo đánh giá tổng quan tình hình tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm và định hướng điều hành nửa cuối năm của Ngân hàng Nhà nước cho hay, việc ngân hàng phản ánh hết “room” tín dụng có thể là do một số tổ chức tín dụng chủ yếu cho vay trung, dài hạn, tập trung vào lĩnh vực BĐS thì thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh, dẫn đến hết dư địa tăng trưởng tín dụng.
Đến cuối tháng 6/2022, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS của toàn ngành ngân hàng đã đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021 và cao hơn nhiều so với mức tăng chung toàn ngành. Trong đó, tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS tăng 8,19%, chiếm 33%; tín dụng BĐS phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67% dư nợ lĩnh vực BĐS.
NHNN cho rằng, việc xử lý ách tắc dòng vốn của thị trường BĐS cần được cân nhắc và tiếp cận theo nhiều nguồn vốn khác nhau và không đẩy rủi ro tới hệ thống ngân hàng. Suy cho cùng hệ thống ngân hàng rủi ro chính là rủi ro đối với khả năng chi trả cho người gửi tiền bởi vốn cho thị trường BĐS thường dài hạn trong khi vốn huy động của hệ thống ngân hàng 80% là ngắn hạn.
Trong khi đó, đối với hoạt động ngân hàng, mục tiêu điều hành của ngành Ngân hàng là phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi trả cho người dân.
Đối với việc nới "room" tín dụng, NHNN cho rằng việc điều hành tín dụng theo chỉ tiêu hàng năm là chính sách phù hợp, đặc biệt trong tình hình hiện tại của thị trường.
Dẫn chứng việc nới tín dụng giai đoạn trước năm 2011 khiến lạm phát tăng nhanh, NHNN khẳng định nếu không kiểm soát tín dụng, an toàn hệ thống tài chính sẽ bị đe dọa nghiêm trọng (bong bóng giá BĐS, chứng khoán), rủi ro thanh khoản gia tăng, các ngân hàng rơi vào vòng xoáy đua lãi suất huy động để cho vay, nợ xấu tăng cao... đặt hệ thống ngân hàng trước nguy cơ tiềm ẩn đổ vỡ.