Nhận biết gian lận trong kinh doanh để không biến thành… “kẻ ngốc”

Talkshow chuyên đề “Quản trị gian lận tài chính doanh nghiệp” trong khuôn khổ chương trình "Bữa sáng Doanh nhân" đã giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan nhất về nhận biết và rà soát gian lận trong kinh doanh...

anh-son-1-9821.jpg
TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hà Nội - HBA và Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD phát biểu tại chương trình

Chương trình "Bữa sáng Doanh nhân" ngày 2/12 được tổ chức bởi Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hà Nội – HBA, Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD và Trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp Đại học Quốc gia. Chủ tịch VACOD và HBA, TS. Nguyễn Hồng Sơn chủ trì chương trình.

Tham dự chương trình có ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Đại sứ Phạm Sanh Châu, Phó Chủ tịch Trung tâm châu Âu – châu Á thuộc Liên minh châu Âu; ông Vũ Trọng Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp - Đại học Quốc gia Hà Nội, MBA Đỗ Tiến Vượng, Phó chủ tịch Viện Đào tạo và Chuyển giao công nghệ V-Connect và là Founder, CEO của CFC Vietnam - Đại học Quốc gia Hà Nội cùng các đại biểu và hội viên của hai Hiệp hội.

"KẺ NGỐC" BÁN HÀNG CHO "KẺ NGỐC HƠN"

Chia sẻ tại chuyên đề quản trị tài chính của doanh nghiệp, ông Đỗ Tiến Vượng, Phó chủ tịch Viện Đào tạo và Chuyển giao công nghệ V-Connect, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt câu hỏi, tại sao các nhà đầu tư hay chủ doanh nghiệp sẵn sàng chọn đầu tư vào những cơ hội dù lý trí thấy cơ hội đó có lợi nhuận phi lý? Tuy nhiên ông cũng đưa ngay ra lý giải bởi lý thuyết “kẻ ngốc hơn”.

ong-vuong-6849.jpg
MBA Đỗ Tiến Vượng, Phó chủ tịch Viện Đào tạo và Chuyển giao công nghệ V-Connect và là Founder, CEO của CFC Vietnam, Đại học Quốc gia Hà Nội

Theo chuyên gia đào tạo, “kẻ ngốc hơn” (Greater Fool Theory) được hiểu là người ta có thể kiếm tiền bằng cách mua vào các dự án hay sản phẩm cho dù chúng có bị định giá cao hay không, bằng cách bán chúng cho “kẻ ngốc hơn”.

“Ưu điểm phương thức này là có thể thoát khỏi giao dịch sớm để không phải chịu lỗ nhưng nhược điểm là luôn theo đuổi tài sản có xu hướng không ổn định, không thể biết khi nào điều chỉnh giá sẽ bắt đầu và sẽ tốn thời gian”, chuyên gia Đỗ Tiến Vượng nói.

Sau khi chia sẻ về các câu chuyện liên quan tới lý thuyết “kẻ ngốc hơn”, diễn giả cũng đã chia sẻ về các giải pháp khắc phục như cắt lỗ, tái cân bằng danh mục đầu tư và định cỡ vị thế.

Ở nội dung chính “Quản trị gian lận tài chính kinh doanh”, ông Vượng đã đi từ những nghiên cứu điển hình đặc trưng để nhìn ra những phương thức gian lận tài chính trong doanh nghiệp, dựa trên những dấu hiệu như cơ cấu sở hữu phức tạp, sở hữu chéo, SPV; lợi nhuận vượt trội trong lĩnh vực hoạt động thông thường hay dòng tiền từ hoạt động kinh doanh liên tục âm, được bù đắp bằng dòng tiền từ hoạt động tài chính (tăng vốn) hoặc hay thay đổi người đại diện theo pháp luật.

dai-bieu1-626.jpg
Toàn cảnh Chương trình

Phó chủ tịch Viện Đào tạo và Chuyển giao công nghệ V-Connect, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đi sâu phân tích về các phương pháp gian lận mà nhiều doanh nghiệp đã áp dụng như: Sử dụng hệ thống 2 sổ như Công ty Nhật Cường, Alumium Vietnam, người khổng lồ ngành năng lượng ENRON với doanh thu lên tới 100 tỷ USD đã sụp đổ khi bị phát hiện sử dụng SPV nhằm loại bỏ được các khoản nợ hàng trăm triệu USD khỏi sổ sách.

Việt Nam đang rúng động bởi vụ án Vạn Thịnh Phát, mà công cụ được sử dụng là SPV để xây dựng “hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát” với hơn 1.000 doanh nghiệp, chia thành 4 nhóm chính có mối quan hệ chặt chẽ, bao gồm: nhóm định chế tài chính, nhóm các công ty hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nhóm các công ty “ma” tại Việt Nam và mạng lưới công ty ở nước ngoài. Vạn Thịnh Phát đã dùng SPV để chạy dòng tiền và doanh thu nhằm chiếm đoạt lượng tài sản khổng lồ.

Hay câu chuyện của công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Ấn Độ là Satyam, bằng cách thức đẩy giá rồi bán chui cổ phần, chi 3 triệu USD "thanh toán lương" cho những người không tồn tại (thực tế là trả cho Hội đồng quản trị) khiến cho Satyam sụp đổ. Điều đó khiến Satyam trở thành vụ gian lận lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp Ấn Độ…

ĐỂ KHÔNG BIẾN THÀNH "KẺ NGỐC"

Trao đổi tại chương trình, ông Nguyễn Minh Chung, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Du lịch Hà Nội cho rằng, quản trị, kiểm soát gian lận thương mại trong tài chính đã được áp dụng trong các doanh nghiệp thông qua các phần mềm kế toán doanh nghiệp. Do đó nếu Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp - Đại học Quốc gia Hà Nội kết hợp cùng với một số Trung tâm khác có thể cung cấp một số thông tin phần mềm quản trị kiểm soát gian lận tài chính.

anh-chung-356.jpg
Ông Nguyễn Minh Chung, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Du lịch Hà Nội

“Các lãnh đạo trong doanh nghiệp từ chủ tịch, phó chủ tịch hay giám đốc đôi khi cũng chưa chuyên nghiệp trong việc đọc báo cáo tài chính. Do đó chỉ cần đưa thông số vào phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) là có thể phát hiện ra báo cáo đó gian lận hay không. Với phương pháp này hi vọng sẽ đưa ra được một số phần mềm hỗ trợ hiệu quả cho lãnh đạo của các doanh nghiệp”, ông Chung nói.

Kết luận chương trình, Chủ tịch VACOD và HBA, TS. Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, với vấn đề gian lận trong tài chính, chúng ta đã nhìn thấy đâu đó trong từng doanh nghiệp. Một là chúng ta bị đối tác, đối thủ, người cung cấp, khách hàng gian lận và thứ hai chính chúng ta cũng có gian lận. Trong hoạt động kinh doanh có những gian lận cố ý nhưng cũng có những gian lận vô ý. Đó là những câu chuyện không thể tránh khỏi. Đôi khi người ta chỉ nghĩ đó là sự chưa trung thực trong kinh doanh chứ không hẳn là gian lận.

Với thực tế đó, TS. Nguyễn Hồng Sơn mong các doanh nghiệp rút kinh nghiệm, phát hiện nhanh những đối tác, đối thủ đang gian lận thương mại để không biến thành “kẻ ngốc” đối với họ.

chi-thuy-5697.jpg
Các đại biểu có mặt tại Chương trình

Cũng tại chương trình "Bữa sáng doanh nhân", TS. Nguyễn Hồng Sơn đã chia sẻ với các đại biểu và doanh nhân về sự kiện thường niên của hai Hiệp hội dự kiến diễn ra vào ngày 17/1/2024. Chương trình là sự kiện quan trọng do VACOD và HBA phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức đối ngoại của Việt Nam tổ chức tại Khách sạn Hà Nội Daewoo - 360 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội.

Các doanh nghiệp cần phát hiện nhanh những đối tác, đối thủ đang gian lận thương mại để không biến thành “kẻ ngốc” đối với họ.

Theo Chủ tịch Sơn, sự kiện Chương trình gặp mặt đối ngoại chào năm mới 2024 - Xuân Giáp Thìn diễn ra nhằm tri ân các lãnh đạo cơ quan của Đảng, các Ủy ban và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội; lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương của Chính phủ, lãnh đạo thành phố Hà Nội và một số địa phương và các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp của Việt Nam; lãnh đạo các doanh nghiệp hội viên của VACOD và HBA trên khắp cả nước và thủ đô Hà Nội.

“Tuy nhiên năm nay chúng tôi mở rộng thêm các hoạt động đối ngoại của doanh nghiệp. Cụ thể, hai Hiệp hội sẽ mời thêm các vị Đại sứ/Đại biện và phu nhân/phu quân; các vị Tham tán về kinh tế và thương mại của các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam; các vị Trưởng văn phòng đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, lãnh đạo một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam, lãnh đạo các trung tâm xúc tiến thương mại tại Việt Nam với số lượng sẽ khoảng 100 tổ chức”, TS. Nguyễn Hồng Sơn nói.

Người đứng đầu VACOD và HBA cũng nhắn nhủ tới các đại biểu thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như các doanh nhân có mặt tại sự kiện, nếu cần mời tổ chức quốc tế hay Đại sứ quán tham dự tạo cơ hội giao lưu, tìm kiếm sự hợp tác có thể phối hợp với hai Hiệp hội để mời các đơn vị đó tham dự…

Nhiều doanh nhân cũng như đại biểu có mặt tại chương trình đã bày tỏ lời cảm ơn tới phần chia sẻ thú vị của diễn giả Đỗ Tiến Vượng. Các trường hợp về gian lận tài chính được nêu ra đã giúp các doanh nghiệp có được góc nhìn trong quản trị gian lận khi hoạt động kinh doanh và đầu tư.

anh-son-6525.jpg
Ông Nguyễn Hữu Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thống Nhất

“Chủ đề lần này do chuyên gia đến từ Đại học Quốc gia chia sẻ rất thú vị và rất độc đáo. Có thể nói chương trình “Bữa sáng Doanh nhân” do VACOD và HBA tổ chức ngày càng hấp dẫn và có nhiều nội dung bổ ích…”, ông Nguyễn Hữu Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thống Nhất nhận xét.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Tổng biên tập Tạp chí Thương gia cũng cho rằng: “Mặc dù là cơ quan báo chí nhưng nếu biết trước có phần chia sẻ thú vị như thế này thì tôi đã cử đội ngũ phóng viên đến để nghe nhiều hơn. Chúng tôi là tờ báo của doanh nghiệp nên nếu nghe được những chia sẻ này chắc chắn bài viết của các nhà báo sẽ có chiều sâu hơn, mang tính cảnh báo nhiều hơn”.

chi-duong-7950.jpg
Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Tổng biên tập Tạp chí Thương gia

Bà Dương chia sẻ thêm, trên Thương gia cũng đã có rất nhiều vệt bài cảnh báo về vấn đề gian lận tài chính trong kinh doanh. Có những vấn đề nóng Thương gia là người “khơi mào” nên cũng không tránh khỏi những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên thực tế, sự cảnh báo đó đã đúng.

Tổng biên tập Tạp chí Thương gia cũng tỏ sự đồng tình trước một số chia sẻ của các đại biểu về chương trình "Bữa sáng doanh nhân" ngày càng có nhiều thông tin bổ ích và thiết thực. Bà Dương cho biết thêm, hai Hiệp hội ngày càng có nhiều hoạt động vượt trội, luôn đồng hành, lắng nghe phản ánh của các doanh nghiệp. Từ đó, góp tiếng nói quan trọng của mình đến Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, tháo gỡ khó khăn, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, cũng như thúc đẩy hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới cho các doanh nghiệp hội viên…

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...