Những con số “khủng” được công bố trong phiên xét xử đại án Vạn Thịnh Phát

Phiên tòa xét xử vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát ghi nhận khối tài sản bị thu giữ, kê biên cùng những con số khủng nhất trong các vụ án từ trước đến nay…

Những con số “khủng” trong phiên xét xử đại án Vạn Thịnh Phát
Những con số “khủng” trong phiên xét xử đại án Vạn Thịnh Phát

Sáng ngày 5/3, Toà án Nhân dân TP.HCM bắt đầu phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và một số tổ chức liên quan.

Trong đó, phiên xét xử ghi nhận khối tài sản bị thu giữ, kê biên cùng những con số khủng nhất trong các vụ án từ trước đến nay.

50 ngày xét xử

Chủ toạ phiên xử là thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh toà Hình sự Toà án Nhân dân TP.HCM dự kiến xét xử vụ án trong 50 ngày (từ ngày 5/3/2024 đến ngày 29/4/2024).

7 tội danh

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố các bị cáo về 7 tội danh. Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan bị xét xử về 3 tội danh: Tham ô tài sản, Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Bị xét xử cùng bị cáo Trương Mỹ Lan còn có 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; 1 cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước, bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng. 5 bị cáo đang bỏ trốn sẽ bị xét xử vắng mặt. Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Capella bị xét xử về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 129.000 tỷ đồng

Hồ sơ vụ án thể hiện, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Trương Mỹ Lan làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã xây dựng “hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát” với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước.

Trong đó, Ngân hàng SCB được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái này. Tại SCB, bà Lan sở hữu tới 91,5% cổ phần.

Để lấy tiền từ SCB, bà Lan và đồng phạm thực hiện việc tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt tại SCB để thực hiện các hành vi tội phạm.

Từ năm 2012 đến 2022, bà Lan cùng đồng phạm đã được SCB giải ngân hàng nghìn khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng. Và tính đến tháng 10/2022, tổng dư nợ không có khả năng thu hồi là hơn 677.000 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, cơ quan chức năng xác định bị cáo Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt số tiền hơn 304.000 tỷ đồng và gây thiệt hại số tiền hơn 129.000 tỷ đồng.

Thu giữ, kê biên hàng trăm nghìn tỷ đồng cùng hàng nghìn bất động sản, du thuyền, xe sang

Liên quan hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác, cơ quan chức năng đã thu giữ, kê biên khối lượng tài sản đặc biệt lớn. Trong đó, giai đoạn điều tra thu giữ 590.000 tỷ và gần 15 triệu USD; giai đoạn truy tố thu giữ hơn 55 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng đã phong tỏa 42 tài khoản của các bị cáo và các cá nhân đứng tên hộ bà Trương Mỹ Lan, tổng số tiền hơn 1.896 tỷ đồng và hơn 8 triệu USD. Cùng với đó, 1.237 bất động sản liên quan trực tiếp đến bị cáo Trương Mỹ Lan đã bị kê biên. Cơ quan chức năng cũng kê biên, ngăn chặn giao dịch cổ phần tại SCB của bị cáo Trương Mỹ Lan. Ngoài ra, 22 tài sản khác gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của bị cáo Trương Mỹ Lan và cháu gái Trương Huệ Vân cũng bị kê biên.

Đây là khối tài sản bị thu giữ, kê biên đặc biệt lớn trong các vụ án tính đến nay.

Hối lộ 1 cá nhân 5,2 triệu USD

Theo cáo trạng, quá trình thanh tra tại SCB, để che giấu thực trạng đặc biệt yếu kém và các sai phạm, để ngân hàng không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục tái cơ cấu, Trương Mỹ Lan đã trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn, Trưởng đoàn thanh tra, đồng thời là Cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước.

Trong cuộc gặp này, Trương Mỹ Lan nhờ bà Đỗ Thị Nhàn cố gắng sớm kết luận thanh tra để các đối tác nước ngoài vào đầu tư và được nữ Trưởng đoàn thanh tra đồng ý.

Trong quá trình thanh tra, bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã nhận từ ngân hàng này số tiền đặc biệt lớn là 5,2 triệu USD để chỉ đạo cấp dưới báo cáo và ban hành dự thảo kết luận thanh tra không trung thực, không đúng thực trạng tài chính của Ngân hàng SCB, bao che, bưng bít sai phạm của Ngân hàng SCB.

Thưởng gần 1.500 tỷ đồng cho 1 cá nhân

Cáo trạng thể hiện, bị cáo Dương Tấn Trước, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Tường Việt đã thoả thuận, thống nhất với bị cáo Lan về việc sử dụng các pháp nhân của Công ty Tường Việt, phối hợp với cán bộ Ngân hàng SCB tạo lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của Ngân hàng SCB để sử dụng.

Bị cáo Dương Tấn Trước đã giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền hơn 4.700 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 605 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Trước được bị cáo Lan cho số tiền gần 1.500 tỷ đồng để sử dụng cá nhân.

Cơ quan chức năng xác định, lý do bị cáo Lan cho bị cáo Trước số tiền này vì đã giúp bà xin cấp giấy phép xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 dự án Mũi đèn đỏ, thay đổi về hệ số xây dựng (tăng) của dự án này; giấy phép xây dựng dự án Sài Gòn Bình An (SDI).

Sau khi khởi tố vụ án, bị cáo Trước đã trả lại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 813 tỷ đồng (đối với các khoản vay của công ty). Ngoài ra, bị cáo Trước còn xin nộp lại số tiền hơn 2.200 tỷ đồng mà bị cáo này xác định đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan.

Hơn 2.400 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa triệu tập hơn 2.400 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm: những cá nhân đứng tên vay, nhận tiền tại Ngân hàng SCB, các cá nhân tại ngân hàng nhà nước; cá nhân đứng tên công ty, đứng tên vay, đứng tên các tài sản thế chấp tại Ngân hàng SCB, thực hiện việc nộp, rút tiền; các cá nhân thuộc nhóm cán bộ Ngân hàng SCB và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác.

Gần 200 luật sư

Có gần 200 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp các bên liên quan. Trong đó, riêng bị cáo Trương Mỹ Lan có 5 luật sư, bị cáo Nguyễn Cao Trí có 7 luật sư bào chữa; 5 bị cáo đang bỏ trốn đều có luật sư bào chữa.

6 tấn tài liệu

Liên quan vụ án này, cơ quan chức năng xác định có gần gần 2.500 tập tài liệu, đóng trong 104 thùng hồ sơ nặng khoảng 6 tấn, với khoảng 1 triệu bút lục.

Toà án đã bố trí 1 phòng riêng có lắp đặt hệ thống camera an ninh giám sát để đựng hồ sơ. Tại khu vực xét xử vụ án, toà án còn bố trí tủ đựng hồ sơ phục vụ phiên xử.

Xem thêm

Những “bóng hồng” trong đại án Vạn Thịnh Phát

Những “bóng hồng” trong đại án Vạn Thịnh Phát

Để thực hiện hành vi tham ô chiếm đoạt tiền của ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát, đã sử dụng các nhân viên tin tưởng, thân tín và trả từ 200 triệu đến 500 triệu đồng/tháng, trong đó có sự góp mặt của các “bóng hồng” nắm giữ những vị trí đặc biệt quan trọng…

Có thể bạn quan tâm

Ninh Bình sẽ có thành phố Hoa Lư

Chính thức thành lập thành phố Hoa Lư thuộc tỉnh Ninh Bình

Với vị trí địa lý thuận lợi và những giá trị di sản văn hóa độc đáo, “thành phố mới” Hoa Lư hứa hẹn sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình…

VACOD-HBA vươn ra biển lớn, tạo “cơ hội vàng” cho cộng đồng doanh nghiệp

VACOD-HBA vươn ra biển lớn, tạo “cơ hội vàng” cho cộng đồng doanh nghiệp

Đoàn công tác VACOD-HBA vừa kết thúc chuyến công tác dài ngày hết sức thành công tại Nga. Chuyến đi không chỉ đơn thuần thắt chặt quan hệ giao lưu hữu nghị mà còn tiếp tục khẳng định quyết tâm của VACOD-HBA trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường tại một cường quốc thế giới như Nga...