Người tiêu dùng trì hoãn mua ô tô, chờ tin giảm lệ phí trước bạ

Trong khi chờ đợi thông tin về việc giảm lệ phí trước bạ, không ít người mua nghĩ ra các cách mua xe để có thể vừa nhận ưu đãi từ hãng xe, vừa hưởng chính sách của Chính Phủ…

2-5068.jpeg

Thị trường ô tô trong nước chưa thực sự vào chu kỳ tăng trưởng như kỳ vọng khi lũy kế 4 tháng đầu năm, doanh số toàn thị trường giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023. Nhằm kích cầu thị trường, Chính phủ đang xem xét việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Trong quãng thời gian chờ tin giảm lệ phí trước bạ được thông qua, thị trường ô tô trong nước tiếp tục ảm đạm do tâm lý người tiêu dùng muốn chờ đợi để mua xe với mức giá tốt. Các doanh nghiệp và đại lý bán xe cũng trong cảnh ngóng tin giảm lệ phí trước bạ.

KHÁCH HÀNG NGHĨ CÁCH ĐỂ NHẬN ƯU ĐÃI KÉP

Khi chính sách giảm lệ phí trước bạ được thông qua, người mua xe có thể tiết kiệm được từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng chi phí lăn bánh. Chính vì vậy mà thời điểm hiện tại, nhiều khách hàng còn cân đo đong đếm, chưa chịu xuống tiền và ngóng chờ chính sách giảm lệ phí trước bạ được thực hiện.

Số lượng lớn khách hàng muốn mua ô tô đã nghĩ ra nhiều cách mua xe để có thể tận dụng tối đa chính sách và hưởng ưu đãi cao nhất. Việc đặt cọc xe chờ giảm lệ phí trước bạ hay ký hợp đồng mua xe và chờ đăng ký đang được nhiều người tìm hiểu để áp dụng.

Thời điểm này, các mẫu ô tô đang có giá bán ưu đãi nhằm đẩy doanh số bán hàng, nhiều người mua muốn đặt cọc xe sau đó chờ giảm lệ phí trước bạ. Đợi tới khi chính sách có hiệu lực, tổng chi phí lăn bánh sẽ giảm đáng kể.

Thế nhưng, một số đại lý cho hay, người dùng đặt xe vào thời điểm này sẽ có nhiều rủi ro khi nội dung hợp đồng đặt cọc ô tô chỉ có thời hạn trong một tháng và mức giá hai bên thỏa thuận chỉ mang tính thời điểm.

Cùng với đó, việc chờ tới khi chính thức giảm lệ phí trước bạ và ký kết hợp đồng mua bán thì mức giá trong hợp đồng sẽ căn cứ vào giá bán của thời điểm ký. Như vậy, nếu người mua đặt cọc xe chờ giảm lệ phí trước bạ sẽ khó nhận được ưu đãi của hãng xe ở thời điểm đặt cọc.

1-2234.jpeg

Nhiều người mua cũng đã nghĩ ra phương án khác đó chính là mua xe chờ đăng ký để hưởng ưu đãi kép. Cụ thể, khách hàng sẽ mua và nhận ô tô để được hưởng ưu đãi từ hãng xe sau đó chờ tới khi giảm lệ phí trước bạ và đăng ký xe.

Tuy nhiên, mặt bất lợi của phương pháp này là người mua sẽ bị phạt khi xuất hóa đơn mua bán quá 30 ngày mà ô tô chưa đăng ký. Hơn nữa, việc giảm 50% lệ phí trước bạ mới đang được Chính phủ xem xét và chưa chắc chắn sẽ được thực hiện.

Cả hai phương pháp mà người tiêu dùng muốn áp dụng để hưởng mức ưu đãi kép đều có thể giúp tiết kiệm một khoản chi phí không hề nhỏ nhưng đi cùng với đó là khá nhiều rủi ro.

Trong đợt giảm phí trước bạ năm 2023, nhiều hãng xe không cắt giảm mà vẫn duy trì các gói ưu đãi lớn cho khách hàng, thậm chí nhiều mẫu xe còn được ưu đãi tương đương 50% lệ phí trước bạ.

Vì vậy, nhiều đại lý đưa ra các khuyến khích đối với khách hàng nên mua xe ngay sau thời điểm thông qua chính sách giảm lệ phí để được hưởng ưu đãi mà không phải chịu rủi ro.

CÁC ĐẠI LÝ CŨNG NẰM CHỜ

Trong bối cảnh nhiều người tiêu dùng cân đo đong đếm việc mua ô tô và chờ đợi ưu đãi, các doanh nghiệp kinh doanh phải “chờ thời” theo. Thị trường ảm đạm trong những tháng đầu năm, các đại lý kinh doanh ô tô đặt kỳ vọng vào việc giảm lệ phí trước bạ sẽ tạo động lực thúc đẩy doanh số vào nửa cuối năm.

Dự kiến, nếu đợt giảm lệ phí trước bạ được thông qua sẽ áp dụng từ ngày 1/7 đến hết năm 2024. Điều này sẽ là đòn bẩy lớn đối với các mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Trái ngược, các thương hiệu ô tô nhập khẩu phải liên tục điều chỉnh chiến lược kinh doanh để tồn tại trên thị trường.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lượng xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng 4/2024 đã giảm 21,2% về lượng và 26,1% về giá trị so với tháng 3. Các hãng xe nhập khẩu đang phải liên tục chuẩn bị các gói ưu đãi trong hai quý cuối của năm 2024 khi khó khăn chồng khó khăn.

3-9738.jpg

Trong thời gian chờ đợi chính sách mới, các thương hiệu ô tô lắp ráp và sản xuất trong nước cũng liên tục tung ra các chương trình ưu đãi lớn để tồn tại và duy trì doanh số trong bối cảnh thị trường ảm đạm.

Thực tế cho thấy, 3 lần áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ trong các năm trước đều mang lại hiệu quả tích cực. Trong thời gian thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ lần đầu tiên vào năm 2020, số lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là 209.584 xe, tăng gấp 2,03 lần so với 6 tháng đầu năm 2020.

Cùng với đó, trong đợt thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022, số lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là 398.177 xe.

Ngoài việc khiến tiêu thụ xe lắp ráp, sản xuất trong nước tăng lên đáng kể, chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô còn kéo theo sự gia tăng của thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Mỗi đợt áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ cho xe sản xuất và lắp ráp trong nước, nguồn thu ngân sách của nhà nước sẽ bị giảm mạnh. Thế nhưng, chính sách này mang lại hiệu quả kích cầu tiêu dùng cho ngành ô tô trong nước, các nhà sản xuất ô tô trong nước đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp xe mới đưa vào thị trường.

Bên cạnh đó, chính sách giảm lệ phí trước bạ còn giúp thị trường Việt không trở thành nơi “thuần” tiêu thụ ô tô của các nước khác và không gây những tác động bất lợi trong việc huy động ngoại tệ để nhập khẩu ô tô từ nước ngoài.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm