Những đại gia nào đang đầu tư tại Khu đô thị Ciputra?

Từ giữa năm 2018, nhiều lô đất thuộc giai đoạn 2 và 3 của dự án Ciputra được Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long bán lại cho Tập đoàn Sunshine và Tập đoàn Vimedimex.
Những đại gia nào đang đầu tư tại Khu đô thị Ciputra?

Ciputra là một trong những khu đô thị cao cấp đầu tiên và bậc nhất Hà Nội, thuộc quận Tây Hồ và Bắc Từ Liêm vừa được chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, việc này vấp phải sự phản đối của cộng đồng cư dân đang sinh sống và mới đây, Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ, ngành cần làm rõ việc điều chỉnh quy hoạch này. 

Đây là dự án do Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long - liên doanh giữa Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC) và Tập đoàn Ciputra (Indonesia) làm chủ đầu tư, có quy mô hơn 300 ha với thiết kế 50 tòa nhà cao tầng và 2.500 căn nhà thấp tầng.

Dù được triển khai từ năm 2003 nhưng đến nay mới hoàn thành giai đoạn 1 với phần diện tích nhỏ. Hai giai đoạn còn lại của dự án mới được chủ đầu tư phát triển một số hạng mục, chủ yếu là các khu thấp tầng.

Công ty Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long đang đầu tư một loạt lô đất khác trong dự án, song từ giữa 2018, đơn vị này cũng bắt đầu chuyển nhượng thứ cấp hàng loạt lô đất thuộc phần quy hoạch giai đoạn 2 và 3 của khu đô thị cho Vimefulland (thuộc Vimedimex Group) và Tập đoàn Sunshine. Đây đều là những tên tuổi mới trên thị trường bất động sản nhưng đều sở hữu quỹ đất lớn tại nhiều thành phố lớn.

Còn Vimedimex Group, xuất thân từ một công ty kinh doanh dược phẩm, đã xây dựng thương hiệu Vimefulland trong lĩnh vực bất động sản với nhiều dự án chung cư và nhà thấp tầng ở Hà Nội. Gần đây, Vimedimex mua lại lô đất TM01 rộng gần 20.000 m2 có chức năng thương mại - dịch vụ, văn phòng, khách sạn cao cấp. Tập đoàn này còn đặt cọc để mua các lô đất ký hiệu CT05, CT06 có tổng diện tích 59.629 m2, nằm gần lô TM01.

Một công ty liên quan đến Vimedimex là Công ty bất động sản Thanh Trì đặt cọc mua lại lô đất BT05 tại Ciputra từ Công ty UDIC. Lô đất này có quy hoạch là 81 căn nhà ở thấp tầng trên diện tích gần 14.000 m2.

Bên cạnh việc chuyện nhượng các hạng mục tại dự án, sau nhiều năm không sử dụng vốn vay ngân hàng, gần đây Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long đã sử dụng các lô đất trong khu đô thị làm tài sản thế chấp cho các khoản vay, tương tự như các chủ đầu tư khác tại Việt Nam.

Cụ thể, vào cuối năm 2016, toàn bộ lợi ích từ việc kinh doanh các tòa nhà chung cư L03, L04, L05 (TheLINK 345) của dự án được thế chấp tại Indovina Bank, Hà Nội. Sau đó, năm 2017, chủ đầu tư tiếp tục thế chấp lợi ích từ việc kinh doanh trên lô K (khu biệt thự Grand Gardenville Tây Hồ) tại ngân hàng này.

Gần đây dự án này đang gây chú ý dư luận bởi việc xin điều chỉnh quy hoạch và vấp phải sự phản đối của các cư dân đang sinh sống tại đây. Theo đó, các hộ dân tại Ciputra đã có kiến nghị khẩn cấp về điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số lô đất thương mại, sân, vườn và đường nội bộ nay chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng.

Liên quan đến đề xuất này, trước đó, ngày 27/2, UBND TP Hà Nội đã có thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố xem xét về việc điều chỉnh quy hoạch này. Nêu tại kết luận, Chủ tịch UBND thành phố thống nhất về nguyên tắc chủ trương điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số ô đất theo đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội.

Tuy nhiên, cộng đồng dân cư tại đây cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch là vì lợi ích nhóm của nhà đầu tư không phải vì lợi ích của người dân. Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo các bộ, ngành cần làm rõ việc điều chỉnh quy hoạch này.

>> Thủ tướng yêu cầu xử lý việc vỡ quy hoạch tại khu đô thị Ciputra

Có thể bạn quan tâm

Lượng tiêu thụ căn hộ tại Hà Nội vượt qua TP.HCM

Lượng tiêu thụ căn hộ tại Hà Nội vượt qua TP.HCM

Thời gian qua, nguồn cung căn hộ trên thị trường bất động sản đã cải thiện hơn, cùng với đó, lượng tiêu thụ cũng tăng trở lại và Hà Nội đang dẫn đầu về cả nguồn cung và lượng tiêu thụ của thị trường...