Nguy cơ mất cân bằng tăng trưởng bền vững tại ĐNA nếu hai vấn đề này không được giải quyết

Nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng, các yếu tố bất lợi khác cũng tăng sức ép lên vấn đề an ninh lương thực khu vực. Nếu không giải quyết tốt, an ninh lương thực sẽ cản trở hành trình tăng trưởng bền vững nói chung của ASEAN.
Ảnh chụp màn hình phiên tọa đàm giữa SAP Đông Nam Á, Dole Asia Holdings và tập đoàn Lộc Trời
Ảnh chụp màn hình phiên tọa đàm giữa SAP Đông Nam Á, Dole Asia Holdings và tập đoàn Lộc Trời

Đây là chủ đề được thảo luận tại sự kiện ‘Một ASEAN trên đà phát triển với nhu cầu thực phẩm cao: Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm mạnh mẽ và bền vững' do SAP tổ chức trực tuyến. Sự kiện quy tụ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong hệ sinh thái thực phẩm Đông Nam Á, từ nông nghiệp, sản xuất, phân phối cho tới hậu cần – với hai đại diện là Dole Asia và tập đoàn Lộc Trời, nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ dẫn đầu thị trường Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

Số hoá nông nghiệp – Giải pháp giúp tối ưu hóa khả năng cạnh tranh

Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại đã góp phần thay đổi nhanh chóng ngành nông nghiệp Việt Nam cũng như các khu vực khác trên thế giới trong đó có Đông Nam Á. Internet, trí tuệ nhân tạo đang dần đơn giản hóa và hợp lý hóa việc thu thập, các khâu kiểm tra, phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp; ứng dụng robot trong nông nghiệp có thể giúp cải thiện hiệu quả, năng suất sản xuất...

Chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, ông Leonardo Rabelo, Giám đốc Tài chính của Dole Asia Holdings cho biết, Dole Asia Holdings xác định ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp (Agtech) là rất quan trọng trong chương trình giảm thiểu chất thải công nghệ cao và chủ động. Việc ứng dụng IoT trong trang trại, theo dõi trên từng giai đoạn và số hóa toàn bộ quy trình sẽ là những siêu năng lực mới cho phép Dole Asia Holdings cải thiện chất lượng và giá trị sản phẩm và giảm đáng kể lượng chất thải phát sinh. Đối với những chất thải còn lại, hướng đi của Dole Asia Holdings là cố gắng tận dụng để tạo ra những sản phẩm khác, ví dụ chuối nghiền, chuối đông lạnh…

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ thêm, Lộc Trời đã tiên phong trong việc triển khai tiêu chuẩn lúa gạo bền vững đầu tiên trên thế giới cùng với nông dân khắp ĐBSCL, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, tạo ra sản phẩm chất lượng cao và đưa các loại gạo được chứng nhận SRP đến thị trường trong nước và thế giới.

“Lộc Trời đang phát triển các giống cây trồng mới và xây dựng các quy trình, phương pháp canh tác tiết kiệm tài nguyên, đồng thời áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như drones, ứng dụng bệnh viện trực tuyến để tư vấn chữa bệnh cho cây trồng trên cây lúa và cây ăn trái. Chúng tôi tham gia chương trình SATForRice (Vệ tinh cho cây lúa) của chính phủ Hà Lan, dùng AI để tiến hành phân tích bằng quang phổ, tương tác về thổ nhưỡng, qua đó biết trước được sản lượng cũng như nguy cơ dịch bệnh của năm sau. Chúng tôi cũng cùng bà con nông dân xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc qua QR Code để nâng cao trị giá sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế” – ông Thuận cho biết thêm.

Cũng theo ông Thuận, Lộc Trời vừa trải qua hành trình chuyển đổi số với việc chính thức vận hành SAP S/4HANA vào năm 2020, giúp chuẩn hóa tất cả các quy trình theo thông lệ quốc tế, nâng cao năng lực lập kế hoạch và tự động theo dõi tất cả các hoạt động kinh doanh, đồng thời tối ưu hóa khả năng cạnh tranh và hội nhập trong sản xuất nông nghiệp.

Cơ hội để ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu cũng cho biết, có khoảng 1/3 tổng số thực phẩm được làm ra - tương đương 1.3 tỷ tấn - bị hao hụt hoặc lãng phí hàng năm, theo ước tính của Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO). Ngoài ra, có tới 8-10% lượng phát thải nhà kính toàn cầu đến từ sản xuất lương thực.

Một doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào trong quá trình sản xuất
Một doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào trong quá trình sản xuất

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, đây là cơ hội dành cho Đông Nam Á, một trong những khu vực sản xuất nông nghiệp năng suất nhất thế giới. Những cơ hội này sẽ đến từ việc đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường hợp tác liên ngành, số hóa và tăng cường sức mạnh của các chuỗi cung ứng thực phẩm, cũng như các hoạt động khác xuyên suốt chuỗi giá trị để thúc đẩy tương lai lương thực của Đông Nam Á.

Theo bà Verena Siow, Chủ tịch & Tổng giám đốc SAP Đông Nam Á, việc cung cấp cho các nhà sản xuất lương thực những công cụ phù hợp, giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm và chống lãng phí thực phẩm là rất quan trọng đối với những thách thức an ninh lương thực trong khu vực. Đây là lĩnh vực mà công nghệ và chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng.

“Đầu tiên, chúng ta cần sử dụng thực phẩm hiệu quả hơn để giảm thiểu lãng phí. An ninh lương thực và phát triển bền vững là một thách thức về quản lý tài nguyên, do vậy công nghệ có thể trở thành tác nhân tạo nên sự thay đổi” - bà Verena Siow nói.

 “Với chuỗi thực phẩm đa dạng trong khu vực, trải dài từ sản xuất đến bán lẻ cho tới nhà hàng, các doanh nghiệp cần được giúp đỡ để quản lý toàn bộ hoạt động của họ, dự báo nhu cầu thông qua dữ liệu lớn (big data) để cung cấp thực phẩm kịp thời, cũng như cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng. Những biện pháp này sẽ giúp giải quyết vấn nạn khan hiếm lương thực một cách bền vững”, bà Verena Siow bổ sung.

Ông Nguyễn Hồng Việt, Tổng giám đốc SAP Việt Nam cho biết thêm, người tiêu dùng ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng quan tâm tới chất lượng cũng như nguồn gốc thực phẩm mà họ tiêu thụ. Họ có xu thế tin tưởng và thân thiện hơn với những sản phẩm được sản xuất từ những công ty có chính sách tốt với môi trường. Ở góc độ vĩ mô, Chính phủ Việt Nam cũng đã có những cam kết và giảm phát thải nhà kính lên đến 9% từ nay đến 2030, hay giảm mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Với chủ trương như vậy, chắc chắn các bộ ngành sẽ có những hướng dẫn để cam kết đó sớm đi sâu vào cuộc sống hàng ngày của người dân. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng chạy đua để có thể đồng hành cũng người tiêu dùng về mục tiêu bảo vệ môi trường.

“Hơn bao giờ hết, chuỗi cung ứng số là giải pháp để chuyển đổi hoạt động doanh nghiệp theo hướng bền vững ngay cả khi môi trường kinh doanh thay đổi. Chuỗi cung ứng số mang đến sự linh hoạt và cái nhìn sâu sắc hơn về toàn bộ các quy trình doanh nghiệp. Tất cả chúng ta đều phải đưa ra những quyết định tốt hơn cho cộng đồng, cho tương lai, và giải pháp số là chìa khóa để hiện thức hóa các mục tiêu phát triển bền vững này”, ông Nguyễn Hồng Việt nhấn mạnh.

Để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, SAP vừa ra mắt giải pháp Thiết kế và Sản xuất có trách nhiệm SAP®, một giải pháp thiết kế sản phẩm bền vững, giúp các doanh nghiệp đo lường và quản lý dữ liệu một cách hiệu quả. Giải pháp giúp các doanh nghiệp có cái nhìn cụ thể và rõ ràng hơn về dòng chảy nguyên liệu xuyên suốt quá trình hoạt động của họ, bao gồm theo dõi và tuân thủ các quy định về môi trường, đặc biệt là những quy định liên quan đến nhựa và bao bì sản phẩm.

Có thể bạn quan tâm