Ngân hàng Nhà nước yêu cầu không để xảy ra lợi ích nhóm ở Eximbank

Ngân hàng Nhà nước vẫn đang theo dõi sát sao mọi vấn đề của Eximbank, đặc biệt việc bầu các chức danh trong Hội đồng quản trị
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu không để xảy ra lợi ích nhóm ở Eximbank

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã chứng khoán: EIB) về công tác quản trị, điều hành.

Theo đó, cơ quan này yêu cầu Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị Eximbank nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đúng pháp luật và điều lệ hoạt động của ngân hàng một cách trung thực, cẩn trọng. Đặc biệt là việc quản trị, điều hành, an toàn hoạt động, không để xảy ra tình trạng tiêu cực, lợi ích nhóm.

Được biết, nguyên nhân mà Ngân hàng Nhà nước có văn bản trên là do một số nhóm cổ đông yêu cầu Hội đồng quản trị họp bất thường ngày 21/6 để bầu mới chủ tịch Hội đồng quản trị và bổ nhiệm tổng giám đốc mới. Tuy nhiên, cuộc họp này bất thành vì vắng mặt 2 trong số 5 thành viên Hội đồng quản trị. Trong khi theo luật định, cuộc họp chỉ diễn ra khi có ít nhất 65% số thành viên tham dự.

Hiện pháp luật cho phép cuộc họp bất thường lần hai của Hội đồng quản trị một tổ chức tín dụng có thể tiến hành một tuần sau lần đầu với số thành viên tham dự tối thiểu 51%.

Như vậy, nếu số lượng thành viên tham gia không đổi như lần đầu, cuộc họp bất thường Hội đồng quản trị của Eximbank lần hai sẽ chính thức được diễn ra vào ngày 28/6/2023.

Theo giới thạo tin cho hay, việc Eximbank dự kiến thay đổi vị trí lãnh đạo cấp cao vẫn chưa được trình lên Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, chức danh chủ tịch, các thành viên Hội đồng quản trị và tổng giám đốc ngân hàng bắt buộc phải được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, chuẩn y. Vì vậy, thông thường các ngân hàng trước khi bầu hoặc thay đổi các chức danh trên đều có văn bản gửi trước cho Ngân hàng Nhà nước để “thăm dò” ý kiến của cơ quan quản lý.

Còn nhớ, 2011 đánh dấu năm đỉnh cao của Eximbank trong lịch sử của ngân hàng này. Tại thời điểm đó, với sức tăng trưởng trên 70%, Eximbank khẳng định vị thế toàn diện ở khối ngân hàng thương mại cổ phần và cũng là một trong những thành viên có vốn điều lệ cao nhất ngành.

Song đến năm 2012, cuộc khủng hoảng tài chính với nhiều vấn đề về nợ xấu, thanh khoản và rủi ro… xảy ra với hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung, cũng là năm cao điểm khoanh vùng và triển khai tái cơ cấu. Hầu hết các ngân hàng thương mại từ năm đó đều thoái trào, đặc biệt ở chỉ tiêu lợi nhuận. Và hiển nhiên, Eximbank không ngoại lệ.

Đó cũng là dấu mốc cho một thập kỷ đến nay lợi nhuận của một ngân hàng danh tiếng trong lĩnh vực tài trợ và thanh toán xuất nhập khẩu này liên tục lao dốc. Gần nhất, trong năm 2022, Eximbank đạt 7.233 tỷ đồng tổng thu nhập, tăng 53,6% so cùng kỳ năm trước. Chi phí hoạt động tăng 36% (906 tỷ đồng). Nhờ cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 89,5% (887 tỷ đồng), mà lợi nhuận trước thuế ngân hàng mới có thể tăng 207,8%, đạt 3.709 tỷ đồng, mức lợi nhuận rất "khiêm tốn" so với các ngân hàng còn lại.

Có thể nói rằng, Eximbank đã hụt lại phía sau so với nhiều ngân hàng thương mại khác ở các tương quan như về vốn, tổng tài sản và lợi nhuận.

Đi kèm với kết quả kinh doanh chậm nhịp là một loạt xáo trộn của những chiếc ghế nóng. Eximbank cũng là ngân hàng cổ phần duy nhất cho đến nay có thời điểm 2-3 năm liền không thể đại hội cổ đông thường niên, nhưng vẫn không bị chế tài theo quy chế doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

Diễn biến cổ phiếu EIB
Diễn biến cổ phiếu EIB trong thời gian gần đây

Lại nói đến thị trường chứng khoán, mã cổ phiếu EIB của Eximbank cũng thường xuyên gây sốc bởi những phiên giao dịch với khối lượng giao dịch khủng. Điển hình như trong phiên 21/12/2022, có tới 81,2 triệu cổ phiếu EIB (tương đương 6,57% vốn điều lệ) được trao tay qua phương thức này, tương ứng với tổng giá trị giao dịch 2.269 tỷ đồng. Hay như tại phiên liền sau 22/12/2022, cũng có 123,5 triệu cổ phiếu EIB (tương đương 9,99% vốn điều lệ) đã được trao tay qua phương thức thỏa thuận, với tổng giá trị đạt 3.444 tỷ đồng.

Sau khi có cú rơi thẳng đứng hồi cuối tháng 11/2022, hiện cổ phiếu EIB đang được giao dịch quanh vùng 20.800 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hoá thị trường vào khoảng 30.600 tỷ đồng.

Xem thêm

Thêm ngân hàng Eximbank cam kết vốn cho cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

Thêm ngân hàng Eximbank cam kết vốn cho cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank - mã chứng khoán: EIB) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng cam kết bố trí nguồn vốn tín dụng đối với doanh nghiệp tham gia vào Dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức đối tác công tư (PPP)...

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...