Theo văn bản công bố thông tin của Vinaconex, ngày 6/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có thông báo 3435/UBCK-PTTT về hồ sơ thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của Vinaconex.
Cụ thể, UBCK Nhà nước cho biết: Hồ sơ thông báo về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Vinaconex tại mức 49% là đầy đủ, hợp lệ, đề nghị VCG công bố thông tin; Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam cập nhật, điều chỉnh trên hệ thống về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại VCG theo quy định.
Trước đó, vào đầu tháng 11/2018, Vinaconex đã khóa room ngoại về 0% để thực hiện thoái vốn nhà nước. Ngay khi khóa room về 0%, 2 quỹ ngoại nắm cổ phần lớn tại Vinaconex là Pyn Elite Fund và VNM ETF đã thực hiện thoái vốn khỏi doanh nghiệp này.
Sau thương vụ thoái vốn nhà nước, Công ty An Quý Hưng đã trở thành cổ đông lớn nhất tại Vinaconex với tỷ lệ sở hữu 62,90%. Tuy nhiên, vào tháng 2/2022, Công ty An Quý Hưng đã thực hiện chuyển quyền sở hữu chứng khoán cho Công ty CP Đầu tư Pacific Holdings và công ty này đã trở thành công ty mẹ của VCG.
Đáng chú ý là Đầu tư Pacific Holdings chỉ mới được thành lập ngày 12/11/2021, địa chỉ tại số 2B Phạm Văn Đồng, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông Trần Đình Tuấn, sinh năm 1978.
Năm 2022, VCG đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt hơn 15.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.400 tỷ đồng, cùng gấp 2,7 lần năm 2021. Quý 1/2022, lợi nhuận ròng của VCG đạt hơn 759 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước, chủ yếu do được hoàn nhập hơn 192 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi, trong khi cùng kỳ ghi nhận chi phí gần 42 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong quý 1, Vinaconex đã thực hiện được 56% mục tiêu lợi nhuận của cả năm.
Dự kiến, ngày 24/06 tới đây, VCG sẽ chi hơn 530 tỷ đồng để trả cổ tức còn lại năm 2021 cho cổ đông với tỷ lệ 12%. Trái ngược với những thông tin tốt về kinh doanh và cổ tức, cổ phiếu VCG đã giảm một nửa từ tháng 4 đến nay, từ 42.000 đồng/cổ phiếu về còn 24.600 đồng/cổ phiếu.