Những giọt nước mắt người giàu

Có một bộ phim từng cuốn hút người xem một thời có tên "Người giàu cũng khóc". Quả thực, người giàu, người nghèo - ai mà chả có nỗi khổ riêng.
Những giọt nước mắt người giàu

Bố mẹ chồng chị có nghề buôn bán ở phố cổ Hà Nội. Cụ bà buôn lụa nổi tiếng từ thời thuộc Pháp. Sau này lúc già rồi mà anh chị còn đang công tác trong nhà nước, ông bà vẫn cố túc tắc bán hàng lấy tiền sinh hoạt hàng tháng. Dù khó khăn ông bà vẫn quyết không bán căn nhà bên bởi muốn giữ cho con cháu sau này. Ông bà có chồng chị và một con gái ở vậy chẳng lấy chồng. Anh chị lại có đủ nếp đủ tẻ, con giai lớn, gái út. Ai cũng xuýt xoa các cụ có phước, mãn nguyện quá rồi.

Thời mở cửa, nhà phố cổ có giá như "dát vàng lên từng centimet đất". Ai cũng khen ông bà có con mắt nhìn xa. Ông bà nghỉ bán hàng cho thuê hai cửa hiệu, kinh tế cũng vững dần. Một ngày bố mẹ chồng gọi anh chị lại bảo sẽ làm di chúc để tên anh chị thừa hưởng hai căn nhà "Với điều kiện phải lo cho em gái chu toàn!". Chị hiểu ông bà muốn giữ của hương hỏa và công sức bao năm tích cóp là hai căn nhà không muốn chia ra sợ lỡ con gái bán mất. Sau này, thâm ý sâu xa là để cháu đích tôn giữ nghiệp nhà... Chị bối rối quá, lại ngại em chồng tị nạnh nên bàn với chồng nói bố mẹ chuyển luôn cho con trai! Ông bà nghe cũng thấy hợp lý nên đồng ý luôn.

Lòng tham như lò lửa thiêu đốt tất cả những gì tốt đẹp nhất. Ai bảo giàu có đã là hạnh phúc?

Không may chồng chị qua đời vì bạo bệnh. Hai ông bà già vì buồn phiền cũng thay nhau ra đi mấy năm sau đó. Bỗng dưng cả một gia đình đông đủ đầm ấm trơ ra toàn đàn bà con trẻ. Chị trở thành người gánh vác lo toan. Nhưng rồi vất vả buồn đau cũng bớt dần. Con trai lớn lấy vợ, con gái lấy chồng nước ngoài, lâu lâu mới về. Cô em chồng trước giờ hay tị nạnh với chị, giờ cũng hiểu ra đôi phần, biết cảm thông hơn một chút. Chị đã thở phào nhẹ nhõm. Thấy mình có thể nghỉ ngơi và chăm lo cho chính mình hơn.

Nhưng hóa ra đoạn đời sau này mới nhiều chông gai và nhiều nước mắt chờ đón chị.

Bắt đầu bằng việc con dâu chị bàn với chồng chấm dứt hợp đồng của cửa hàng thứ nhất. Chị bảo "Hợp đồng năm năm một nhưng thực ra họ đã thuê của nhà mình mấy chục năm rồi. Khách đã quen, người ta kinh doanh ổn định mình cũng có lợi...". Con dâu gạt phắt "Mẹ không biết thì thôi. Lãi nhà họ núi to núi bé, trả cho mình bằng nắm tay ăn thua gì. Con lấy lại tự kinh doanh. "Sẵn nong sẵn né tội gì". Chị lắc đầu không đồng tình. Làm ăn là phải giữ chữ tín với nhau. Đành rằng về lý không sai nhưng về tình có điều gì không ổn. Nhưng chị phải chịu thua bởi con dâu nói thẳng tưng "Về lý mẹ cũng không có tên trên sổ đỏ. Quyền sở hữu thuộc về chồng con".

Chị mỗi lần ra đường, có cảm giác cả hàng phố, ai cũng nhìn chị như nhìn kẻ lật lọng. Có người còn nói trống không cứ như cố tình cho chị nghe "Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào. Để rồi xem làm ăn ra cái gì. Có đức mới thả sức mà ăn được cơ!". Cụ bà chơi thân với mẹ chồng chị ngày xưa kéo chị lại bảo nhỏ: "Các cụ xưa được tiếng có trước có sau. Tôi chắc chị cũng chẳng phải người thế này thế nọ. Thôi thì chịu khó khuyên bảo con cái vậy..." Chị rơm rớm nước mắt vâng vâng dạ dạ nhưng trong lòng rối bời và quặn thắt lại.

Đâu chỉ chuyện người dưng, chuyện trong nhà cũng đang rừng rực như lửa đốt trong lò. Việc gửi tiền cho con gái chị đều đặn hàng tháng bị cô con dâu nêu ra trong cuộc họp gia đình do con trai chị chủ trì "Cô ấy đã có gia đình, lại lấy chồng ngoại quốc nào có thiếu thốn gì. Từ tháng sau trở đi phải ngừng ngay việc chia tiền cho thuê cửa hàng bên kia."

Chị vừa nói vừa đưa mắt nhìn con trai như cầu cứu, Nó cũng biết rõ em gái lấy chồng nhưng có phải cứ chồng Tây là ăn sung mặc sướng. Để có thể về nhà thăm mẹ và họ hàng, nó cũng phải dành dụm từng đồng. Chị muốn nhắc con trai cái ngày bố mất, nó ôm mẹ và em gái nói trong cơn thổn thức "Mẹ yên tâm đi vẫn còn con đây mà!". Đằng này nhà cửa của ông bà để lại em gái nó đã được hưởng chút gì? Vả lại anh em máu chảy ruột mềm, bát cơm xứ người đâu có dễ ăn. Chia sẻ với em cũng là điều nên làm. Con dâu gắt: "Mẹ có tiền thì gửi chúng con không có ý kiến."

Không gửi nữa là không gửi. Cả hai vợ chồng con trai đồng thanh. Chị nuốt nước mắt vào lòng mà gượng sống. Ai mà dám lộ ra ngoài cho người ta cười vào mũi. Thế là tiền thuê hai cửa hàng trước chia bốn, giờ còn lại một cửa hàng để chia ba. Cửa hàng kia con dâu chị tự tung tự tác kinh doanh: "Lấy tiền nuôi cháu chắt các ông các bà chứ có nuôi người ngoài đâu."

Đến lượt bà cô. Vợ chồng chúng bảo: "Cô có một mình, ở cả căn gác ấy làm gì cho phí. Cô chuyển sang ở cùng mẹ cháu để sửa căn phòng ấy chúng cháu làm văn phòng công ty...". Chả ai chịu ai. Bực mình từ những va chạm trong sinh họat thành chuyện cãi vã om xòm, người nọ gào vào mặt người kia. Bà cô bắc ghế ra ban công chửi từ chiều đến tận chập tối "Nhà bố mẹ tao, tao ở từ lúc còn chưa mọc tóc giờ tóc tao đã bạc. Đố thằng nào con nào dám bẩy tao đi...". "Bà cũng chẳng có tên trong sổ đỏ nhé. Các cụ đâu có cho tên bà vào di chúc. Bà ăn nhờ ở đậu mà còn không biết thân biết phận." Cháu dâu cũng ra cửa mà gào lên cho cả hàng phố nghe thấy. Chị chạy hết từ em chồng đến con dâu nói như lạy van mà chả ai chịu nhường lời. Mọi thứ xấu xa cứ lôi ra bằng hết, dội lên đầu nhau chả còn gì ý tứ. Con dâu còn vằn mắt lên với chị "Bà nữa, bà cứ như là mẹ kế chứ chả phải mẹ đẻ! Sao bà không biết bênh vực con bà chứ? Mà bà làm gì có tên trong sổ đỏ nhà này. Bà thiết tha gì nhỉ?!" Chị tối tăm cả mặt mày. Nhìn sang thấy con trai ngó lơ phía khác, chị đổ sụp xuống.

Bây giờ cô cháu nó đưa nhau ra tòa. Con dâu chị bảo đã thuê luật sư giỏi, đến đâu cũng theo hết, phần thắng nó cầm trong tay đây rồi. Em chồng chị gọi tên bố mẹ và réo cả tên chị "Sao không dạy bảo được đứa cháu đứa con nghịch tử kia.

Chị đôi lúc có cảm giác tất cả đều bị thần kinh hết lượt. Tất cả những gì ông bà gây dựng từ xưa cứ như sắp rời tan ra hết. Tiền bạc mà làm gì nếu những người ruột già máu mủ cứ cắn xé nhau hàng ngày như thế? Chị không biết rồi mình có thể chịu đựng nổi không khi trước tòa phải ra làm chứng? Và hai bên đang kéo chị tưởng sắp xé làm đôi. Chính chị còn cảm nhận thấy chúng muốn tống cả chị đi cho khuất mắt...

Nước mắt cũng không làm chị dịu được phần nào. Lòng tham như lò lửa thiêu đốt tất cả những gì tốt đẹp nhất. Ai bảo giàu có đã là hạnh phúc? Bỗng dưng chị thèm được trở lại ngày xưa bố mẹ chồng vẫn đi ra đi vào cửa hàng, em chồng vừa đi học về má đỏ ửng rối rít hỏi chị có gì cho ăn em đói quá. Con trai chị lẫm chẫm chạy ra hiên nhà... Những điều tốt đẹp dường như chỉ còn trong quá khứ.

Biết bao giờ trở lại được ngày xưa!

Yên Thao

Có thể bạn quan tâm

Nguyên nhân hàng đầu khiến não bộ lão hoá sớm

Nguyên nhân hàng đầu khiến não bộ lão hoá sớm

Nghiên cứu mới cho thấy giấc ngủ kém chất lượng có thể khiến não bộ lão hóa nhanh hơn, gia tăng nguy cơ suy giảm nhận thức và các vấn đề sức khỏe thần kinh. Các chuyên gia khuyến khích mọi người xây dựng thói quen ngủ lành mạnh để bảo vệ sức khỏe…

Những mẫu túi khuấy đảo thế giới thời trang 2024

Những mẫu túi khuấy đảo thế giới thời trang 2024

Xu hướng túi xách 2024 là sự bùng nổ của nhiều kiểu dáng đa dạng, từ mẫu baguette cổ điển cho đến các thiết kế mang tính nghệ thuật đầy sáng tạo. Kết hợp cùng chất liệu da sang trọng và chi tiết điểm tô phá cách, mỗi phong cách đều mang đến tuyên ngôn thời trang đầy cá tính cho giới mộ điệu….

Bộ đôi trà trái cây TH true Tea đang được giới trẻ yêu thích

Trà trái cây TH true TEA tung bí quyết chinh phục trái tim GenZ

Không chỉ đơn thuần là một thức uống giải khát, trà trái cây TH true TEA còn được giới trẻ yêu thích bởi những giá trị dinh dưỡng mà nó mang lại, cung cấp vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể, giúp tăng cường sức đề kháng và làm đẹp da...

Dàn sao lớn “đổ bộ” Victoria’s Secret 2024

Dàn sao lớn “đổ bộ” Victoria’s Secret 2024

Show diễn thời trang nổi tiếng Victoria's Secret đã chính thức trở lại sau 5 năm “vắng bóng”, một lần nữa quy tụ sự xuất hiện của hàng loạt siêu mẫu và nghệ sĩ đình đám Hollywood…

Khám phá xứ sở thần tiên ở phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ

Khám phá xứ sở thần tiên ở phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ

Từ những bậc thang travertine trắng xóa đến những hồ nước khoáng kỳ diệu, Pamukkale không chỉ là một kỳ quan thiên nhiên mà còn là nơi giao thoa giữa lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp huyền bí của Thổ Nhĩ Kỳ…