Đóng góp gần 6% cho GDP toàn cầu và tạo việc làm cho gần 290 triệu người trong năm 2021 (Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới), nhưng ngành du lịch và lữ hành đang phải đối mặt với vô số thách thức đến từ nhiệt độ cực đoan.
Những đợt nắng nóng không ngừng gây ra những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe, bao gồm mất nước và say nắng, khiến khách du lịch không thể ra ngoài khám phá, cản trở các hoạt động sôi động thường thấy của ngành.
Một bài báo đăng trên tạp chí Khoa học về Môi trường Toàn diện vào năm 2022 nêu bật bằng chứng cho thấy nhiệt độ tăng 1°C có thể làm tăng khả năng mắc bệnh do tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng lên 18%.
Hơn nữa, các nền kinh tế nhỏ và kém phồn vinh hơn có thể phải vật lộn để đối phó với nhu cầu làm mát ngày càng tăng khi khách du lịch tìm cách trốn khỏi mức nhiệt độ nóng như thiêu như đốt.các hòn đảo nằm ở vị trí thấp của Maldives rất dễ bị ảnh hưởng và sẽ có nguy cơ mất đi hầu hết phần diện tích đất vào năm 2100
DU LỊCH BIỂN MẤT ĐI SỨC HÚT
Bãi biển là các điểm du lịch nổi tiếng, chiếm gần 50% lượng khách du lịch toàn cầu. Tuy nhiên, du lịch ven biển đang phải đối mặt với một mối đe dọa tiềm tàng do biến đổi khí hậu.
Ngành này vốn là xương sống đối với một số nền kinh tế kém phát triển nhất thế giới, bao gồm nhóm quốc đảo nhỏ đang phát triển (Small Island Developing States - SIDS), cũng là những nơi dễ bị ảnh hưởng nhất trước biến đổi khí hậu.
Trong khi các hiện tượng thời tiết cực đoan, chẳng hạn như lốc xoáy và lũ lụt, đã gây ra những rủi ro tức thì, thì mực nước biển dâng cao và quá trình axit hóa đại dương cũng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Ngoài ra, các tác động thứ cấp, chẳng hạn như mức độ dồi dào của nước và và sự lây lan của dịch bệnh, cũng ngày càng dấy lên quan ngại trong các cộng đồng ven biển cũng như khách du lịch.
Cụ thể, từ những khu nghỉ mát ven biển đẹp hút hồn đến những thị trấn bên bờ biển long lanh như tranh vẽ, nhiều điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng chẳng hạn như Maldives có nguy cơ bị nhấn chìm do mực nước biển dâng cao.
Theo Ngân hàng Thế giới, khi mực nước biển dâng cao, các hòn đảo nằm ở vị trí thấp của Maldives rất dễ bị ảnh hưởng và sẽ có nguy cơ mất đi hầu hết phần diện tích đất vào năm 2100. Các bãi biển của quốc gia này cũng đã chịu những ảnh hưởng của xói mòn, với 45% khu nghỉ dưỡng du lịch ghi nhận các mức độ xói mòn bãi biển khác nhau
Nguy cơ này đang ngày càng trở nên rõ ràng – năm 2019, Indonesia đã công bố kế hoạch di dời thủ đô khỏi Jakarta để đối phó với mối đe dọa do mực nước biển dâng cao.
Theo NASA, mực nước biển toàn cầu đã tăng 98,5mm kể từ năm 1993. Hơn nữa, tốc độ trung bình đang tăng nhanh, tăng gấp ba lần từ 1,3mm/năm trong giai đoạn 1901 đến 1971 lên 3,7mm/năm trong giai đoạn 2006 đến 2018.
Trong khi mức độ dâng cao của mực nước biển phụ thuộc vào lượng khí thải và sự hấp thụ nhiệt của các đại dương, 1 tỷ người có thể bị ảnh hưởng vào năm 2050.
Thêm nữa, đến năm 2100, các sự kiện cực đoan liên quan đến mực nước biển trước đây mỗi thế kỷ chỉ xảy ra một lần giờ đây có thể xuất hiện ít nhất mỗi năm một lần tại nhiều vùng biển.
Thật không may, ngay cả khi đi theo lộ trình phát thải CO2 thấp, trung bình thế giới vẫn có khả năng mất đi 53% bãi biển có cát. Điều này sẽ kéo theo sự sụt giảm 30% số phòng khách sạn và 38% doanh thu du lịch vào năm 2100.
Các rủi ro tiềm tàng bao gồm bờ biển bị xói lở, cơ sở hạ tầng du lịch bị ngập lụt và gia tăng khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể làm giảm giá trị giải trí của các điểm du lịch ven biển nổi tiếng, có khả năng ảnh hưởng đến các đơn vị vận hành kinh doanh, chẳng hạn như các công ty nghỉ dưỡng và khách sạn (ví dụ: Marriott, Hyatt), hoạt động thể thao dưới nước và các bên điều hành tour (ví dụ tour lặn với ống thở và lặn với bình dưỡng khí), hoạt động của cảng và hãng hàng không.
Ở góc nhìn khác, cường độ và tần suất sóng nhiệt biển tăng lên có khả năng khiến các rạn san hô trải qua những thay đổi không thể đảo ngược và tàn phá sự sống dưới biển, ảnh hưởng đến nét đặc trưng của cảnh quan ven biển.
Một đợt nắng nóng trên biển gần đây, bắt đầu xuất hiện vào tháng 6 năm nay dọc theo bờ biển Queensland của Úc, làm dấy lên mối lo ngại cho rạn san hô Great Barrier vốn đã dễ bị tổn thương.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính rằng 50% các rạn san hô trên thế giới có nguy cơ biến mất vào năm 2035 nếu không có biện pháp giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu.
Điều này đặt ra một thách thức khó khăn đối với ngành du lịch ven biển vì các hoạt động khám phá đại dương, chẳng hạn như lặn biển có bình dưỡng khí, phụ thuộc rất nhiều vào các hệ sinh thái sống động này.
LOẠI HÌNH DU LỊCH KHÁC CŨNG BỊ ẢNH HƯỞNG VÌ NÓNG
Trong báo cáo mới đây, HSBC nhận định, không chỉ du lịch biển mà nhiệt độ tăng lên cũng sẽ tác động đáng kể đến các tiểu ngành du lịch khác như du lịch sinh thái và nông nghiệp; du lịch ở những khu vực có tuyết; du lịch liên quan đến rừng.
Cụ thể, HSBC cho biết, một nghiên cứu dự báo sự đa dạng về chức năng của các loài chim trên cạn tăng lên ở các khu vực vĩ độ cao và giảm sự đa dạng ở các khu vực vĩ độ trung bình vào năm 2050, dựa trên kịch bản phát thải khí nhà kính ở mức vừa đến cao.
Những thay đổi do khí hậu gây ra trong phân bổ loài có thể ảnh hưởng đến du lịch sinh thái, chẳng hạn như các đơn vị khai thác du lịch safari, theo đó sự suy giảm quần thể động vật sẽ khiến việc con người tương tác với một số loài nhất định trở nên khó khăn. Tuy nhiên, những vùng trước đây ít phổ biến về du lịch sinh thái có thể trở nên hấp dẫn hơn.
Ngành công nghiệp rượu vang cũng phải đối mặt với một số thách thức từ biến đổi khí hậu: mưa đá và sương giá mùa xuân làm hỏng mùa màng, trong khi nhiệt độ nóng lên khiến nho chín sớm. Do đó, một số vùng có thể dần trở nên không thích hợp để sản xuất rượu vang, điều này có thể kéo theo những ảnh hưởng ngầm đối với ngành du lịch rượu vang.
Tương tự, tại du lịch ở những khu vực có tuyết, Nhiệt độ tăng có thể dẫn đến tuyết rơi thất thường và diện tích lớp tuyết dày bị thu hẹp lại, rút ngắn các mùa trượt tuyết và trượt ván trên tuyết.
Một số khu nghỉ dưỡng trượt tuyết trên dãy Alps đã đóng cửa vào tháng 12/2022 do tuyết rơi không đủ. Các khu nghỉ dưỡng ở độ cao thấp hơn có khả năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, vì các nơi này tuyết rơi ít hơn nên mùa du lịch ngắn hơn.
Hay tại du lịch liên quan đến rừng, sóng nhiệt và hạn hán có thể dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao. Trong giai đoạn từ năm 1979 đến 2013, các khu vực dễ cháy trên toàn cầu đã tăng gấp đôi do ảnh hưởng bởi mùa hanh khô dễ gây cháy rừng kéo dài, trong khi thời gian trung bình của mùa hanh khô tăng 19%.
Tần suất xảy ra cháy rừng và mức độ lan rộng gia tăng có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến du lịch vì hạn chế các cơ hội giải trí và giảm khả năng tiếp cận các khu rừng quốc gia.
Năm 2018, ước tính doanh thu du lịch đã bị thiệt hại 20 triệu USD chỉ trong một tháng do cháy rừng ở California, theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Visit California.
CẦN THÊM CHIẾN LƯỢC ĐƯỜNG DÀI
Đại dịch Covid-19 đã cho thấy ngành du lịch dễ bị ảnh hưởng đến nhường nào. Các quốc gia kém phát triển phụ thuộc nhiều vào du lịch đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể, bao gồm cả tình trạng bất ổn xã hội khi lượng khách du lịch giảm đi do tác động của khí hậu nóng lên.
Các biện pháp thích ứng, các công cụ dự báo và cảnh báo sớm được cải thiện cũng như quản lý rủi ro thiên tai sẽ đóng vai trò quan trọng trong cách ngành du lịch ứng phó với những rủi ro sắp đến.
Cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như kè chắn sóng và kết cấu đê chắn sóng, và khu vực bảo tồn các hệ thống tự nhiên, chẳng hạn như rừng ngập mặn, là những biện pháp bảo vệ bờ biển quan trọng.
Các chiến lược về nơi ở, chẳng hạn như nâng nền nhà ở và cơ sở hạ tầng chính yếu có thể giúp giảm tác động của lũ lụt. Ví dụ, những ngôi nhà được xây dựng cách mặt đất 1,5m được chính phủ trợ cấp ở Quần đảo Tuamotu, nơi đặc biệt dễ bị lũ lụt. Một số khu vực cũng đã và đang áp dụng các biện pháp dựa vào hệ sinh thái để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các rạn san hô nhân tạo ngày càng được sử dụng nhiều hơn để hỗ trợ phục hồi rạn san hô ở các quốc gia như Antigua và Grenada. Tại Vanuatu, các doanh nghiệp du lịch đã tham gia thành lập các khu bảo tồn biển để giải quyết các rủi ro liên quan đến khí hậu.
Khi tác động của biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng, các biện pháp thích ứng sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong việc bảo vệ các khu vực dễ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, HSBC cho rằng: "Cần phải thừa nhận sự bền vững lâu dài phụ thuộc vào cách tiếp cận trên diện rộng, kết hợp các chiến lược thích ứng với nỗ lực toàn cầu nhằm giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính".